Vietnamese English
Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo

3/3/2014 11:20:00 AM

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng thực tế hiện nay diễn biến nhanh hơn nhiều so với dự báo.




 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khảo sát tuyến đê, kè xung yếu tại xã Hiệp Thạch, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh Ảnh: TTXVN

Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, những năm gần đây, triều cường, sóng lớn thường xuyên gây nhiều thiệt hại cho người dân các tỉnh duyên hải Đồng bằng Sông Cửu Long.

Trước thực trạng đó, ngày 2/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn công tác trung ương đã đi dọc tuyến đê, biển thuộc 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng để khảo sát thực tế và chỉ đạo khắc phục – Báo Người Lao Động đưa tin.

Trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tại khu vực khảo sát tuyến đê kè biển xung yếu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối phó với biến đổi khí hậu và cho rằng thực tế hiện nay diễn biến nhanh hơn nhiều so với dự báo.

Biến đổi khí hậu có thể sớm đe dọa Việt Nam

Việt Nam có thể sớm đối mặt với tác động xấu của biến đổi khí hậu ngay từ năm 2020, ảnh hưởng tới sản lượng lúa gạo và đe dọa cuộc sống của các gia đình sống ven biển vào cuối thế kỷ này.

TTXVN dẫn theo báo cáo nghiên cứu mới nhất về tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố hồi năm 2009 đã cảnh báo rằng sản xuất lúa gạo ở Việt Nam có thể giảm mạnh và mực nước biển tăng có thể nhấn chìm hàng chục ngàn hécta đất canh tác vào cuối thế kỷ này, đồng thời khiến cho hàng ngàn gia đình sống ven biển phải tái định cư.

Lượng mưa có thể giảm đáng kể ở Việt Nam trong thập kỷ tới và hơn 12 triệu người sẽ phải chịu tác động của tình trạng thiếu nước ngày càng gia tăng, ADB dự báo.

Nghiên cứu “Tác động kinh tế của Biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á: Báo cáo Đánh giá Khu vực” của ADB lập luận nếu tiếp tục với ý nghĩ “mọi việc sẽ đâu vào đấy,” các nước Indonesia, Philippines, Thái Lan, và Việt Nam có thể phải chịu những tổn thất tương đương với 6% tổng sản lượng trong nước hàng năm của các quốc gia này vào cuối thế kỷ này. ADB cho rằng tổn thất này lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.

Nghiên cứu cũng cho rằng Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác cần phải giải quyết cùng lúc hai mối đe dọa là khủng khoảng tài chính toàn cầu và biến đổi khí hậu bằng việc đưa ra các chương trình “Kích cầu Xanh” – là một phần của các gói kích thích mở rộng – để có thể đồng thời đẩy mạnh kinh tế, tạo công ăn việc làm, giảm đói nghèo, bảo vệ cộng đồng có nguy cơ bị tác động và giảm khí phát thải.

Mai Anh

(MOITRUONG.COM.VN)




Lượt xem : 1358