Vietnamese English
Bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái khu vực ven biển

10/7/2022 7:33:00 AM

Thời gian qua, công tác bảo vệ tồn đa dạng sinh học, phát triển các hệ sinh thái vùng biển ven bờ được tỉnh Quảng Ngãi chú trọng, trong đó địa phương này tập trung các giải pháp trong bảo vệ hệ sinh thái san hô, rừng ngập mặn cũng như các khu vực đầm phá ven biển.

 

UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, bảo vệ san hô chính là việc bảo vệ sự sống của các loài sinh vật biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Do đó, bên cạnh các biện pháp, chế tài quản lý thì công tác nâng cao ý thức bảo vệ môi trường là yếu tố tiên quyết để bảo vệ bền vững hệ sinh thái biển. 

Tại vùng biển huyện Lý Sơn, theo khảo sát đã xác định được 157 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 18 họ, san hô bao phủ hầu khắp xung quanh đảo. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tốc độ đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội đã tác động và dẫn đến sự suy giảm của hệ sinh thái san hô khu vực này. 

Theo đánh giá của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn, tổng diện tích vùng rạn san hô trong Khu bảo tồn biển Lý Sơn là 634 ha, tập trung chủ yếu ở phía Đông, Bắc và Đông Bắc. Ở phía Nam, diện tích rạn san hô hẹp hơn, phân bố gián đoạn thành từng mảnh rạn gò san hô sát với vùng triều dưới. Vùng phía Nam, san hô bị tàn phá nhiều do xây dựng một số công trình, dự án.

UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, kiểm soát hoạt động du lịch tại khu vực có hệ sinh thái san hô  

Các ngành chức năng ghi nhận hệ sinh thái san hô tại tại Gành Yến (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) thời gian gần đây san hô có dấu hiệu bị đứt gãy, hư hại, những bông hoa san hô xếp lên nhau ngày càng hiếm gặp. 

Trước thực trạng hệ sinh thái san hô bị suy giảm ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến bảo vệ, bảo tồn biển, ý nghĩa của việc bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái nói chung, rạn san hô nói riêng. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát các hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường biển và hệ sinh thái rạn san hô trong khu bảo tồn.

Cùng với công tác tuyên truyền, các lực lượng tại Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã thực hiện lặn bắt sao biển gai nhằm tiêu diệt kẻ thù của san hô giúp cân bằng hệ sinh thái, đảm bảo đa dạng sinh học được duy trì tại hai phân khu bảo vệ nghiêm ngặt ở phía Bắc và phía Nam.

Tại khu vực thắng cảnh Gành Yến, Tổ bảo vệ san hô Gành Yến đã tăng cường công tác giám sát hoạt động du lịch tại khu vực. Trong khi trực bảo vệ khu vực, nếu phát hiện có người bẻ san hô hoặc làm tổn hại san hô thì vận động trả về chỗ cũ. Hiện tại chưa có hành lang pháp lý, chế tài xử phạt nên giải pháp cũng chỉ dừng lại ở vận động, tuyên truyền. 

Cùng với hệ sinh thái san hô thì diện tích rừng ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn gió bão, hạn chế xói lở bờ biển, bảo vệ đê biển và sinh kế của người dân. Toàn tỉnh hiện có hơn 9.984ha rừng ven biển. Trong đó, rừng phòng hộ hơn 2.308ha, rừng sản xuất hơn 7.676ha. Diện tích rừng ngập mặn chiếm hơn 109ha; rừng phi lao hơn 2.552ha. Huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ là hai địa phương có diện tích rừng phi lao lớn nhất tỉnh.

Quảng Ngãi có bờ biển dài 130km và thường xuyên chịu tác động tiêu cực của thiên tai, gây sạt lở, xâm thực nghiêm trọng các địa phương ven biển, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Việc khôi phục, trồng mới rừng ngập mặn là giải pháp hữu hiệu. UBND tỉnh Quảng Ngãi tranh thủ kinh phí từ nhiều nguồn đã tập trung trồng và phục hồi rừng ngập mặn ở các địa phương ven biển.

Theo đó, địa phương này đã tập trung khôi phục, trồng mới nhiều diện tích rừng ngập mặn (chủ yếu ở Bình Sơn). Riêng rừng phi lao, UBND tỉnh đề nghị các địa phương đăng ký nhu cầu trồng bổ sung, thay thế theo chương trình trồng một tỷ cây xanh của Chính phủ, giai đoạn 2022 - 2025. 

Trồng mới và bảo vệ những cánh rừng ngập mặn ven biển phát huy đa hiệu quả trong bảo vệ hệ sinh thái, phòng chống thiên tai  

Để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, nhất là việc khai thác du lịch sinh thái, chính quyền các địa phương nghiên cứu thành lập hợp tác xã hoặc tổ quản lý, với sự tham gia của các hộ dân trong khu vực. Các hợp tác xã chịu trách nhiệm xây dựng cơ chế bảo vệ và quản lý, hạn mức khai thác; đồng thời kết nối với các đơn vị lữ hành thiết kế các tour du lịch, hướng dẫn các hộ tham gia thực hiện... Riêng việc nuôi trồng và khai thác thủy sản, người dân phải theo quy định về loài, kích cỡ mắc lưới khai thác, thời gian khai thác. 

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phê duyệt dự án đầu tư trồng rừng ngập mặn  ven biển các xã: Bình Phước, Bình Đông và Bình Dương huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với tổng diện tích thực hiện dự án là 107,448ha.

Trong đó, thực hiện trồng mới rừng dừa nước với diện tích 65,64ha (xã Bình Phước 38,935ha; xã Bình Trị 24,500ha; xã Bình Đông 2, 205ha), diện tích còn lại để phục vụ đánh bắt thủy hải sản, cách ly đất sản xuất nông nghiệp kết hợp làm đường giao thông vận chuyển cây con phục vụ trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. 

Ngoài ra, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 5 vùng đất ngập nước ven biển quan trọng, với tổng diện tích 1.765ha, gồm: Vùng đất ngập nước Bàu Cá Cái và sông Đầm (Bình Sơn); đầm Nước Mặn, đầm An Khê (TX.Đức Phổ); vùng biển nông ven bờ huyện Lý Sơn và rừng Nà (Mộ Đức). Thời gian qua, để bảo vệ, nâng diện tích vùng đất ngập nước, tỉnh đã thực hiện 2 dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển tại các xã Bình Thuận, Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương (huyện Bình Sơn). 

Đối với bảo vệ đa dạng sinh học vùng đất ngập nước, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác  thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến người dân về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn, sử dụng bền vững đất ngập nước nói riêng.

Hạnh Nguyễn

Nguồn: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn

Lượt xem : 1424