Theo nghiên cứu của TSKH. Trần Công Khánh, Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Cây thuốc Dân tộc Cổ truyền (CREDEP), cây cỏ, hoặc con vật có trong
thiên nhiên(vật thể) rất phong phú và đa dạng, nhưng nếu không có người biết sử dụng chúng (phi vật thể) để phục vụ cho cuộc sống nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng thì nó không thể trở thành ‘cây hoặc con vật làm thuốc’.
Tuy nhiên, nạn khai thác một cách triệt để, thu mua ồ ạt các loại dược liệu với khối lượng lớn và liên tục trong nhiều năm liền làm cho các
loài cây rừng nói chung và cây thuốc nói riêng bị đe dọa tuyệt chủng. Những loài bị thu mua nhiều nhất có thể kể như Lan kim tuyến, Vàng đắng, Thổ phục linh, Bình vôi và nhất là cây sâm Ngọc Linh.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn tới việc các loài
cây thuốc quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng là sự mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp. Mỗi năm có hàng ngàn hecta rừng bị chặt phá để lấy đất trồng cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao… làm cho các loài thực vật, trong đó có nhiều cây thuốc quý cũng bị triệt hạ và con vật không còn nơi sinh sống.
Tất cả các nguyên nhân nói trên đều do con người gây ra. Vì vậy, ngoài luật pháp, còn phải tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết về bảo tồn nguồn gen nói chung và cây thuốc nói riêng không chỉ đối với người dân bình thường, mà cả những người có trách nhiệm quản lý các nguồn tài nguyên này và các cấp chính quyền.
Để bảo vệ các nguồn cây thuốc quý hiếm, một trong những việc cần làm là xây dựng các vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia tại mỗi vùng khí hậu, nhằm bảo tồn chuyển chỗ (ex situ) các loài quý hiếm, có giá trị và phát triển chúng thành nguồn giống phục vụ cho chương trình phát triển dược liệu cấp quốc gia của Nhà nước.
Kết hợp với các địa phương, doanh nghiệp, xây dựng các đề tài nghiên cứu, mô hình bảo tồn và phát triển cây thuốc có giá trị tại địa phương, đặc biệt quan tâm tới quan hệ bốn nhà: Nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông, nhà doanh nghiệp để tổ chức các mô hình bảo tồn và phát triển.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ tiên tiến vào công cuộc điểu tra, nghiên cứu đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gene, khai thác, sử dụng hợp lý, khoa học tài nguyên đa dạng sinh học, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cộng đồng và phục vụ sự nghiệp phát triển xanh, phát triển bền vững đất nước.