Vietnamese English
Bảo tồn tính đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn Pù Hu (Thanh Hoá)

10/20/2024 8:05:00 AM

Với tổng diện tích hơn 24.200ha rừng tự nhiên, nằm trên địa bàn huyện Quan Hóa và Mường Lát, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hu (tỉnh Thanh Hóa) hiện có khoảng 2.600 loài động thực vật đang sinh sống. Trong đó, hơn 50 loài thực vật và khoảng 50 loài động vật đã được ghi nhận trong sách đỏ Việt Nam.

Phong phú và đa dạng

Theo nhận định từ các chuyên gia, khu BTTN Pù Hu gồm hệ sinh thái núi đất đai cao xen kẽ với những hệ sinh thái núi đá vôi. Từ sự đa dạng của hệ sinh thái kéo theo sự đa dạng về sinh cảnh cũng như tạo nên tính đa dạng về chủng loại động, thực vật của khu bảo tồn.

Qua điều tra đã ghi nhận tại Khu BTTN Pù Hu có khoảng 1.725 loài thực vật thuộc 696 giống, 170 họ và 71 bộ, 12 lớp và 6 ngành. Phần lớn các loài thực vật bậc cao tập trung ở khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn. Ngoài ra, các loài thực vật trong hệ sinh thái nông nghiệp, vườn rừng, vườn nhà dân cũng góp phần làm tăng thêm tính đa dạng sinh học cho khu hệ thực vật.

Đặc biệt, hệ thực vật Pù Hu có tổng số 52 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam 2007. Theo tiêu chuẩn của IUCN, hệ thực vật Pù Hu có 93 loài được ghi nhận, có 16 loài nằm trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP.

Bên cạnh hệ thực vật, hệ động vật không những phong phú về chủng loài mà một số loài còn tập trung với mật độ cao. Qua kết quả điều tra, đã ghi nhận được 915 loài động vật, gồm: Khu hệ động vật nổi, khu hệ động vật đáy, khu hệ côn trùng, khu hệ cá, khu hệ lưỡng cư, khu hệ bò sát, khu hệ chim, khu hệ thú. Trong đó, có 49 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu hiện có 2.640 loài động thực vật đang sinh sống.

Vùng đệm khu bảo tồn chứa đựng nhiều nét văn hoá truyền thống đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc, phong tục tập quán của các dân tộc đang sinh sống như: uống rượu cần, khặp Thái, thổi kèn lá của người Mông, dệt thổ cẩm…Ngoài những nét đặc sắc về văn hoá, ở đây còn có những tập quán sản xuất nổi bật mang bản sắc riêng như trồng lúa nương trên sườn dốc, làm ruộng bậc thang…Gắn liền với nét văn hoá bản địa là những cánh rừng đại ngàn, những hang động hoang sơ (Hang Ma, hang Cồ Luồng, hang Dùn…), hệ thống sông suối với nhiều thác nước kỳ thú là tiền đề cho việc phát triển du lịch sinh thái.

6 cây chò xanh được công nhận là cây Di sản Việt Nam tại Khu BTTN Pù Hu hiện đang được bảo vệ và phát triển rất tốt.

Được biết, vào cuối năm 2022, Khu BTTN Pù Hu được Hội đồng cây Di sản Việt Nam trao Bằng công nhận 6 cây chò xanh (tên khoa học Terminalia myriocarpa Henrila) là cây Di sản Việt Nam. Điều đó nói lên sự đa dạng sinh học, lưu giữ được những nguồn gen quý, bảo vệ cây cổ thụ lâu năm tại Khu BTTN Pù Hu, góp phần xây dựng ý thức bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cho Nhân dân trong vùng.

Nỗ lực bảo tồn và phát triển

Theo quy định tại quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017 và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp năm 2017, việc xây dựng và thực hiện phương án quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) là yêu cầu bắt buộc đối các chủ rừng. Vì vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt: “Phương án bảo tồn và phát triển bền vững Khu BTTN Pù Hu giai đoạn 2021 – 2030”. Đây là vấn đề cấp bách, cần thiết phải thực hiện để đảm bảo duy trì mọi hoạt động của Khu bảo tồn, làm cơ sở, tiền đề để hàng năm tổ chức thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, nhất là có nguồn vốn ổn định hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2030, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan, dịch vụ môi trường; là cơ sở cho việc thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng rừng đặc dụng; huy động sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào hoạt động bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng, góp phần nâng cao nhận thức và mức sống của người dân, bảo vệ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội cho vùng biên giới.

Cán bộ Kiểm lâm thuộc Khu BTTN Pù Hu giám sát, bảo vệ các loài động vật hoang dã, quý hiểm. 

Được biết, Khu BTTN Pù Hu trải dài trên địa bàn của 10 xã thuộc hai huyện Quan Hóa và Mường Lát, phương án QLRBV sẽ được xây dựng cho toàn bộ diện tích của Khu bảo tồn. Thời gian của phương án xây dựng là 10 năm từ năm 2021 đến 2030, nguồn kinh phí huy động sẽ rất lớn từ nhiều nguồn khác nhau như vốn ngân sách, vốn huy động hợp pháp khác… Do vậy để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững rừng đặc dụng; khai thác, sử dụng có hiệu quả diện tích rừng sản xuất, trước mắt Ban quản lý Khu BTTN Pù Hu sẽ tập trung xây dựng Phương án theo hướng quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Đồng thời, thực hiện các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn tính đa dạng sinh học, phát triển rừng sao cho diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng là lớn nhất. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tạo các nguồn thu khác từ các hoạt động như: Khai thác lâm sản ngoài gỗ chủ yếu là cây thuốc, tre nứa, phát triển du lịch sinh thái…

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Dương, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, cho biết: Trong những năm qua, công tác Phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý bảo vệ rừng và phòng trừ sâu bệnh hại luôn là nhiệm vụ hàng đầu được Ban quản lý chú trọng thực hiện, bằng nhiều biện pháp như thành lập các Trạm bảo vệ rừng, tổ bảo vệ rừng, giao khoán bảo vệ rừng cho nhân dân và cộng đồng thôn bản; giao khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng. Vì vậy, trong các năm gần đây, diện tích rừng do Ban quản lý Khu BTTN Pù Hu quản lý không để xảy cháy rừng, không có sâu bệnh hại.

Mặt khác, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác quản lý và bảo vệ rừng. Hỗ trợ hoạt động của tổ bảo vệ rừng tại các thôn bản nhằm hỗ trợ cho Kiểm lâm Khu bảo tồn trong quá trình tuần tra kiểm tra rừng và nắm bắt các thông tin, đặc biệt là thông tin về tình hình khai thác rừng, săn bắn động vật rừng.

Đồng thời, rà soát, xác định các vùng trọng điểm về an ninh rừng, phối hợp với chính quyền các xã, các tổ đội bảo vệ rừng thôn bản tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh rừng, tập trung chủ yếu vào các khu vực trọng điểm, khu vực còn giàu tài nguyên, khu vực giáp ranh với tỉnh Nghệ An, khu vực giáp gianh giữa các xã. Phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng, chính quyền các xã quản lý có hiệu quả cưa xăng; thu hồi súng săn; đánh giá hiệu quả phối hợp…

Theo ông Dương, bên cạnh công tác bảo vệ, các chương trình phục hồi sinh thái, nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế vùng đệm… cũng được đặc biệt chú trọng. Hiện đã trồng mới được 150 ha rừng đặc dụng, 2.000 ha rừng sản xuất ở xã vùng đệm. Sản xuất hàng trăm vạn cây giống các loại chất lượng cao phục vụ trồng rừng; khoanh nuôi tái sinh rừng,  chất lượng rừng không ngừng được tăng trưởng, độ che phủ rừng đạt 97%. Thực hiện thí điểm mô hình kinh doanh rừng Nứa vầu bền vững. Phục hồi các loài cây bản địa, khoanh nuôi tái sinh diện tích rừng tự nhiên có cây Lim xanh, Quế ngọc, Giổi ăn hạt…. Cùng với đó, việc điều tra, bảo tồn và cứu hộ các loại động vật nguy cấp, quý hiếm luôn được Khu bảo tồn đặt lên hàng đầu.

Khu BTTN là những khu được bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ dành cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và quan trắc môi trường. Các khu bảo tồn thiên nhiên này cho phép gìn giữ các quần thể của các loài cũng như các quá trình của hệ sinh thái không hoặc ít bị nhiễu loạn.

Theo các quy định hiện hành, các khu BTTN phục vụ cho các mục đích như: Nghiên cứu khoa học; bảo vệ các loài hoang dã; bảo vệ và sử dụng đa dạng loài và gen; duy trì các lợi ích về môi trường từ tự nhiên; bảo vệ cảnh quan đặc biệt về thiên nhiên và văn hóa; phục vụ du lịch, giải trí; hoạt động giáo dục; sử dụng hợp lý các tài nguyên từ hệ sinh thái tự nhiên và duy trì các biểu trưng văn hóa truyền thống.

Hoài Thu

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - Đăng ngày 16/10/2024

Lượt xem : 358