Vietnamese English
Bảo vệ môi trường biển vì mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển

7/12/2022 4:09:00 PM

Thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương”. Biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như vấn đề an ninh quốc gia.

 

Theo Pháp luật hiện hành quy định tại Điều 11 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các nguồn thải vào môi trường nước biển phải được điều tra, đánh giá và có biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, kiểm soát chặt chẽ, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải được đánh giá, xác định và công bố theo quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Bên cạnh đó, hoạt động khai thác nguồn lợi từ biển và hải đảo, hoạt động kinh tế - xã hội khác phải phù hợp với quy hoạch và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Bảo vệ môi trường nước biển phải bảo đảm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; phối hợp giữa cơ quan nhà nước Việt Nam và cơ quan, tổ chức nước ngoài trong việc chia sẻ thông tin, đánh giá chất lượng môi trường nước biển và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới.

Việc bảo vệ môi trường nước biển phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bảo vệ môi trường biển vì mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển - Ảnh 1
Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước. (Ảnh minh họa)

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020 của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có tổng dân số khoảng 51 triệu người, mật độ dân số là 354 người/km2, cao hơn trung bình cả nước 1,9 lần, tốc độ gia tăng dân số khoảng 0,91%/năm.

Đi kèm với sự phát triển đô thị ven biển là sự gia tăng dân số, chủ yếu là sự gia tăng cơ học, các đô thị biển cũng thu hút khách du lịch dẫn đến gia tăng các nguồn thải, gây áp lực lên hạ tầng đô thị, đặc biệt là hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống xử lý chất thải...

Hiện nay, qua khảo sát các tàu du lịch biển trên vịnh Bắc Bộ cho thấy, có tới 77% số tàu thải chất thải trực tiếp ra vịnh, chỉ có 20% số tàu mang chất thải vào bờ để xử lý.

Sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa ở các khu vực ven biển và những tác động của con người đối với môi trường được thể hiện rõ qua thống kê lượng nước thải sinh hoạt tại các đô thị ven biển.

Ước tính, tại các khu vực ven biển, lượng nước thải phát sinh sẽ vào khoảng 122-163 triệu m3/ngày, đây là một sức ép lớn đến môi trường biển.

Sự gia tăng các nguồn thải từ lục địa, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội đang đè nặng lên môi trường biển và hải đảo, cùng với sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, các sự cố môi trường biển để lại hậu quả nặng nề.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương”. Biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như vấn đề an ninh quốc gia. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước, hiện đóng góp khoảng 3 nghìn tỷ USD mỗi năm, tức 5% GDP của thế giới bao gồm các ngành chính là dầu khí, vận tải biển, cảng, năng lượng tái tạo, thủy sản, hệ sinh thái biển và du lịch biển. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta biết “ra biển là thịnh vượng, ngược biển là suy tàn”.

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được ra đời trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Ban chấp hành Trung ương đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020". Theo đó, Nghị quyết đã tiếp tục kế thừa mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”, “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển. Tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước”.

Cùng với đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển như là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Theo các chuyên gia, Nghị quyết số 36-NQ/TW là một nghị quyết toàn diện, có vai trò to lớn đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững kinh tế biển; góp phần to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới. 

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định một số nhiệm vụ chiến lược tập trung thực hiện trong giai đoạn tới. Cụ thể, kiến tạo môi trường chính sách, pháp lý cho nền kinh tế biển bền vững, kinh tế xanh lam để khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, thúc đẩy thu hút và huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển các ngành kinh tế biển mới.

Cùng với đó, triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển; đầu tư phát triển hạ tầng kết nối các vùng kinh tế động lực ven biển; khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực; thực hiện các dự án thí điểm để tiếp cận tất cả các nguồn năng lượng tái tạo biển, nhằm phát huy tối đa tiềm năng về năng lượng tái tạo biển của Việt Nam.

Tăng cường hợp tác về quản lý, giám sát và giải quyết ô nhiễm môi trường các vùng biển; tích cực tham gia các sáng kiến, hành động toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc để tận dụng các cơ hội từ xu thế thời đại về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về “Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không có các hành động kiên quyết và mạnh mẽ kịp thời để bảo vệ đại dương tốt hơn, nhiều vùng đảo và vùng ven biển cùng các hệ sinh thái tự nhiên trên hành tinh sẽ biến mất vào năm 2100 do mực nước biển dâng. Đây là thách thức vô cùng lớn đối với nhiều quốc gia, dân tộc”.

Phát triển kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là mệnh lệnh của tất cả chúng ta, thể hiện mối quan tâm chung của nhân loại và chỉ có thể đạt được trên cơ sở hợp tác, đoàn kết toàn cầu, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Lan Anh

(KInh tế môi trường)

Lượt xem : 1684