Chiều 4/11, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức diễn đàn “Đối thoại chính sách về quản lý môi trường bền vững ven biển vùng ĐBSCL”. Chương trình bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và hệ sinh thái rừng ngập mặn nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu tại các tỉnh ĐBSCL do hai Chính phủ CHLB Đức và Australia tài trợ, thông qua cơ quan phát triển quốc tế (GIZ) của CHLB Đức.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, vùng ĐBSCL có khoảng gần 350.000 ha rừng các loại, trong đó rừng tự nhiên là khoảng 54.000 ha. Những năm qua rừng ngập mặn ven biển vùng ĐBSCL đang suy giảm do nhiều nguyên nhân. Quá trình xâm nhập mặn gia tăng cũng đang tác động đến các hệ sinh thái nông nghiệp truyền thống…Bảo vệ và phát triển hệ sinh hái rừng ngập mặn ven biển đang là một yêu cầu cấp bách để đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.
Tại cuộc đối thoại này các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm quản lý từ các chính sách quy hoạch hiệu quả từ các nước bạn Hà Lan, CHLB Đức và Chính phủ Úc để nghiên cứu, lồng ghép, ứng dụng vào các quy trình phát triển kinh tế – xã hội ở ĐBSCL theo hướng bền vững. Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tổng hợp vùng ven biển, tài nguyên nước và hệ sinh thái rừng ngập mặn thích nghi với biến đổi khí hậu, phải có một cơ chế phối hợp rõ ràng từ trung ương đến địa phương, có cơ quan làm đầu mối để quản lý thực hiện có hiệu quả.
Ông Dương Quốc Xuân – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết: “Qua cuộc đối thoại hôm nay, chúng tôi đã thu được nhiều ý kiến kinh nghiệm quý báu từ các đại biểu và các đại biểu cũng đưa ra các đề xuất, những kiến nghị, trong chính sách về quản lý môi trường bền vững ven biển vùng ĐBSCL, để ứng dụng việc quy hoạch phát triền khinh tế xã hội vùng ĐBSCL”.