Vietnamese English
Bảo vệ môi trường – Bảo vệ tương lai

1/19/2015 11:25:00 AM

Để đạt được sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, Việt Nam luôn kiên định với định hướng tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Phối hợp hành động để bảo vệ môi trường

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là trong gần 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng bảo vệ môi trường. Nghị quyết 41 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được Bộ Chính trị ban hành đã khẳng định rõ: “Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”. Nghị quyết nhận định bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, qui hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương.


Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ở cấp Trung ương, các cơ quan quản lý nhà nước đã nỗ lực xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về môi trường. Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đa dạng sinh học được quốc hội thông qua và từng bước được đưa vào cuộc sống đã cho thấy cố gắng của Việt Nam trong công cuộc tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, để tạo nên sức mạnh tổng hợp của nhiều đơn vị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Nghị quyết liên tịch về phối hợp hành động bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Cựu chiến binh. Ở địa phương, hầu hết các Sở TN&MT đã ký kết Nghị quyết liên tịch với các tổ chức này ở cấp tỉnh.

Ngoài ra, Ủy van Trung ương Mặt trần Tổ quốc Việt Nam đã phát động trong toàn quốc từ trung ương đến cơ sở, trong cộng đồng dân cư và trong hệ thống Mặt trận phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Bước đầu đã xây dựng mô hình lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tại 10 tỉnh, đang tích cực triển khai đề án thực hiện Chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”.

Đa dạng hóa nguồn lực tài chính

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nguồn lực tài chính có vai trò vô cùng quan trọng. Trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư kinh phí từ ngân sách cho công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường. Kinh phí đầu tư cho điều tra cơ bản về tài nguyên đã được bảo đảm ở mức ngày càng tốt hơn. Huy động nguồn thu từ tài nguyên đầu tư trở lại cho công tác bảo vệ tài nguyên đã được thí điểm thực hiện bước đầu.

Đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, chi trả dịch vụ môi trường rừng,... là những hướng đi, cách làm mới đang được triển khai thực hiện. Nguồn chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường được cân đối đạt mức 1% tổng chi ngân sách. Để tăng cường đầu tư, từ năm 2015, Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ tăng ngân sách dành cho môi trường lên không dưới 2% GDP.

Chính sách đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho công tác bảo vệ và cải thiện môi trường, đặc biệt là đầu tư từ xã hội đã bước đầu đem lại hiệu quả. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường ra đời, nhiều dịch vụ công về bảo vệ môi trường được cá nhân, tổ chức đứng ra thực hiện, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận hướng tới sản xuất đi đôi với tiết kiệm tài nguyen. Trên phạm vi cả nước, đã có 324 xã, phường (xấp xỉ 10%) trong 3.616 xã, phường đã huy động được sự đóng góp của nhân dân cho các hoạt động vệ sinh môi trường.

Kiềm chế được tốc độ gia tăng ô nhiễm

Nhờ những cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, Việt Nam đã bước đầu kiềm chế được tốc độ gia tăng ô nhiễm thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, kiểm soát và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kết quả rõ nét nhất là trong 10 năm qua, với tốc độ GDP của nước ta tăng lên 2 lần thì mức độ ô nhiễm môi trường bình quân theo đánh giá của Ngân hàng thế giới sẽ phải tăng lên 4 lần, nhưng thực tế chỉ tăng khoảng 2,5 lần.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn không ít bất cập trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Môi trường vẫn bị xuống cấp, đa dạng sinh học bị suy giảm.... Do vậy, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư cho bảo vệ môi trường; xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về chính sách ưu đãi về đất đai, vốn, thuế, tín dụng cho các hoạt động bảo vệ môi trường cụ thể; hoàn thiện công tác quy hoạch ngành.

Ngành TN&MT xác định rõ lĩnh vực Nhà nước cần thực hiện, những lĩnh vực cần kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia; xây dựng và thực hiện mô hình hợp tác công tư Nhà nước và nhân dân cùng làm trong bảo vệ môi trường, đặc biệt trong việc khắc phục, cải tạo các điểm “nóng” về môi trường. Đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về bảo vệ tài nguyên, môi trường…Đặc biệt, cần tuyên truyền trong toàn xã hội nhận thức bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống. Vì thế, hành động hôm nay chính là an toàn cho tương lai!
 
Theo Tống Minh (Monre)

Lượt xem : 3535