Vietnamese English
Bảo vệ môi trường gắn với Cộng đồng

9/4/2009 2:04:00 PM

Vấn đề môi trường hiện nay đang trở thành một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc tăng cường các biện pháp phòng chống ô nhiễm, bảo vệ và quản lý môi trường đã và đang được Nhà nước hết sức chú trọng. Bước đầu, đã thu được những kết quả hết sức khả quan. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay tình trạng ô nhiêm môi trường ở nước ta là rất đáng báo động, đòi hỏi phải có những biện pháp mới cho công tác bảo vệ và quản lý môi trường. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí Thế giới ảnh có cuộc trảo đổi với ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE).

Chủ tịch VACNE Nguyễn Ngọc Sinh
Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về công tác bảo vệ và quản lý môi trường đã, đang được thực hiện ở Việt Nam ?
Công tác bảo vệ và quản lý môi trường ở nước ta, những năm qua được tiến hành chậm hơn so với nhiều nước phát triển và đang phát triển. Song, không vì thế mà công tác bảo vệ và quản lý môi trường, bị lúng túng. Chúng ta đã triển khai công tác này một cách tương đối có hệ thống và bài bản. Vì thế, ngay khi chủ trương thực hiện chúng ta đã có những văn bản mang tính chiến lược như các văn bản luật, các kế hoạch quốc gia và sau đó được tổ chức triển khai từ trung ương đến địa phương. Do đó, các kết quả ban đầu thu được rất khả quan và đáng chân trọng. Tuy nhiên, cũng như một số việc khác, chủ trương thì rất rõ, tổ chức thực hiện cũng tương đối, luật pháp bắt đầu nảy sinh nhiều bất cập và vướng mắc chậm được tháo gỡ. Cho nên, công tác quản lý môi trường và bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nếu chúng ta không nỗ lực, không rút kinh nghiệm nhanh chóng, thì các vấn đề môi trường sẽ làm cho những thành công về mặt kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng. Do đó, việc hội nhập của chúng ta ít nhiều bị cản trở.
Thực trạng trên, theo ông nguyên nhân do đâu ?
Có thể nói, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Trong đó, nhân lực để làm công tác này quá thiếu, mấy vạn dân mới có một người làm công tác quản lý môi trường. Ở một số tỉnh, Cục Quản lý môi trường chỉ có 5-6 người, ở Hà Nội và một số đô thị lớn khác số lượng có cao hơn khoảng 20-30 người. Do đó, nếu chia công việc ra theo đầu người thì có làm đến vài năm cũng chưa chắc xong công việc của một năm. Đó là chưa kể kinh phí chi ra để thực hiện công tác môi trường hiện nay, đang quá thấp. Mặt khác, chúng ta đã nói là làm được, có tổ chức và có luật. Vậy, tại sao chúng ta không hạn chế được tình trạng ô nhiễn môi trường đang ngày càng trầm trọng. Từ thực tế ta thấy rằng, sự vào cuộc của chúng ta các vấn đề về môi trường là chậm, hệ thống pháp lý có nhưng chưa đủ…
Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để khắc phục tình trạng trên ?
Về nhân lực làm công tác môi trường, cần được thường xuyên đào tạo nâng cao nghiệp vụ về quản lý và bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác truyên truyền, để mọi người cùng thấy được trách nhiệm mà tự nguyện tham gia. Củng cố tổ chức, hoàn thiện luật pháp, tăng cường đầu tư từ nhiều nguồn và sử dụng các công nghệ thích hợp trong sản xuất. Nâng kinh phí và các khoản phúc lợi khác, cho những cán bộ làm công tác môi trường. Có như vậy, mới thúc đấy được công tác bảo vệ và quản lý môi trường không bị gián đoạn; giữ vững được một trong ba trụ cột của phát triển bền vững, là môi trường.


“Suối cá thần” Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa
 
Đó là những biện pháp truyền thống, theo ông còn có những biện pháp phi truyền thống nào có thể vận dụng vào việc quản lý và bảo vệ môi trường ?
Ngoài các biện pháp truyền thống, theo tôi còn nhiều những biện pháp khác phi truyền thống rất là hay và đáng được vận dụng, phát huy. Chúng ta thấy rằng, ở một số nước châu Á cũng như ở nước ta có những túc lệ kiêng kị văn hóa. Vận dụng những điều cấm kỵ đó vào công tác bảo vệ môi trường, thích hợp với từng vùng rất là có ích. Ở một số địa phương như Cẩm Thủy (Thanh Hóa) có “suối cá thần”, Yên Bái có “khu rừng ma”…, làm cho chúng ta thấy có điều gì đó rất bí ẩn. Thực hư thế nào không ai biết, những cái mà ai cũng thấy đó là khu rừng, con suối và những động vật sống ở đó được cộng đồng tại đó bảo vệ một cách tự nhiên. Còn nhiều những vận dụng khác nữa, tuy nhiên không được để vấn đề này phát triển theo hướng mê tín dị đoan, không được thần thánh hóa và không nên áp đặt. Ngoài ra, theo tài liệu của các nhà nghiên cứu văn hóa, trên cả nước từ lâu đã có rất nhiều các làng có những Hương ước hết sức độc đáo, một số nơi họ vẫn sử dụng những Hương ước này. Ví dụ: Một làng ở Nghệ An có Hương ước quy định không được vứt rác và phóng uế bừa bãi ra làng, ai bị phát hiện làm việc đó lần thứ nhất phạt 10 roi, lần thứ 2 đuổi khỏi làng… Cũng ở Nghệ An, ở một bản nọ có quy định ra một khu rừng chỉ để lấy gỗ làm nhà và chỉ được dùng sức người không được dùng sức trâu, bò… Hơn nữa, đây cũng có thể là một trong những nguồn để các nhà làm luật về môi trường khai thác và vận dụng.
Xin cảm ơn ông.
Minh Tuấn- Đinh Hợi
(Thực hiện)
 

Lượt xem : 2286