Vietnamese English
Bến Tre: Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

4/13/2024 4:52:00 PM

Thời gian tới, tỉnh Bến Tre tập trung bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được trồng mới trong giai đoạn 2021 - 2030, đáp ứng yêu cầu phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai gây ra.

 

UBND tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương đang tăng cường quản lý và phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ trên bãi bồi để phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu; kết hợp phát triển rừng với nuôi thủy sản, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái. Bến Tre chú trọng bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, phát triển tỷ lệ che phủ rừng góp phần đáp ứng các yêu cầu về môi trường cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thủy, bảo vệ đa dạng sinh học; nâng cao năng suất và chất lượng rừng.

Tỉnh Bến Tre hiện có hơn 7.800ha  rừng và đất rừng trải dài theo bờ biển của 11 xã thuộc 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Đến nay, diện tích đất có rừng toàn tỉnh là gần 4.500ha. Rừng tại Bến Tre chủ yếu là rừng ngập mặn với loài cây phổ biến là đước đôi, bần, mắm là những cây có giá trị kinh tế thấp và đa phần là rừng trồng có vai trò rất quan trọng trong việc chắn gió, chắn sóng, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên, với đặc điểm ven biển, rừng ngập mặn có vai trò bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ an toàn đời sống dân cư phía bên trong rừng.

Rừng ngập mặn ven biển của Bến Tre có vai trò rất quan trọng giúp địa phương chống chịu và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, dù diện tích không quá lớn nhưng rừng ngập mặn ven biển của Bến Tre có vai trò rất quan trọng giúp địa phương chống chịu và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng thời tạo sự đa dạng sinh học cùng sinh kế đặc thù cho người dân. Do vậy, việc trồng và bảo vệ “lá phổi xanh” rừng ngập mặn có ý nghĩa rất quan trọng, xem như giải pháp mềm trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng (QLRPH&ĐD) tỉnh trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị đang quản lý diện tích rừng nằm trên 3 huyện ven biển của tỉnh Bến Tre: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Tổng diện tích tự nhiên được giao quản lý là 7.178,76ha. Trong đó, đất rừng hiện có là 4.195,66ha, chiếm 58,45%/tổng diện tích; diện tích chưa có rừng 2.983,1ha, chiếm 41,55%/tổng diện tích.

Với hệ sinh thái đất ngập nước, đặc trưng rừng tại tỉnh là rừng ngập mặn. Hệ động vật, thực vật đa dạng và phong phú, có các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, mang đặc trưng của vùng rừng ngập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long; có những bãi biển mang nét nguyên sơ, các cồn và rừng ngập mặn ven biển, hệ thống sông, rạch chia cắt tạo nên các cồn phía trong, với khung cảnh hoang dã, thú vị.

Thời gian tới, Bến Tre sẽ phát huy các giá trị tổng hợp của rừng và hệ sinh thái rừng để mang lại hiệu quả tổng hợp về kinh tế, xã hội và môi trường đối với diện tích rừng hiện có của tỉnh. Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống vật chất, tinh thần cho người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, danh lam thắng cảnh và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương. Đồng thời, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với phát huy có hiệu quả tri thức bản địa nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ, góp phần tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.

Về mục tiêu cụ thể, Bến Tre tập trung bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được trồng mới trong giai đoạn 2021 - 2030, đáp ứng yêu cầu phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai gây ra, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đạt 2% vào năm 2025 và 2,1% vào năm 2030; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp 1,52%/năm. Bên cạnh đó, phát triển dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở cụ thể hóa, mở rộng các loại dịch vụ môi trường rừng; quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn từ dịch vụ môi trường rừng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật; triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng. Phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững.

Cùng với đó, phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác giá trị của vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch; mở rộng các loại hình du lịch, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa, lịch sử và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương. Đồng thời tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp; từng bước nâng mức thu nhập cho người lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo tham gia các hoạt động sản xuất lâm nghiệp.

Đối với nhiệm vụ, Bến Tre tập trung phát triển các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp; phát triển dịch vụ môi trường rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Riêng về giải pháp, tỉnh sẽ cụ thể hóa hệ thống cơ chế, chính sách lâm nghiệp; quản lý rừng và phát triển vùng nguyên liệu; ứng dụng khoa học và công nghệ; tổ chức triển khai hiệu quả các lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp; đào tạo, tập huấn, tuyên truyền và nâng cao năng lực; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế.

Về kinh phí, tỉnh Bến Tre thực hiện đa dạng nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Đề án, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo quy định, bao gồm: Ngân sách nhà nước; lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, kế hoạch, dự án khác; nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và cho thuê môi trường rừng; các nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả, UBND tỉnh Bến Tre giao cho Sở NN&PTNT làm cơ quan đầu mối, tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan quản lý và tổ chức thực hiện. Phối hợp với các cơ quan báo, đài và các sở, ngành có liên quan, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, các hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Riêng với Sở TN&MT Bến Tre có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh Bến Tre trong việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo đúng quy định pháp luật; đồng thời cụ thể hóa các chính sách mới về đất đai liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Thu Hoài

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn

Lượt xem : 608