Vietnamese English
Bảo tồn và phát huy giá trị các công viên địa chất

8/11/2023 7:19:00 AM

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản địa chất, trong đó các công viên địa chất tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, qua đó phát huy giá trị di sản địa chất trong phát triển du lịch tại các địa phương.


Công viên địa chất là một mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững, khuyến khích những hoạt động thân thiện với môi trường, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của các loại hình di sản. Các di sản được nhận dạng, được bảo tồn và sử dụng hợp lý trong Công viên địa chất, góp phần làm tăng giá trị của Công viên địa chất hay một khu vực, một địa điểm cụ thể của nó, khiến cho chính quyền các cấp, cộng đồng địa phương và các nhà đầu tư cẩn trọng hơn đối với các hoạt động kinh tế có thể tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đến các giá trị di sản (như khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện, san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng...). Hiện nay cả nước có 3 Công viên địa chất được UNESCO công nhận, đó là Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn và Công viên địa chất Đắk Nông.

Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO  công nhận ngày 3/10/2010. Công viên nằm ở vùng núi cực Bắc của Việt Nam, có diện tích 2.356,8km² và độ cao trung bình khoảng 1.400-1.600m và có tới 118 di sản địa chất. Cao nguyên đá có nhiều khu vực núi đá vôi nằm sát chí tuyến Bắc, có độ dốc khá lớn, các thung lũng, sông, suối bị chia cắt rất nhiều, là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.


Cao nguyên đá Ðồng Văn chứa đựng nhiều di sản địa chất, văn hóa phong phú, tạo lợi thế để Hà Giang khai thác trong phát triển kinh tế-xã hội. 

Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận ngày 12/4/2018, Công viên có diện tích hơn 3.275km2 nằm tại vùng đất địa đầu của Việt Nam thuộc tỉnh Cao Bằng, có tới 90 di sản địa chất. Đây là nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc của Việt Nam như Tày, Nùng, H'Mông, Kinh, Dao, Sán Chay.  Ngoài ra, đây cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt là rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích Pác Bó và Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950. 

Trong những năm qua hai tỉnh Hà Giang và Cao Bằng đã tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, từ đó thúc đẩy các hoạt động kinh tế-xã hội, phát triển du lịch bền vững. T ỉnh Hà Giang đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ba quy hoạch gồm: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Ðồng Văn (giai đoạn 2012 đến 2020, tầm nhìn đến 2030); quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Ðồng Văn và quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Ðồng Văn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành quy định quản lý di sản, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn, phân vùng khu vực quản lý, các giá trị cần bảo tồn, kế hoạch bảo tồn và phát triển hằng năm. Phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Tỉnh Cao Bằng tập trung phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, nhà hàng khách sạn và các dịch vụ đi kèm; đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về du lịch, bảo vệ các giá trị cảnh quan, môi trường. Ðể làm tốt hơn việc bảo tồn và phát huy giá trị các công viên địa chất toàn cầu, từ đó phát triển du lịch, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng đã thông qua nghị quyết về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng địa phương, trong đó quy định tám chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích người dân bảo tồn các giá trị truyền thống, bảo đảm vệ sinh môi trường, phát triển du lịch.


Tỉnh Cao Bằng đưa vào khai thác 4 tuyến du lịch ở Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng với những trải nghiệm văn hóa, lịch sử, địa chất. 

Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được UNESCO công nhận ngày 7/7/2020, Công viên có diện tích 4.760 km2, trải dài trên địa bàn 5 huyện: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông. Công viên có tới 150 di sản địa chất, khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước... Công viên Địa chất Đắk Nông từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Công viên Địa chất toàn cầu, Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch Công viên địa chất gồm “Trường ca của nước và lửa”, “Bản giao hưởng của làn gió mới”, “Âm thanh từ trái đất” với 44 điểm di sản. Tuy nhiên, đến nay Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức như thiếu các văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn xây dựng và phát triển Công viên địa chất của các cơ quan chuyên môn, có thẩm quyền liên quan để địa phương làm căn cứ thực hiện. 

Cùng với ba địa phương trên, tỉnh Lạng Sơn đang tích cực chỉ đạo triển khai đề án "Thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025", với quyết tâm và bước đi thận trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, tạo sinh kế, cung cấp việc làm, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo tồn, tôn vinh giá trị di sản văn hóa và tự nhiên của tỉnh. Các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, trong đó có di sản địa chất, gắn với phát triển du lịch bền vững trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển ngành du lịch tỉnh Lạng Sơn hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế quan trọng năm 2025 và ngành kinh tế mũi nhọn năm 2023.

Với tiềm năng, triển vọng để trở thành Công viên địa chất tỉnh Phú Yên xác định mục tiêu xây dựng Công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Qua khảo sát, Phú Yên có 60 di sản địa chất, thuộc 9 kiểu (cổ sinh; địa mạo, cảnh quan; cổ môi trường; đá; địa tầng; khoáng sản; kinh tế địa chất; cấu trúc kiến tạo, lịch sử tiến hóa địa chất và địa chất đệ tứ, địa chất biển và tương tác lục địa đại dương). Giá trị về di sản địa chất ở Phú Yên là cơ sở khoa học để xây dựng Công viên địa chất Phú Yên và cao hơn nữa. Hiện nay, Phú Yên đang thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Đây là điều kiện thuận lợi để Phú Yên quy hoạch chi tiết, xây dựng Đề án Công viên địa chất Phú Yên.


Các hang động tại Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông tiếp tục được các nhà khoa học nghiên cứu.
 

Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Tiểu ban chuyên môn đã tích cực phối hợp cùng các chuyên gia để khảo sát thực địa tại các Công viên địa chất toàn cầu, đánh giá và định hướng phát triển. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình danh hiệu, di sản UNESCO được triển khai như: Công tác định kỳ kiểm tra, đánh giá các điểm di sản, cơ sở vật chất trên các tuyến du lịch Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên địa chất Đắk Nông…

Để xây dựng, phát triển, quản lý hiệu quả các Công viên địa chất, công tác phối hợp giữa Ban Quản lý Công viên địa chất với các Sở, ban, ngành và địa phương liên quan được thực hiện thường xuyên và hiệu quả. Đặc biệt, trong hợp tác mạng lưới, cần đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu của UNESCO nói chung và danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO nói riêng: Tích cực tham gia các hoạt động thường niên của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN), Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á Thái Bình Dương (APGN), Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Âu (EGN).

Những tháng cuối năm, Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất Việt Nam tiếp tục hướng dẫn các địa phương trong công tác quản lý, bảo tồn các điểm di sản trong vùng Công viên địa chất theo tiêu chí của UNESCO; trình Tiểu ban Khoa học Tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ) một số đề xuất nhằm hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển Công viên địa chất.

Đồng thời, Tiểu ban sẽ hỗ trợ triển khai Đề án “Khoanh vùng và đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”; phối hợp với nhóm chuyên gia tư vấn khảo sát, lựa chọn điểm và vận hành tuyến du lịch thứ 4 trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Bên cạnh đó, Tiểu ban sẽ đề xuất với chính quyền các tỉnh Cao Bằng, Đắk Nông và Lạng Sơn xây dựng các Trung tâm nghiên cứu khoa học, Trung tâm hội nghị, hội thảo và khu lưu trú, dịch vụ cho chuyên gia gắn với công viên văn hóa tại các Công viên địa chất; xây dựng các Ban Quản lý Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO trở thành đơn vị hành chính sự nghiệp tiến tới tự chủ kinh phí hoạt động; tiếp tục phối hợp xây dựng triển khai phương án thu phí tham quan vùng Công viên địa chất để có nguồn tài chính hỗ trợ các hoạt động bảo tồn di sản địa chất, bảo vệ môi trường và hoạt động tăng cường sinh kế cho người dân trong vùng Công viên địa chất.

Đặng Tuấn

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn

Lượt xem : 1430