Bảo vệ cây xanh, đa dạng sinh học chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta
5/8/2015 10:56:00 AM
Đó là khẳng định của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng bảo vệ Cây di sản Việt Nam trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường bên lề Hội nghị Tổng kết 5 năm sự kiện bảo tồn Cây di sản Việt Nam.
PV: Thưa giáo sư, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng vinh danh Cây di sản Việt Nam, Giáo sư có thể cho biết 5 năm qua, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã đóng góp gì cho việc lựa chọn và thẩm định cây di sản?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Trước hết, tôi có thể khẳng định việc không phải ngẫu nhiên mà Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (HBVTN&MT) khởi xướng việc bảo tồn cây thành Cây di sản. Như chúng ta đều biết, môi trường sống của chúng ta hiện nay đang từng ngày bị suy giảm, đặc biệt là sự mất cân bằng trong đa dạng sinh học. Cộng đồng trên toàn thế giới đang nỗ lực kêu gọi mỗi cá nhân hãy bảo vệ cây, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học cũng là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Hoa Lư – Thăng Long – Hà Nội, Hội BVTN&MT Việt Nam đã chính thức phát động sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam. Kể từ đó đến nay, hàng nghìn hồ sơ cây từ hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đã được gửi về đăng ký xin được xét duyệt là cây Di sản Việt Nam. Trong suốt 5 năm, qua quá trình khảo sát và xét duyệt, Hội đồng cây Di sản Việt Nam đã công nhận được trên 970 cây thuộc 70 loài thực vật trên cả nước là Cây Di sản Việt Nam. Theo tôi, đóng góp lớn nhất cho môi trường sống lại là việc khơi dậy được tình yêu thiên nhiên, yêu cây xanh đến với tất cả mọi người, mọi tầng lớp và cộng đồng. Bảo vệ cây xanh không những có ý nghĩa với môi trường mà còn có tác dụng trong việc bảo tồn các nguồn gen quý, bảo tồn các giá trị văn hóa, tâm linh. Việc vinh danh Cây di sản còn mang ý nghĩa rất lớn trong giáo dục ý thức các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ biết trân trọng công lao các bậc tiền bối đã dày công vun trồng.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)
Ngoài ra, sự kiện vinh danh Cây di sản ở Việt Nam không chỉ được các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam quan tâm mà còn cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan báo chí quốc tế tạo sức lan tỏa tình yêu với cây xanh, với môi trường tới cộng đồng.
PV: Thưa giáo sư, trong 5 năm triển khai, điều gì khiến những người thực hiện vinh danh Cây di sản còn phải trăn trở?
GS.TS Đặng Huy Huỳnh: Như chúng ta đều biết, trong quá trình thực hiện vinh danh Cây di sản Việt Nam, ngoài những mặt đã làm được cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Đó là sau khi vinh danh Cây di sản, cần tổ chức các hội nghị, hội thảo hướng dẫn, phổ biến kiến thức cho cộng đồng cách chăm sóc và bảo vệ cây. Việc này, Hội BVTN&MT Việt Nam đã chú ý tới nhưng chưa thực hiện thường xuyên do gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới việc hiện nay sức khỏe một số cây cũng bị ảnh hưởng. Đây là điều mà Hội sẽ từng bước khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Tuy đã có hơn 970 cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam nhưng so với sự đa dạng của hệ thực vật Việt Nam, so với nhu cầu thực tiễn đời sống xã hội, việc vinh danh còn chưa tương xứng với mong mỏi của cộng đồng cũng như với sự đa dạng sinh học vốn có của chúng ta.
PV: Trong thời gian tới, Hội BVMT&TN Việt Nam sẽ đưa ra những giải pháp gì để việc bảo tồn Cây di sản Việt Nam tiếp tục phát huy được hiệu quả, thưa giáo sư?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Trong thời gian tới, để duy trì sự kiện vinh danh cây di sản, Hội BVTN&MT Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan thông tấn, báo chí để làm tốt công tác truyền thông, nâng cao phát huy tiềm năng tri thức của cộng đồng, đặc biệt trong việc chăm sóc, bảo vệ cây di sản. Bởi như chúng ta đều biết, lựa chọn để vinh danh Cây di sản Việt Nam đã khó, bảo vệ sức khỏe của các cây càng không hề đơn giản. Nhưng tôi nghĩ, với tư duy của người Việt Nam, khoa học kỹ thuật của Việt Nam hoàn toàn có thể gìn giữ những giá trị đa dạng sinh học quý giá này.
Vì vậy, trước hết chúng ta cần quan tâm hơn nữa việc áp dụng khoa học công nghệ trong việc chăm sóc các cây di sản. Chúng ta phải nắm rõ điều kiện sinh lý, sinh thái của từng loại cây cũng như điều kiện thổ nhưỡng nơi cây đang sống, từ đó đưa ra những phác đồ chăm sóc hiệu quả.
Cả nước đã có 970 cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam. (Ảnh: MH)
Thứ hai, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, các Chi cục Kiểm lâm các tỉnh xây dựng ban hành các cơ chế chính sách, từ đó tạo ra những hành lang pháp lý làm cơ sở cho việc bảo tồn Cây di sản Việt Nam.
Thứ ba, hiện nay, Hội BVTN&MT Việt Nam đang tích cực trao đổi, hợp tác học tập kinh nghiệm việc chăm sóc cây xanh với các tổ chức quốc tế cũng như các nước có nền khoa học tiên tiến để tìm ra những giải pháp hữu hiệu cho việc bảo vệ cây di sản.
Thứ tư, tôi cho rằng đây là giải pháp quan trọng nhất, đó là việc tiếp tục kêu gọi sự chung tay của cộng đồng. Hội BVTN&MT Việt Nam mong muốn sẽ nhận được sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương trong cả nước nỗ lực, phấn đấu để sự kiện Bảo tồn Cây di sản Việt Nam thực sự trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế phát triển xanh, góp phần vào sự phát triển bền vững của cả nước.
PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư!
Theo Nguyễn Cường (Báo Tài nguyên & Môi trường)
Lượt xem : 2384