Theo Sở TNMT, trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 8 hệ sinh thái (HST), gồm: Rừng tự nhiên, rừng thứ sinh; rừng tre nứa, các thảm cỏ, cây bụi; HST nông nghiệp; HST thủy vực nội địa; HST đầm; HST rạn san hô; HST dân cư, đô thị, khu công nghiệp; có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định, cho biết: Tỉnh cũng đã ban hành Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm mục tiêu bảo đảm các HST tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và phát triển bền vững; duy trì và phát triển dịch vụ HST thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh, xây dựng và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.
Hệ sinh thái rừng ở xã An Toàn (huyện An Lão) được bảo tồn nghiêm ngặt. Ảnh: Ngọc Nhuận
Để triển khai các mục tiêu trên, tỉnh Bình Định chú trọng công tác chỉ đạo điều hành và giám sát thực hiện quản lý khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ động vật hoang dã quý, hiếm, bảo vệ rạn san hô; triển khai nhiều chương trình, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học, như: Điều tra, khảo sát và đề xuất các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh; xây dựng thí điểm mô hình truyền thông môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học cấp xã tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (xã An Toàn, huyện An Lão); đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống quan trắc đa dạng sinh học; tuyên truyền, giáo dục về môi trường, đa dạng sinh học trong cộng đồng, tạo sự đồng thuận, chung tay bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học…
Ông Đinh Công Niên, người dân ở thôn 2, xã An Toàn, chia sẻ: “Nhờ được tuyên truyền nên nhận thức của đồng bào chúng tôi ở đây có nhiều thay đổi. Giờ đây bà còn biết chung tay bảo vệ rừng đặc dụng, tham gia khoán bảo vệ rừng, khai thác sản vật dưới tán rừng, như mật ong, nấm, mây rừng… để ổn định đời sống”.
HST đầm cũng được bảo tồn và duy trì đa dạng sinh học rừng ngập mặn, góp phần quan trọng trong việc chống biến đổi khí hậu, chống xâm thực của thủy triều, tạo cảnh quan sinh thái và sinh kế cho người dân sống ven đầm.
Ông Dương Văn Tường, ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, bộc bạch: “Khi nhận thấy lợi ích từ việc phục hồi, bảo vệ rừng ngập mặn là mang lại sinh kế bền vững, người dân sinh sống ven đầm Thị Nại đã chung tay bảo vệ rừng ngập mặn, nên cá, tôm trú ngụ nhiều, bà con ở đây mưu sinh bằng nghề khai thác thủy sản có thu nhập thường xuyên”.
Theo TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NNPTNT), HST rạn san hô cũng được ngành thủy sản phối hợp với các địa phương ven biển trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, triển khai các dự án bảo vệ rạn san hô, thành lập tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ; thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên đầm Thị Nại, đầm Trà Ổ…, được cộng đồng ngư dân chung tay hưởng ứng tham gia. Như ở xã Nhơn Hải, Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), HST rạn san hô được cộng đồng ngư dân chung tay bảo vệ, nên nhiều loài động, thực vật biển đến quần cư; đặc biệt là rùa biển - loài động vật biển quý, hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới thường xuyên xuất hiện.
Để hướng đến bảo tồn đa dạng sinh học vì mục tiêu phát triển bền vững, bà Hà Thị Thanh Hương cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề xuất Trung ương nâng cấp Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn thành Vườn quốc gia An Toàn, thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại trong năm nay. Thời gian tới, sẽ tiếp tục xây dựng thông tin, cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của tỉnh mang tính tổng quan để cập nhật trên hệ thống; thực hiện các dự án bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng biến đổi khí hậu…
Đoàn Ngọc Nhuận