Vietnamese English
Bảo vệ cây cổ thụ: Một kẻ u mê - nghìn người giác ngộ

11/19/2010 7:44:00 PM

Từ xưa tới nay, người dân vẫn coi những cây đa, cây đề cổ thụ là những cây thiêng. Chỉ những người thành danh, có tên tuổi trong xã hội mới được tôn vinh là những "Cây đa, cây đề".



 
 
 Bởi thế, như một lẽ tự nhiên, khi có kẻ định tước đi quyền sống của một “Cụ cây” đã trường tồn ở một phố nhỏ Hà Nội, gây xúc động cho cả cộng đồng và trở thành một sự kiện “nóng” trong dư luận xã hội trên cả nước.
Có thể nói, cây bồ đề tượng trưng cho đạo Phật và là một trong “tứ thánh tích” của nhà Phật. Đây chính là nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giác ngộ sau 49 ngày ngồi thiền dưới gốc cây để rồi chứng tam minh lục thông. Từ đó, người ta gọi loài cây này là cây Bồ đề, vì Bồ-đề có nghĩa là Giác ngộ, Đại đức Thích Tâm Kiên (trụ trì chùa Diên Hựu) giảng về cây bồ đề như vậy. Và ông cho rằng: sở dĩ thuật ngữ “Phát tâm bồ đề” thường được các nhà sư dùng để giảng dạy và căn dặn các Phật tử bởi vì lá bồ đề giống như hình trái tim. Phát tâm bồ đề là hướng con người tới cái thiện, làm việc có ích và dành tình cảm cho nhau từ chính trái tim mình.

Được biết từ xa xưa, chính Hoàng đế Asoka của Ấn độ (năm 274-237 trước CN) cũng “u mê, cắt cây Bồ đề” lấy gỗ cho những kẻ ngoại Đạo làm lễ tế lửa cúng dường Phạm Thiên. Nhưng ngay sau khi làn khói tan đi, thì lập tức có một cây Bồ đề nhỏ mọc ra từ đống tro tàn với những cành lá lung linh trước gió. Kinh ngạc trước sự tái sinh kỳ lạ này, Ngài đã cúng dường sữa trên phần còn lại của cây và chỉ qua một đêm cây Bồ đề mới đã cao bằng cây Bồ đề cũ. Sau đó không lâu, Asoka đã xám hối, thường xuyên viếng thăm cây. Sự lưu luyến này của Hoàng đế đã làm cho Hoàng hậu ghen tị, ngầm sai thuộc hạ đi chặt cây một lần nữa. Lần này Asoka lại lấy sữa tắm gốc cây và cây Bồ đề đã khôi phục lại như cũ. Sau này, khách hành  hương tới đất Phật thường tìm đến lượm hạt Bồ đề này, đem về trồng nơi tu viện (hoặc quanh nhà) để cầu mong có được sự yên bình và hạnh phúc.

Hành vi triệt hạ cây bồ đề mới đây ở phố 19/12 (Hà Nội) cũng tương tự và lúc này cũng đã có “thuốc hồi sinh”, nhưng hoàn cảnh lúc này lại khác. Vì nó diễn ra đúng vào thời điểm Hội Bảo vệ thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) vừa khởi xướng sự kiện Vinh danh Cây Di sản, đang được nhiều địa phương trong cả nước hưởng ứng và trớ trêu hơn, sự kiện lại diễn ra giữa Thủ đô Hà Nội đã có bề dày cả nghìn năm văn hiến.


Lúc đầu có lẽ những người chủ tâm chặt hạ cây này, cũng tưởng rằng: sự việc sẽ nhanh chóng bị lãng quên (nhất là khi sự việc bị phát hiện và cây đã được trồng lại) nhưng không ngờ, sự bất bình của công luận hầu như không hề thuyên giảm, mà mỗi ngày một “nóng” hơn. Sự Sống - Chết của cây Bồ Đề (nhân chứng cuối cùng về sự quật cường và sức sông mãnh liệt của người Hà Nội trong đêm Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp) vẫn đang là nỗi ám ảnh của rất nhiều người.

Đứng dưới “cụ cây cụt đầu” mới được trồng lại trên hè phố, ông Nguyễn Xuân Thu ở số 5 phố Nguyễn cảnh Chân (Ba Đình –Hà Nội) tỏ thái độ rất bất bình. Không dấu mình là con một nhà Cách mạng tiền bối, ông Thu bật mí cho biết: thi thể của hầu hết những “Liệt sĩ vô danh” đang nằm ở nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội đều được thu lượm từ đây, dưới gốc cây Bồ đề này; đồng thời trách cứ những người trực tiếp được “hưởng lộc” ở đây đã “sớm quên” các bậc tiền nhân. Cụ Trần Đình Vị ở 28 phố Hàng Trống (Hoàn Kiếm) cũng thở dài và buông một câu gọn lỏn: “thật quá nhẫn tâm”. Sau đó cụ khoe: “tôi đã từng chất vấn cán bộ địa phương về việc làm ngơ, để kẻ xấu thủ tiêu cây đa ở phố Hàng Bạc và buộc  họ phải trồng lại cây đa khác”. Từ khi nghe tin cây Bồ đề này được trồng lại, ngày nào cụ cũng đi bộ qua đây, để ngóng xem cây đã mọc chồi chưa?.
 
Còn vợ chồng ông Nguyễn Gia Hiền và cô em gái Nguyễn Thị Minh (làng Triều Khúc, quận Thanh Xuân) lại bày tỏ sự băn khoăn của mình dưới góc độ của những người có nghề trồng và chăm sóc cây cảnh. Nhiều lần họ đến đây không chỉ để thắp hương khấn vái, cầu mong cho “Cụ cây” tai qua, nạn khỏi, mà còn mong muốn gặp được những người có cùng tâm nguyện cứu cây. Họ đã tập hợp và rủ nhau đi “gõ cửa” rất nhiều nơi (kể cả các vị lãnh đạo cao nhất của thành phố Hà Nội) với yêu cầu được “công đức” cứu cây Bồ đề. Để chứng minh khả năng của mình, vợ chồng ông Hiền và  chị Minh còn mời một số nhà báo và các nhà hoạt động Bảo vệ thiên nhiên môi trường về tận nơi quan sát cây Bồ đề, mà đích thân họ và người dân làng Triều Khúc vừa cứu sống. Băn khoăn về khả năng hồi sinh của cây, chị Minh cho rằng: sự che phủ sơ sài và trồng cây lên bùn thế này thì… “Cụ Bồ đề” rất ít có khả năng sống sót. Dù được thông báo rất cụ thể là: các vị lãnh đạo thành phố và cả ông Giáo sư, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT, Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Hà Nội đều đã vào cuộc và trực tiếp chỉ đạo việc này. Chính ông Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh của thành phố cũng cho biết: “việc trồng lại cây Bồ đề này được tiến hành rất thận trọng và theo đúng những quy trình kỹ thuật”, nhưng nhiều  người vẫn tỏ thái độ hoài nghi và không yên tâm. Một số phóng viên cho biết: ngay khi cây cổ thụ này được chuyển về trồng lại, đã có rất nhiều người tới chứng kiến và họ đều tỏ thái độ không tin cây có khả năng hồi phục, nếu như không được đưa về vườn ươm để chăm sóc đặc biệt. Một số người còn phát biểu thẳng thừng: “đưa cây Bồ đề về đây để chờ chết”.

 
Ông Nguyễn Anh Kết, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Hà - người đã thành công chăm sóc, phục hồi cây đa Tân Trào cũng lên tiếng: Biết tin cây Bồ đề này bất ngờ mất tích rồi được trồng lại với thân và gốc rễ bị chặt nham nhở, tôi đã tới tận nơi xem xét. Mặc dù phần rễ chính bị phạt đứt toàn bộ, thân cây bị trầy xước nham nhở và bị phơi nắng nhiều ngày, song cạo lớp vỏ vẫn thấy thân cây chưa bị khô kiệt, nên hy vọng vẫn có thể cứu được. Nếu các cơ quan chức năng thành phố cho phép, ông sẽ sử dụng chế phẩm sinh học của mình để cứu chữa miễn phí cho cây.


Được trồng lại giữa những ngày hanh khô, nên cây này đã được nhân viên công ty quản lý hè đường tắm mát nhiều hơn. Và mới đây phía dưới tấm lưới che phủ sơ sài ban đầu, đã được ai đó quấn thêm lớp rơm rạ chống nắng vào sát thân cây. Quả thực rất đáng mừng, những tấm lòng như thế này đang bộc lộ và ngày càng nhiều. Những ngày này, thời tiết Hà Nội đã bắt đầu khô hanh, những dòng xe, dòng người vẫn cuồn cuộn trôi đi như không ngừng nghỉ,làm tăng nóng bụi cho những con đường. Nhưng riêng con đường nhỏ 19/12 nối thông hai đường phố lớn - nơi có “Cụ đề bị thương” đang đứng đó, thì hình như có nước tưới nhiều hơn và thường xuyên hơn. Mật độ người và xe trên đường cũng như đông hơn, trong đó có rất nhiều người  cho xe dừng lại và bước xuống thắp hương, hoặc đi rất chậm để nhìn ngắm cây Bồ đề mới được trồng lại. Nhìn nét mặt, hầu như ai cũng đăm chiêu và cầu mong cho cây đề được sống. Bởi chính bức tượng đài Xanh (hay còn gọi là cây Bồ đề thiêng) mà tạo hóa dựng lên bên ngôi mộ tập thể này đã gắn bó với Hà Nội trong suốt gần một thé kỷ qua. Nó đã góp phần làm dịu bớt đi những nỗi đau cuả những gia đình đã có người thân ngã xuống cho Hà Nội có được ngày hôm nay. Hơn nữa, đây không chỉ là dấu ấn khó quên của Hà Nội về cái đêm bi hùng (19 tháng 12 năm 1946) mà còn là điểm tựa về tinh thần cho tất cả đồng bào chiến sỹ cả nước và cho muôn đời con cháu của chúng ta./.


Danh Trường (VACNE)


Lượt xem : 2952