Vietnamese English
Bảo vệ rừng bằng công cụ chống rửa tiền

7/23/2009 9:00:00 PM

ThienNhien.Net - Khai thác rừng một cách bền vững đã và đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Trong hơn 13 tỷ ha diện tích đất của trái đất có tới 3,8 ha là rừng. Hàng năm có tới 10 triệu ha rừng bị phá huỷ, gây nên một trong những biến đổi môi trường nghiêm trọng nhất cho Trái Đất. Chỉ có khoảng 80 triệu ha rừng, tương đương với 2% diện tích rừng trên thế giới được công nhận là rừng khai thác bền vững. Nằm trong loạt báo cáo tại Hội thảo Tội phạm Môi trường xuyên quốc gia Khu vực Châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại Đại học Quốc gia Australia tháng 3/2007, bài viết dưới đây của nhà phân tích chính sách và tài chính Bambang Setiono thuộc Trung tâm Nghiên cứu Rừng Quốc tế (CIFOR), Indonesia dành phân tích về mô hình phạm tội khai thác rừng bất hợp pháp và biện pháp đấu tranh chống lại nó thông qua chống rửa tiền.


 
Mỗi năm có tới 10 triệu ha rừng bị phá huỷ, gây nên một trong những biến đổi môi trường nghiêm trọng nhất cho Trái Đất (Ảnh: Oceanwideimages.com)
 

Rừng, ngành công nghiệp gỗ và các ngân hàng

Nhu cầu về gỗ gia tăng trên toàn cầu đang tạo ra một áp lực khai thác khổng lồ lên các cánh rừng. Kinh doanh gỗ xây dựng là một ngành công nghiệp lớn trên thế giới và nhu cầu về loại gỗ này đang vượt xa sản lượng cung ứng đảm bảo tính bền vững. Mỗi năm ngành công nghiệp này đóng góp tổng cộng khoảng 150 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu. Sự gia tăng về nhu cầu gỗ xây dựng trên thế giới đã thúc đẩy các hành động chặt phá rừng bất hợp pháp ở các nước đang phát triển. Ước tính hoạt động chặt phá rừng trái phép chiếm tới 25% sản lượng khai thác toàn cầu.

Các ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp gỗ xây dựng. Họ cung cấp đa dạng các gói hỗ trợ tài chính cho các công ty khai thác và chế biến gỗ thành phẩm như cho vay vốn lưu động để đáp ứng nhu cầu hoạt động trong ngắn hạn của các công ty khai thác hoặc đứng ra bảo lãnh các đợt phát hành cổ phiếu và trái phiếu nhằm tạo vốn cho các hoạt động mở rộng hoặc tái cơ cấu. Các ngân hàng còn tạo ra những cơ chế tài chính nhằm hỗ trợ cho các công ty gỗ trong hoạt động xuất khẩu và chế biến.

Khi tạo điều kiện thuận lợi về tài chính cho các công ty gỗ, các ngân hàng phải tiến hành hoạt động của mình đi đôi với việc phân tích, đánh giá đúng mức các dữ liệu về khách hàng và những dự án hay các phi vụ thương mại mà khách hàng đề xuất. Việc đánh giá và phân tích là một quá trình mà trong đó các ngân hàng định giá rủi ro tài chính và rủi ro luật pháp liên quan đến các khách hàng và dự án tiềm năng. Rủi ro tài chính là rủi ro mà ngân hàng gặp phải trong trường hợp khách hàng không đủ khả năng chi trả số nợ. Còn rủi ro luật pháp là loại rủi ro mà ngân hàng sẽ phải đối mặt nếu khách hàng hoặc dự án của họ có liên quan tới các hành vi vi phạm pháp luật hoặc phá hoại môi trường.

Ngoài việc cấp tín dụng, các ngân hàng cũng đóng một vai trò quan trọng khác đối với các công ty gỗ và cổ đông của họ. Vai trò đó thể hiện thông qua việc cung cấp hệ thống gửi tiền. Các công ty gỗ, các cổ đông, các nhà quản lý, nhân công, các nhà hoạch định chính sách về rừng, cũng như những nhà thi hành chính sách ít nhất đều có một tài khoản tiết kiệm tại các ngân hàng để duy trì thu nhập và chi tiêu liên quan đến việc kinh doanh gỗ. Mỗi cổ đông đều có vai trò thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này và qua đó, thúc đẩy sự bành trướng của hoạt động khai thác gỗ trái phép.

Hành động chặt phá rừng bất hợp pháp và mô hình của nó

Chặt phá rừng bất hợp pháp không phải là một loại tội phạm thông thường. Nó là một loại tội phạm có khả năng nối dài nhờ sự tiếp tay của các quan chức tham nhũng trong chính phủ bao gồm cả những người chịu trách nhiệm thi hành luật pháp lẽ ra phải bảo vệ rừng. Khác với ma tuý, hành vi phạm tội của loại tội phạm này rất rõ ràng và không thể bị che giấu một cách dễ dàng. Chúng chỉ có thể qua mặt các điểm kiểm soát của chính phủ bằng cách đút lót cho các công chức làm việc tại trạm kiểm soát đó. Chặt phá rừng trái phép còn được các tổ chức tội phạm quốc tế hỗ trợ bằng cách sử dụng các địa chỉ kinh doanh và văn bản hợp pháp.

Phần lớn lợi nhuận từ việc khai thác trái phép được che đậy dưới mác kinh doanh hợp pháp các sản phẩm phi gỗ ở nước ngoài, nơi mà gỗ và các sản phẩm từ gỗ “hợp pháp” được trao đổi với giá thị trường. Ngân hàng và các doanh nhân nhập khẩu gỗ xây dựng hay gỗ thành phẩm là những người thu được nhiều lợi nhất từ việc khai thác gỗ trái phép ở Papua. Cộng đồng địa phương chỉ nhận được vẻn vẹn 1USD cho 1m3 gỗ mà họ thu hoạch được, trong khi những nhà kinh doanh ở Hongkong, Singapore, hay Trung Quốc thu về tới 255 USD cho 1m3 gỗ khoanh hoặc các sản phẩm từ gỗ bằng cách bán chúng dưới hình thức hợp pháp.

Các nhân vật giàu có là những “Mạnh Thường Quân” của hoạt động khai thác gỗ trái phép, còn được gọi là những “Cukong”. Họ ứng trước cho những người đứng đầu cộng đồng dân cư địa phương, những người có “quyền” đối với khu rừng, một số tiền kèm theo lời hứa xây dựng các công trình tôn giáo và các công trình công cộng khác. Nhưng những lời hứa này rất hiếm khi được thực hiện. Các Cukong còn hối lộ cho những quan chức lâm nghiệp địa phương để lấy được giấy phép khai thác hoặc giấy phép vào rừng, gồm cả các vườn quốc gia và thậm chí là rừng cấm, những nơi nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương mà cụ thể là Bộ Lâm nghiệp. Để đảm bảo gỗ được vận chuyển an toàn tới nhà máy cưa gần nhất, họ chi “tiền lót đường” cho các nhân viên thi hành luật pháp ở các chốt kiểm tra đặt ở khu vực giữa rừng và nhà máy cưa. Họ thậm chí còn chuyển những khoản “lại quả” tới những nhân vật “tai to mặt lớn” trong chính quyền, vốn được biết đến trong hoạt động rửa tiền như những “lá chắn chính trị” (tạm dịch từ Political Exposed Persons – PEP).

Dưới lốt một công ty hay cá nhân hợp pháp, Cukong điều hành các công việc kinh doanh như buôn bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng bằng đường bộ hay đường thuỷ. Sau đó họ sát nhập các khoản tiền thu được từ khai thác gỗ bất hợp pháp với các khoản thu từ hoạt động kinh doanh hợp pháp. Đây là một dạng của tội phạm rửa tiền. Trong số những người có liên quan đến hoạt động khai thác bất hợp pháp này, chỉ những người trực tiếp tiến hành chặt phá rừng là không có tài khoản ngân hàng. Họ là những người dân địa phương nghèo khổ sống dựa vào rừng, được thuê để chặt và thu gom gỗ bất hợp pháp. Tiền thu được từ hoạt động chặt phá rừng của họ không được gửi tiết kiệm lấy lãi ngân hàng mà thường được dùng để đáp ứng các nhu cầu hàng ngày. Nghịch lý là ở chỗ, cũng như những người lái xe tải vận chuyển gỗ, họ trở thành nạn nhân của bộ máy thi hành pháp luật chống lại các hành vi chặt phá rừng trái phép, trong khi những kẻ thuê họ, hưởng lợi nhuận kếch xù từ những thước gỗ phi pháp lại được bao che, dung túng.

Hạn chế của các bộ luật bảo vệ rừng và môi trường

Ở các nước đang phát triển, nơi những cánh rừng là nguồn tài nguyên lớn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, luật pháp và các quy định được tạo ra nhằm khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư vào ngành lâm nghiệp và nông - lâm nghiệp. Tuy nhiên, trong những nỗ lực nhằm gia tăng doanh số xuất khẩu các thành phẩm từ gỗ và từ cây công nghiệp, các mục tiêu bảo vệ rừng và môi trường đã bị xem nhẹ hơn các mục tiêu phát triển kinh tế. Các chính sách và mục tiêu này thường hạn chế quyền tiếp cận các tài nguyên rừng của những người dân nghèo sống phụ thuộc chủ yếu vào rừng, đồng thời thu hẹp việc kiểm soát bảo vệ rừng và môi trường.

Hệ thống bảo vệ rừng mà chính phủ một số nước lập ra vừa yếu vừa thiếu: yếu về tài chính và thiếu về nhân lực. Việc thiếu trang thiết bị và đội ngũ nhân lực hợp lý để thực thi các điều luật bảo vệ rừng và môi trường đã đem lại nhiều hậu quả cho các nước này.

Được sự hậu thuẫn từ các chính sách phát triển công nghiệp, các công ty khai thác rừng lớn dễ dàng có được các văn bản hợp thức hoá việc khai thác rừng trái phép hay tiến hành hoạt động mà không phải bận tâm đến việc vi phạm pháp luật. Họ có thể lấy được những loại giấy phép khác nhau do bộ trưởng bộ Lâm Nghiệp, chủ tịch tỉnh, và chủ tịch huyện cấp. Điều này đẩy những người dân nghèo sống phụ thuộc vào rừng nghiễm nhiên trở thành đối tượng của việc thi hành luật bảo vệ rừng. Họ sẽ gặp nhiều khó khăn để tìm ra những văn bản chứng minh tính hợp pháp của những khoanh gỗ mà những người thi hành luật tìm ra, kể cả khi họ chỉ gom một số lượng rất nhỏ. Lần theo dấu vết những khoanh gỗ trái phép trong các vụ khai thác rừng bất hợp pháp (thay vì theo những đồng tiền kiếm được từ đó) người ta sẽ chỉ tìm thấy thủ phạm là những người nghèo mà thôi.

Ở Indonesia, do thực thi cơ chế tự chủ và phi tập trung quyền lực, các chính sách về rừng và môi trường ngày càng bị vi phạm và phá hoại nhiều hơn. Các chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều điều luật của riêng mình với mục đích đẩy mạnh công nghiệp hoá nhằm mang lại nguồn thu lớn hơn cho ngân sách địa phương. Những luật lệ này thường mâu thuẫn với luật quốc gia về tài nguyên rừng và môi trường.

Hơn thế nữa, với những cơ hội mà các bộ luật địa phương, luật công nghiệp và các luật kinh tế khác mang lại, ngân hàng và các thể chế tài chính khác không thể nhắm mắt làm ngơ bỏ qua và tuân thủ các luật về môi trường và lâm nghiệp. Họ là những đại diện tiêu biểu của ngành kinh doanh tiền tệ. Ngoài các dạng hỗ trợ tài chính đã nói ở trên, các ngân hàng còn hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp sản xuất gỗ thành phẩm (bao gồm cả ngành bột giấy) để xây nhà máy cưa với công suất hoạt động lớn hơn nhiều lượng gỗ mà một cánh rừng có thể cung cấp một cách bền vững. Họ thậm chí còn rót tiền cho việc trồng cây công nghiệp, một việc làm góp phần làm biến mất hoàn toàn hàng nghìn ha đất rừng.

Với những lí do nêu trên, ta có thể thấy việc thi hành các điều luật về rừng và môi trường là rất khó khăn. Khai thác rừng trái phép là một loại tội phạm được bao che bởi cái gọi là những chính sách kinh tế hợp pháp. Đó là lí do tại sao chúng ta cần gây ảnh hưởng tới các chính sách kinh tế nhằm ngăn chặn hành động phá rừng trái phép. Luật chống rửa tiền là một trong những công cụ hữu ích có ảnh hưởng tích cực tới các chính sách kinh tế.

Các công cụ chống tội phạm rửa tiền (ALM)

Các công cụ chống rửa tiền đã được phát triển để đối phó với tội phạm ma túy và những loại tội phạm nguy hiểm khác. Indonesia là nước đầu tiên sử dụng công cụ trên để ngăn chặn hành động chặt phá rừng bất hợp pháp và các tội phạm môi trường. Công cụ này giúp các nhà điều tra lần ra đường đi của những đồng tiền đáng ngờ nhằm tìm ra chủ mưu thật sự của vụ án. Họ có thể phong tỏa tiền hoặc tài sản có được từ một hành động phạm pháp nằm trong bất cứ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nào trên thế giới trước khi kẻ bị tình nghi bị đưa ra tòa xét xử. Công cụ hữu ích này tách lợi nhuận từ hành động phạm pháp khỏi kẻ phạm tội khiến chúng không còn động cơ tiến hành các hoạt động đó nữa.

Để lần ra dấu vết của tội phạm rửa tiền, các nhân viên điều tra phải bắt đầu từ những tài sản đáng nghi mà các cá nhân hay tổ chức sở hữu hoặc điều hành. Sau đó, một cuộc điều tra sẽ được tiến hành bằng cách tìm ra mối liên hệ giữa các tài sản đó với các tài nguyên rừng và cuối cùng kết luận về tội trạng của chủ sở hữu tài sản.

Hiệu quả của công cụ AML phụ thuộc vào các ngân hàng và các bên báo cáo. Họ là những nhân tố chính trong chu trình luân chuyển tiền của các loại tội phạm. Luật pháp yêu cầu họ phải có một hệ thống giúp nắm bắt được thông tin khách hàng và phát hiện ra các giao dịch tài chính đáng ngờ. Các ngân hàng phải báo cáo tất cả các giao dịch đáng ngờ cho Cơ quan Thông tin Tài chính (FIU), một cơ quan chính phủ chuyên chịu trách nhiệm về các loại tội phạm liên quan đến rửa tiền.

Một giao dịch tài chính đáng ngờ xảy ra khi một khách hàng thực hiện hoặc hủy bỏ một giao dịch sử dụng tài sản bị nghi ngờ phát sinh từ hoạt động bất hợp pháp, hoặc nếu giao dịch đó diễn ra khác so với thông lệ. 2 nhân viên FIU sẽ phân tích thông tin do các ngân hàng cung cấp và trình một bản báo cáo kết quả phân tích về khả năng xảy ra rửa tiền đển các cơ quan thi hành luật pháp như cảnh sát hay tòa án. Dựa trên thông tin mà FIU cung cấp, cơ quan thi hành pháp luật ngay sau đó sẽ tiến hành một cuộc điều tra để thu thập chứng cứ về vụ rửa tiền. Khi tiến hành điều tra, các điều tra viên sẽ không tiết lộ tên ngân hàng đã báo cáo về giao dịch đáng ngờ.

Các ngân hàng cần phải tiến hành điều tra chi tiết về khách hàng (CDD) để tìm ra danh tính thực sự của các chủ tài khoản hoặc người hưởng lợi, mục đích thực sự và bản chất của các quan hệ kinh doanh và các mối quan hệ đang diễn ra với khách hàng. Ngân hàng không nên duy trì các tài khoản ảo hay những cái tên nặc danh. Họ phải trở thành một kho thông tin về khách hàng, bao gồm bản chất các quan hệ kinh của các khách hàng, lịch sử kinh doanh, và rủi ro kinh doanh liên quan tới khách hàng. Họ cần phải chắc chắn rằng những giao dịch của khách hàng nhất quán với thông tin trong cơ sở dữ liệu của họ.

Dựa trên các tiêu chuẩn ALM quốc tế - 40 đề xuất của Tổ chức Chống rửa tiền Quốc tế (FATF) – các công cụ ALM có thể được sử dụng để xử lý vấn đề khai thác gỗ trái phép. FATF đã khuyến khích nhiều nước ghép tội phạm rửa tiền với tất cả các hành vi phạm tội nghiêm trọng bao gồm phá hoại môi trường, tham nhũng và hối lộ, buôn lậu, giả mạo giấy tờ, và buôn bán bất hợp pháp. Indonesia đã áp dụng tội rửa tiền trong đấu tranh với tội phạm lâm nghiệp và môi trường, tham nhũng, hối lộ và buôn lậu.

Hoạt động khai thác gỗ trái phép ở Indonesia, hay bất kì quốc gia đang pháp triển nào luôn luôn đi kèm tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, giả mạo giấy tờ và buôn bán bất hợp pháp. Bất cứ quốc gia sản xuất gỗ nào phải đối mặt với tội phạm chặt phá rừng cũng nên quy định rõ tất cả các hành vi kể trên là phạm pháp. Các nước tiêu thụ gỗ như Mỹ, Liên minh châu Âu, Singapore và Nhật bản cũng quy định tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, làm giả giấy tờ và buôn bán các vật trái phép là những tội danh nghiêm trọng và quy định rõ việc sử dụng các công cụ của ALM trong luật.

ALM được dùng để ngăn chặn các hành vi chặt phá rừng trái phép một cách hiệu quả ở các nước sản xuất mà không cần thiết phải có sự hỗ trợ quốc tế chống lại tội phạm rửa tiền của những người hay các công ty buôn bán hoặc sản xuất gỗ khai thác bất hợp pháp. Các nước tiêu thụ có thể áp dụng các hành vi phạm tội như đã công bố ở trên để ngăn chặn việc khai thác và buôn bán gỗ trái phép từ các nước sản xuất. Hiệu quả của công cụ ALM còn phụ thuộc vào hành động của cộng đồng quốc tế và địa phương. Nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, các công cụ ALM khó có thể ngăn chặn việc khai thác gỗ trái phép một cách hiệu quả.

FIU ở nước tiêu dùng hay nước quá cảnh có thể cung cấp thông tin để giúp phát hiện ra tội phạm rửa tiền và khai thác gỗ trái phép đến FIU ở nước sản xuất. Các cơ quan thi hành luật pháp ở các nước tiêu thụ còn có thể hỗ trợ các nước sản xuất đưa các nghi ngờ hoặc các tài sản đang ẩn náu ở các nước tiêu thụ ra ánh sáng. Tuy nhiên, chìa khóa của việc sử dụng hiệu quả công cụ ALM nằm ở chính phủ của các nước sản xuất. Các cơ quan có trách nhiệm về lâm nghiệp và môi trường nên cộng tác với các FIU và những cơ quan thi hành luật pháp.

Kết luận và khuyến cáo

Các biện pháp chống rửa tiền mang lại 4 lợi ích trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới khai thác gỗ trái phép. Thứ nhất, nó nhắm tới những người phạm pháp, những người có nhiều tài khoản ngân hàng hay những tài sản đáng ngờ chứ không nhắm tới những người mà sinh kế phụ thuộc chủ yếu vào rừng, những người không bao giờ có tài khoản trong ngân hàng hay các tài sản đáng ngờ. Nhờ vậy, biện pháp này giúp thiết lập sự công bằng trong quản lý rừng. Thứ hai, nó yêu cầu các bộ phận khác, đặc biệt là các định chế tài chính ngân hàng, phải năng động tham gia hỗ trợ thường xuyên và có trách nhiệm trong việc quản lý rừng. Thứ ba, nó đưa ra một cơ thể thị trường nhằm hỗ trợ thường xuyên và có trách nhiệm với việc quản lý rừng. Các công ty gỗ không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ gỗ rõ ràng có khả năng phải trả lãi suất cao hơn để nhận được hỗ trợ tài chính từ ngân hàng và các tổ chức tài chính khác. Thứ tư, nó cung cấp công cụ cho cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ các chính quyền địa phương ngăn chặn hành động khai thác gỗ trái phép.

Các biện pháp chống rửa tiền còn hiệu quả trong việc hỗ trợ pháp lý và trao đổi thông tin với các cơ quan hành pháp và FIU ở các nước khác. Nó có khả năng liệt kê một nước vào danh mục các nước có độ rủi ro cao, qua đó đẩy chi phí giao dịch của các hoạt động thương mại với các nước này lên cao.

Mặc dù mang lại lợi ích to lớn như vậy, việc tiến hành các biện pháp ALM chưa đi vào chương trình hành động chính thức của các quốc gia hay quốc tế nhằm ngăn chặn hành động khai thác trái phép gỗ và các tài nguyên thiên nhiên khác. Cũng như các cơ quan hành pháp, các ngân hàng và tổ chức tài chính khác vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong việc chỉ ra sự khác nhau giữa một thương vụ kinh doanh gỗ hợp pháp thông thường và một thương vụ kinh doanh gỗ “hợp pháp” đã được nhắc tới trong các hành vi khai thác gỗ trái phép.

Các cơ quan cấp quốc gia, đặc biệt là cảnh sát và văn phòng công tố viên, nên công bố công dụng của các thước đo của ALM nhằm ngăn chặn hành vi khai thác gỗ trái phép. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là FATF và chi nhánh của tổ chức này tại các quốc gia như Asia Pacific Group (APG) về ALM, cũng nên ban hành một chính sách ủng hộ việc sử dụng các công cụ ALM để đấu tranh với nạn khai thác rừng trái phép. Họ cần phải tạo một làn sóng tác động đến cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn khai thác rừng trái phép trên toàn thế giới.

 
Nguyễn Phương Lâm (Theo Australian National University)

Nguồn: ThienNhien.Net, 22/7/2009

 

Lượt xem : 3071