Vietnamese English
Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp: Sạch, an toàn và phát triển bền vững

2/1/2018 7:10:00 AM

Quảng Ninh không phải vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp nên lượng chất thải trong lĩnh vực này chưa quá lớn và gây tác động nghiêm trọng như chất thải trong công nghiệp. Tuy nhiên với thực tế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân hóa học trong trồng trọt, nguồn thức ăn trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) ngày càng bất hợp lý, mất kiểm soát cùng những bất cập trong xả thải, xử lý thải trong chăn nuôi đã và đang ảnh hưởng đến môi trường các vùng nông thôn.

 Nhiều mối nguy hại đối với môi trường

Theo kết quả rà soát của Sở NN&PTNT, mỗi năm ngành nông nghiệp sử dụng trên 200 tấn phân bón vô cơ và thuốc BVTV các loại, trong đó chỉ 30% hấp thụ vào cây trồng, còn lại thẩm thấu vào đất, nước làm ô nhiễm môi trường. Chưa kể khoảng 10% - 15% phân, thuốc nguyên chất, vốn là những hợp chất độc hại, đứng đầu danh sách 12 loại độc nguy hiểm còn sót lại ở vỏ các bao bì vứt bừa bãi trên đồng ruộng, kênh mương sẽ tác động trực tiếp đến môi trường. Tình trạng này khiến đất đai bị chai cứng, giữ nước kém và giảm độ màu mỡ, quan trọng hơn đó là khiến con người có nguy cơ mắc các bệnh ung thư.

Một bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV chưa đạt chuẩn ở xã Hồng Phong, TX Đông Triều.

Hiện nay toàn tỉnh đang có trên 20.000ha NTTS các loại, mỗi năm nuôi từ 2 - 3 vụ, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2017 đạt trên 54.000 tấn. Theo ông Vương Văn Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, với diện tích nuôi và sản lượng như trên thì lượng thức ăn tồn dư trong môi trường không hề nhỏ. Một yếu tố khác đe dọa môi trường là tình trạng khai thác thủy sản theo hướng tận diệt; các vật dụng phao xốp dùng trong NTTS, vốn rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên và lượng dầu mỡ thải ra trên mặt nước từ các phương tiện khai thác thủy sản.Đối với hoạt động sản xuất thủy sản, nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng đến môi trường là lượng thức ăn dư thừa và chất thải của đối tượng nuôi tồn dư trong nước lớn do hệ số thức ăn (lượng thức ăn phải tiêu tốn để thu được 1kg tăng trọng) cao. Đơn cử như đối với con tôm, hệ số thức ăn trung bình là trên 2 lần; cá biển là trên 7 lần. Đáng nói phần lớn thức ăn phục vụ NTTS hiện đều là các loại cá tạp xay sống nên ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có đến gần 8.000 lồng bè NTTS các loại, trong đó hầu hết sử dụng vật liệu phao xốp; số lượng phương tiện khai thác thủy sản là trên 7.500, trong đó trên 5.000 chiếc là phương tiện chưa hiện đại, lượng dầu mỡ rò rỉ lớn.

Riêng việc xử lý thải trong chăn nuôi trâu, bò, hiện chỉ có Công ty TNHH Phú Lâm sử dụng hầm bioga; toàn bộ mô hình chăn nuôi gia cầm thả vườn, đồi quy mô nhỏ không xử lý thải. Ngoài ra hiện tình trạng ô nhiễm môi trường từ nguồn thải ở các lò giết mổ gia súc, gia cầm đã ở mức nghiêm trọng. Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, toàn tỉnh đang có trên 50 điểm giết mổ song chỉ có 4 điểm giết mổ tập trung có đầu tư hệ thống xử lý thải đạt chuẩn...Hiện tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh là 46.664 con trâu, 25.263 con bò, 423.793 con lợn và 3,45 triệu con gia cầm; tổng lượng xả thải của các đàn khoảng 1.927 tấn chất thải rắn/ngày đêm, chưa kể lượng nước tiểu. Điều đáng nói, đến 90% mô hình chăn nuôi của tỉnh đều ở dạng nông hộ (18.000 hộ), trong đó mới có khoảng trên 9.000 hộ có đầu tư hầm bioga để xử lý thải, số còn lại xử lý bằng cách ủ để bón ruộng hoặc xả thẳng ra môi trường, chảy tràn khi có mưa, đi vào đất, nước. Ngay việc xử lý thải ở số hộ có sử dụng hầm bioga cũng không đạt chuẩn, bởi diện tích hầm quá nhỏ so với quy mô nuôi nên không thể lưu giữ, xử lý lượng thải sau 30-40 ngày mới đưa ra môi trường như theo quy định.

Cần có giải pháp bảo vệ môi trường bền vững

Nhìn nhận được mối nguy hại đến môi trường từ nguồn tồn dư thuốc BVTV, phân hóa học, chất xả thải… thời gian qua, tỉnh, ngành nông nghiệp, các địa phương và bản thân hộ sản xuất đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường. Tại hầu hết các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh đều giảm thiểu mức tối đa việc sử dụng thuốc BVTV, không sử dụng các thuốc ngoài danh mục, đồng thời dần chuyển đổi sang phương thức canh tác, chăn nuôi hữu cơ, sinh học.

Đặc biệt Quảng Ninh là địa phương đầu tiên đề xuất Bộ NN&PTNT cấm sử dụng thuốc trừ cỏ (có chứa hoạt chất paraquat và glyphosat) trong vùng NTTS, sản xuất nông nghiệp tập trung và sản xuất sản phẩm OCOP, hiện Bộ NN&PTNT đã chính thức loại bỏ thuốc BVTV chứa hoạt chất paraquat và 2.4D ra khỏi danh mục thuốc BVTV trên toàn quốc.

Tuy nhiên theo giới chuyên môn, những hoạt động trên và kết quả mang lại còn quá nhỏ bé, chưa thấm vào đâu so với nguy cơ ô nhiễm môi trường đang hiện hữu của nông nghiệp Quảng Ninh. Thực tế trong 1.300 bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV đang sử dụng chỉ có chưa đến 70 bể đáp ứng được các tiêu chí đề ra (bể kín, có đáy, nắp đậy). Toàn bộ số hộ chăn nuôi sử dụng hầm bioga thực chất mới xử lý được chưa tới 4% tổng lượng chất thải của toàn ngành. Dự án áp dụng quy trình VietGAP cho cây na, vải Đông Triều và Uông Bí; dự án thu gom bao bì thuốc BVTV mặc dù đã được khởi động từ lâu song do thiếu kinh phí nên hiện tiến độ chậm. Việc ngăn chặn khai thác thủy sản theo hướng tận diệt mặc dù đã được triển khai quyết liệt song chưa thực sự bền vững…Từ nhiều nguồn vốn, trong khoảng 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã xây dựng 1.300 bể chứa bao bì thuốc BVTV; hỗ trợ xây dựng 4.600 công trình khí sinh học, triển khai dự án ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, thí điểm ứng dụng lồng Nauy và NTTS... Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã đưa ra danh mục thuốc BVTV khuyến cáo sử dụng, trong đó ưu tiên các loại thuốc có nguồn sinh học; tăng cường thanh kiểm tra về hoạt động buôn bán thuốc BVTV, trong đó trong 5 năm qua đã tiêu hủy 920kg thuốc BVTV không đạt tiêu chuẩn. Mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP ngày càng được khuyến khích với cơ chế hỗ trợ riêng; hiện toàn tỉnh có gần 30 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Bên cạnh đó tỉnh cũng đang triển khai dự án áp dụng quy trình VietGAP cho 200ha na và 200ha vải ở Đông Triều và Uông Bí, làm cơ sở để nhân rộng 100% diện tích cây na (gần 1.000ha) và cây vải (gần 1.500ha) thuộc 2 địa phương này; triển khai dự án thu gom bao bì thuốc BVTV trên toàn tỉnh...

Theo ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT, giải pháp bền vững nhất để bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp là chuyển đổi lề lối canh tác thì hiện vẫn chưa đạt được kết quả như ý muốn. Tiêu biểu như việc thay thế thức ăn cá tạp bằng thức ăn công nghiệp và vật liệu phao xốp bằng những vật liệu thân thiện khác trong NTTS; xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo đúng quy hoạch; đặc biệt là đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất hoặc sản xuất theo hướng công nghiệp để thu hẹp mô hình nông hộ… Thực tế giá trị kinh tế sản xuất theo quy mô tập trung, công nghiệp đạt cao hơn từ 10 - 70 lần sản xuất nhỏ lẻ tùy từng lĩnh vực. Trong khi đó hiện toàn tỉnh mới có khoảng trên 300 trang, gia trại, doanh nghiệp nông nghiệp có triển khai hoạt động sản xuất, chiếm phần rất nhỏ so với con số sản xuất nông hộ

Tuệ Lâm (theo baoquangninh)

Lượt xem : 2085