Cụm cây đa quả vàng ở Hà Giang được công nhận là cây di sản Việt Nam
2 tỷ USD từ khai thác ĐDSH mỗi năm
ĐDSH là sự khác nhau giữa các sinh vật sống ở tất cả mọi nơi bao gồm các hệ sinh thái trên cạn, sinh thái trong đại dương và các hệ sinh thái thủy vực khác, cũng như các phức hệ sinh thái mà các sinh vật là một thành phần trong đó.
Việt Nam hiện đứng thứ 16 trên thế giới về tính ĐDSH. Trong đó, 10% số loài thú, chim và cá của thế giới tìm thấy ở Việt Nam. Hơn 40% số loài thực vật thuộc loài đặc hữu không tìm thấy ở nơi nào khác ngoài Việt Nam. Nhiều loài gia súc, gia cầm đã được thuần dưỡng và tuyển chọn từ hàng ngàn năm nay.
Được đánh giá cao về tính độc đáo, ước tính hàng năm ĐDSH đem lại cho đất nước khoảng 2 tỷ USD từ việc khai thác các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản... Nhiều nơi, nhất là miền núi nguồn lương thực – thực phẩm, một phần nguồn thuốc chữa bệnh và mọi thu nhập chủ yếu đều dựa vào khai thác ĐDSH.
Những nguy cơ hiện hữu
Được thiên nhiên ưu đãi về ĐDSH nhưng Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng một số loài động thực vật quý hiếm.
Theo các nhà khoa học Viện Dược liệu Việt Nam, có hơn 134 loài có nguy cơ tuyệt chủng trên đất nước ta. Cục Bảo vệ Môi trường thuộc Bộ TN&MT thống kê trong 10 năm (1996-2006), những loài động thực vật bị đe dọa tuyệt chủng ở Việt Nam đã tăng đến mức báo động, từ 709 đến 857 loài.
Lý giải tốc độ suy giảm ĐDSH rất nhanh, các chuyên gia cho rằng do việc tăng dân số nhanh, ô nhiễm môi trường, nạn tàn phá rừng, cháy rừng với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng, trong đó theo tính toán hàng năm nước ta cháy mất khoảng 20-30 ngàn ha rừng, thậm chí có năm lên đến 100 ngàn ha rừng. Việc khai thác quá mức hải sản, áp dụng rộng rãi giống mới trong nông nghiệp đã dẫn tới nguy cơ tiêu diệt 28% loài thú, 10% loài chim và 21% loài bò sát và lưỡng cư. Trong đó, điển hình như quần thể tê giác nhỏ bé cuối cùng còn lại của thế giới đang hiện hữu ở Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng do những tác động của con người.
Các nhà khoa học cảnh báo: sự mất đi của một loài là mất vĩnh viễn, đồng thời mất luôn cả nguồn tài nguyên di truyền.
Hôm nay (22-5), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Liên kết cùng bảo tồn ĐDSH cho phát triển bền vững”. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Đa dạng sinh học quốc tế năm 2015 của thế giới. Các tham luận tại Tọa đàm đều hướng tới một mục tiêu chung là tìm ra các hành động liên kết để bảo tồn tốt hơn ĐDSH của nước ta. Chẳng hạn các vấn đề liên quan đến tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, đến an toàn sinh học, đến đất ngập nước hoặc các nội dung liên quan về tri thức bản địa/tri thức truyền thống, đến hợp tác quốc tế và bảo tồn ĐDSH… |
Liên kết để bảo tồn ĐDSH
"Xác định ĐDSH là một tổng thể không thể tách rời nên dù được phân thành các ngành khác nhau như nông nghiệp, thủy sản, môi trường để quản lý nhưng không có nghĩa là từng ngành, từng bộ chỉ cát cứ trong khuôn khổ được phân công” - TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nói.
Theo ông Sinh, hiện nay Việt Nam đã tham gia nhiều thỏa thuận và công ước quốc tế liên quan đến việc bảo tồn ĐDSH. Đồng thời có các chiến lược Quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 và Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Việt Nam cũng có Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004), Luật Thủy sản (2003) và Luật đa dạng sinh học (2008) quy định điều chỉnh các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các thành phần ĐDSH. Một số quy hoạch như Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030… Tuy nhiên, việc phát huy những nét chung, những mặt tích cực của các văn bản này, nhất là việc liên kết trong bảo tồn ĐDSH dù đã được thực hiện trong nhiều năm qua nhưng nhiều khi còn mang tính tự phát, chưa thực sự chủ động và tích cực.
Vì vậy, ông Sinh kiến nghị cần đề ra những hoạt động liên kết cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao vai trò cộng đồng trong hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật đặc biệt trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp bảo tồn ĐDSH, trong đó nhấn mạnh đến việc quản lý rừng cộng đồng với sự tham gia của người dân. Đồng thời phối hợp đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐDSH và phát triển bền vững, liên kết xây dựng cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho công tác quản lý ĐDSH, liên kết khắc phục những trở ngại, bức xúc về sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong bảo tồn ĐDSH.
"Cần thiết phải có một hành động mang tính đột phá trong việc phân công, phối hợp quản lý ĐDSH ở các cấp. Chẳng hạn, Tổng cục Môi trường và Tổng cục Lâm nghiệp cùng thống nhất một kế hoạch hành động có sự tham gia của cộng đồng nhằm khắc phục các trở ngại hiện nay” – ông Sinh đề xuất.
|