Vietnamese English
Bảo vệ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học

6/8/2021 7:30:00 AM

Việt Nam được biết đến là một trong những nước có đa dạng sinh học (ÐDSH) cao trên thế giới. Các hệ sinh thái (HST) tự nhiên phong phú, đa dạng là nguồn vốn quan trọng cho phát triển bền vững nhiều ngành kinh tế của đất nước. Tuy nhiên nguy cơ suy thoái ÐDSH đang ngày một gia tăng do tình trạng chặt phá rừng, khai thác, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã, ô nhiễm môi trường…



Một góc Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình). Ảnh: Xuân Lâm

Bảo tồn gắn với sinh kế người dân

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, có tổng diện tích 2.736 ha, nằm trên địa bàn bảy xã thuộc huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình). Ðây được đánh giá là một trong những khu đất ngập nước (ÐNN) lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ, khu Ramsar của thế giới, có nguồn tài nguyên ÐDSH và HST chủ yếu là ÐNN, và rừng trên núi đá vôi, cảnh quan hấp dẫn với những dãy đá vôi cùng nhiều hang động độc đáo và huyền bí. Về ÐDSH, khu bảo tồn có hệ thực vật hiện ghi nhận được 722 loài, thuộc 277 họ của sáu ngành thực vật bậc cao, trong đó có một số loại thuộc sách đỏ Việt Nam như: bát giác liên, đơn gai, bồ an bắc bộ; lớp thú có 63 loài thuộc 27 họ; lớp chim có 148 loài; lớp bò sát có 45 loài; lớp cá có 43 loài... Nhờ được bao bọc bởi một hệ thống đá vôi và thảm thực vật đặc trưng cho HST núi đá vôi (Karst), là môi trường sống chính của loài voọc mông trắng, một trong những loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu, hiện chỉ còn ở Việt Nam. Ðáng mừng, nếu như khi mới thành lập, khu bảo tồn có khoảng 40 cá thể, thì đến nay ghi nhận được hơn 180 cá thể voọc mông trắng sinh sống. Ðây là số lượng cá thể voọc mông trắng được coi là nhiều nhất ở Việt Nam có thể quan sát ở ngoài tự nhiên hiện nay.

Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long, Mai Văn Quyền cho biết: Với định hướng bảo tồn ÐDSH bền vững dựa trên cơ sở cộng đồng, thời gian qua chính quyền địa phương và ban quản lý không tổ chức di dân ra ngoài khu bảo tồn, mà người dân ở đây được xác định là trung tâm trong việc thực hiện hai mục tiêu chính là: bảo vệ HST ÐNN; bảo vệ HST trên những dãy núi đá vôi đang có đàn voọc mông trắng sinh sống. Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long phối hợp chính quyền các xã Gia Hưng, Gia Hòa, Gia Vân, Gia Lập, Gia Tân, Gia Thanh, Liên Sơn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo tồn, kết hợp tạo sinh kế cho cộng đồng bằng các giải pháp như: Ưu tiên cho những hộ dân sinh sống ở vùng giáp ranh khu bảo tồn bị ảnh hưởng sinh kế được nhận khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình điểm về sử dụng khôn khéo ÐNN; xây dựng mô hình canh tác bền vững trên đất dốc và cải tạo vườn tạp, thông qua nguồn vốn nhà nước đầu tư chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững… Nhờ vậy, toàn bộ diện tích rừng, đất lâm nghiệp và ÐNN được quản lý, sử dụng đúng mục đích, nhất là không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng hoặc chuyển mục đích trái quy định. Mặt khác, việc bảo tồn, sử dụng ÐNN luôn tuân thủ nguyên tắc là nâng cao vai trò, sự tham gia của cộng đồng người dân trong việc bảo đảm tiếp cận HST luôn được duy trì toàn vẹn cấu trúc ÐDSH của vùng ÐNN; bảo đảm được cơ chế chia sẻ lợi ích, nghĩa vụ các bên liên quan trong việc sử dụng HST ÐNN làm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng…

Hạt trưởng Kiểm lâm Hoa Lư - Gia Viễn, Bùi Công Chính cho biết: Ðịa chất và thổ nhưỡng khu vực Vân Long phân thành hai loại chính, gồm: Ðất Feralit tập trung ở trên đỉnh và sườn núi đá vôi; phù sa lắng đọng phân bổ ở các thung lũng hầu như bị ngập nước quanh năm, trong đó có nhiều diện tích hoang hóa mọc đầy trảng cỏ tự nhiên và một phần ÐNN được người dân cải tạo để trồng lúa hằng năm. Nhằm gắn kết giữa bảo tồn ÐDSH và tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn, đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình; sự hỗ trợ từ T.Ư và các tổ chức quốc tế đã triển khai nhiều chương trình sinh kế cho người dân thông qua các dự án trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh núi đá, bảo vệ ÐDSH... Ðến nay, khu bảo tồn trồng mới được hơn 40 ha rừng, trong đó có nhiều diện tích cây bản địa để tăng nguồn thức ăn cho đàn voọc mông trắng và tạo môi trường thuận lợi cho các loại động vật, thực vật sinh trưởng và phát triển...

Cần một giải pháp tổng thể

Việt Nam, được biết đến là một trong những nước có ÐDSH cao trên thế giới, với hơn 50 nghìn loài động, thực vật đã được ghi nhận. Các HST tự nhiên phong phú, đa dạng là nguồn vốn tự nhiên quan trọng cho phát triển bền vững nhiều ngành kinh tế, nhất là đối với ngành nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, dược liệu... Ðến nay cả nước có 173 khu bảo tồn thiên nhiên, với tổng diện tích hơn 2,5 triệu ha, gồm: 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan. Ðây chính là các khu vực quan trọng giữ gìn các giá trị ÐDSH. Ngoài việc phát triển mạng lưới khu bảo tồn thiên nhiên, Việt Nam cũng chú trọng thiết lập hành lang ÐDSH để tăng hiệu quả bảo tồn như hoàn thành việc thiết lập mới ba hành lang ÐDSH. Mặt khác, thông qua các diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã tạo được sự ủng hộ, hợp tác trong công tác bảo tồn ÐDSH và các giá trị của ÐDSH được đánh giá cao. Minh chứng cho điều đó, nhiều khu vực lãnh thổ của Việt Nam được trao tặng các danh hiệu quốc tế như: chín khu dự trữ sinh quyển thế giới; hai khu di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận; chín khu Ramsar; 10 khu vườn di sản ASEAN…

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Bảo tồn thiên nhiên và ÐDSH (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường): Việt Nam hiện đang đối diện với nguy cơ suy thoái ÐDSH ngày một gia tăng. Nguyên nhân là do việc khai thác, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã đã đẩy nhiều loài đến bờ vực của tuyệt chủng trong tự nhiên và gây sức ép nghiêm trọng lên các quần thể khác. Các hoạt động như: chặt phá rừng vì mục đích thương mại; chuyển đổi đất rừng sang mục đích phát triển kinh tế - xã hội; du canh, mở rộng sản xuất và thâm canh nông nghiệp, chuyển đổi các sinh cảnh ven biển đã tác động không nhỏ đến HST và bảo tồn nơi cư trú của các loài hoang dã. Tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp đổ vào các sông, hồ chưa được kiểm soát chặt chẽ đã tác động xấu đến ÐDSH của các HST tự nhiên khu vực này… GS, TSKH Ðặng Huy Huỳnh (nguyên Viện trưởng Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chỉ rõ: Công tác quản lý bảo tồn ÐDSH ở Việt Nam còn nhiều bất cập, cơ chế chưa đủ mạnh để điều phối thống nhất về các nguồn đầu tư, công tác giám sát, quản lý bảo tồn ÐDSH; chưa có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo của cộng đồng, nhất là phát huy các tri thức bản địa truyền thống trong việc bảo tồn ÐDSH. Việc nhân rộng các mô hình bảo tồn loài hoang dã, bảo tồn và phục hồi các HST, phục vụ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo còn hạn chế, bất cập đối với những người dân sống chung quanh các khu bảo tồn...

Ðể phát huy những giá trị của ÐDSH một cách hiệu quả và bền vững, TS Hoàng Thị Thanh Nhàn cho rằng: Việt Nam cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo tồn ÐDSH bằng việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về ÐDSH. Lồng ghép bảo tồn ÐDSH trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch của các ngành kinh tế có tác động nhiều đến ÐDSH như: nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, năng lượng, sử dụng đất, nhất là các khu vực bảo tồn cần được ưu tiên trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Huy động sự tham gia của cộng đồng và khu vực tư nhân trong công tác bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững ÐDSH, di sản thiên nhiên; kiểm soát chặt chẽ các tác động lên ÐDSH, nhất là tác động từ các dự án phát triển thông qua việc thực hiện tốt đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Mở rộng hợp tác quốc tế, huy động hỗ trợ và chuyển giao công nghệ và nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn ÐDSH… Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về ÐDSH đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó xác định các nội dung trọng tâm, cụ thể…

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, cho biết: Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm 2021, có chủ đề "Phục hồi HST", Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương, người dân triển khai các giải pháp để phục hồi các HST bị suy thoái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và ÐDSH; bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen, nhất là áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các HST. Ðồng thời, thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên ở các địa phương...

Với nguồn tài nguyên ÐDSH phong phú, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Vân Long còn có nhiều khu di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng được xếp hạng như: Ðền thờ Vua Ðinh Tiên Hoàng, đền thờ Ðức Thánh Nguyễn, Thung Lau, Thung Lá... Năm 2019, Khu bảo tồn thiên nhiên ÐNN Vân Long được công nhận khu Ramsar thứ 2.360 của thế giới và thứ chín tại Việt Nam. Ðây là những tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lịch gắn với bảo tồn HST, qua đó không chỉ giúp người dân địa phương xóa đói, giảm nghèo, mà còn tiến tới làm giàu trên mảnh đất có nguồn tài nguyên ÐDSH phong phú và vô giá này.

Trung Tuyến và Lê Hông

Nguồn: Báo Nhân dân

Lượt xem : 1766