Vietnamese English
"Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam - Một ví dụ điển hình về sự phối hợp có hiệu quả giữa VACNE với các hội thành viên trong các hoạt động BVMT

11/16/2016 10:12:00 AM

(VACNE) - Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực điều hòa, phối hợp hoạt động Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) và các hội ngành toàn quốc” do VUSTA tổ chức tại Thanh Thủy, Phú Thọ sáng nay, TS. Trần Văn MIều, Trưởng ban Truyền thông VACNE, thay mặt lãnh đạo Hội đã trình bày tham luận của Hội. VACNE xin giới thiệu toàn văn tham luận:

BẢO TỒN CÂY DI SẢN - MỘT VÍ DỤ ĐIỂN HÌNH VỀ SỰ PHỐI HỢP CÓ HIỆU QUẢ GIỮA VACNE VỚI CÁC HỘI THÀNH VIÊN TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG BVMT

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) 

 
Có thể khẳng định: sự phối hợp giữa Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE) với các Hội thành viên trong lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên môi trường khá chặt chẽ, nhờ các hoạt động rất cụ thể.

Cùng với việc chỉ đạo và khuyến khích các Hội thành viên hưởng ứng chủ trương chính sách và các hoạt động như: Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Ngày quốc tế đa dạng sinh học; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn,… lãnh đạo Hội BVTN&MT thường chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các đơn vị bằng các hoạt động rất cụ thể như: phối hợp với các Hội BVTN&MT tỉnh Cao Bằng, Đắk Lắk, Hà Nội, Hải Phòng,… về các hoạt động nghiên cứu, tư vấn phản biện liên quan tới Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường trong Quy hoạch xây dựng nông thôn mới,… Điển hình là Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam.

Kết quả bất ngờ, là chỉ sau 6 năm phát động (2010-2016) sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam do VACNE khởi xướng đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước.


TS. Trần Văn Miều trình bày tham luận của VACNE


1. Sự kiện bảo tồn Cây Di sản không chỉ là Bảo tồn Đa dạng sinh học ĐDSH

Hưởng ứng Năm quốc tế về Đa dạng sinh học (năm 2010), hưởng ứng Kế hoạch quốc gia bảo tồn, phát triển bền vững ĐDSH của Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo quyết định của Thủ tướng Chính Phủ, đặc biệt là hướng tới Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội (2010), Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE) đã có sáng kiến phát động Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam. Đây là một trong chuỗi các hành động của VACNE trong những thập kỷ đầu của Thế kỷ XXI mang nội hàm về bảo tồn và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng đến mục tiêu phát triển xanh, phát triển bền vững đất nước, cũng là chủ đề quan tâm của Liên hiệp Quốc, của các nước, các tổ chức quốc tế như IUCN, WWF,UNEP,...

Hội đã thành lập Hội đồng Cây Di sản Việt Nam gồm các nhà chuyên môn có liên quan trong và ngoài Hội, do GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh làm Chủ tịch. Hội đồng không chỉ xét duyệt các hồ sơ cây gửi đến, khảo sát thẩm định tuổi và các thông tin về cây, mà còn làm nhiệm vụ tuyên truyền quảng bá về ý nghĩa, mục đích của sự kiện Cây Di sản Việt Nam; làm cầu nối chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ, chăm sóc, chữa bệnh và kéo dài tuổi thọ cho cây…

Kể từ khi phát động (tháng 3 năm 2010) đến nay (tháng 11/2016) VACNE đã nhận được hàng nghìn hồ sơ cây từ hầu hết các tỉnh thành trong cả nước gửi về đăng ký, xin được xét duyệt công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Nhưng do các điều kiện hạn chế về khảo sát, phân loại, xác định tuổi cây… Hội mới chỉ công nhận được trên 2.600 cây thuộc hơn 100 loài thực vật. Rất mừng là danh sách Cây Di sản Việt Nam lúc này đã có mặt tại 52 tỉnh và thành phố trong cả nước. Từ vùng địa đầu tổ quốc (Hà Giang), vùng cao Phan Xi Păng đến vùng cực Nam Côn Đảo; từ Tây Nguyên (Đắc Lắc) ra tới quần đảo Trường Sa. Nét đặc biệt là trong vòng các năm 2015 – 2016, rất nhiều quần thể, tập đoàn cây với số lượng lớn đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam như; quần thể Pơmu huyện Tây Giang (Quảng Nam), quần thể Chè shan tuyết Suối Giàng (Yên Bái), tập đoàn cây Xích Tùng Yên Tử (Quảng Ninh), tập đoàn cây Lim ở Đền Và (Hà Nội), quần thể cây Nghiến ở VQG Xuân Sơn ( Phú Thọ),…

Những tập đoàn và quần thể Cây Di sản Việt Nam với số lượng lớn vừa nêu sẽ là những điểm đến kỳ thú nếu kết hợp với những cây đặc hữu, quý hiếm và có tuổi đời rất cao đã được công nhận trước đó như 02 cây Táu ở Thiên Cổ Miếu (Việt Trì – Phú Thọ) có tuổi nghìn năm; Cây Sa mu dầu ở khe Bu (Vườn Quốc gia Pù Mát – Nghệ An) cao hùng vĩ tới 73 mét, đường kính thân tới hơn 4,5 mét; cây Đỗ Quyên cành thô Phan Xi Păng (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) là loài cây đặc hữu, chỉ có ở nước ta; Cây Bạch Mai ở đình Phú Tự (Bến Tre); cây Sộp và cây Khế cảnh 350 năm tại Khu du tích Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Cao Lãnh, Đồng Tháp); cây Bằng Lăng, cây  Mai tứ quý (Việt Trì – Phú Thọ) và có những cây nhiều thân có rễ phụ, chu vi lớn nhất (45m): Cây Đa ở đền Thượng (Lào Cai). Có những cây đứng sừng sững vươn cao tỏa bóng mát sát biên giới: Cây Sấu ở bản Nà Sác (Hà Quảng – Cao Bằng) chùm lên cột mốc biên giới Việt Trung (cột mốc số 651), hoặc những cây:  Mù U, Phong Ba, cây Bàng vuông  ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và quần thể cây bàng ở Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu). Cây đơn thân khác cao to, hùng vĩ như: Cây Nghiến nghìn tuổi ở Bắc Hà (Lào Cai) đường kính thân hơn 3m; cây Thông (Bắc Giang), cây Tung (Đắk Lắk), cây Chò Chỉ ở Bắc Mê (Hà Giang).

2. Lễ vinh danh Cây Di sản được các Hội thành viên và cộng đồng địa phương tổ chức hết sức đa dạng và đặc sắc

Như đã trình bày trong nhiều tài liệu của VACNE, đa số các buổi lễ đón bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam được cộng đồng địa phương tổ chức độc lập; được tổ chức trang trọng. Có không ít buổi Lễ đón bằng công nhận Cây Di sản được lồng ghép với lễ hội của địa phương (làng, xã, khu di tích, lễ trọng của dòng tộc) gắn với Ngày Đại đoàn kết toàn dân,…

 Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau: ven rừng, trên bến sông, trong hội trường công sở, trường học, sân chùa, đền miếu,… Tất cả các buổi lễ đều diễn ra rất trang nghiêm, mang màu sắc lễ hội, tạo không khí vui vẻ, đoàn kết. Thể hiện rõ nhất là: nơi nào cũng có chương trình văn nghệ quần chúng chào mừng sự kiện; Rước Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam, với sự tham gia của tất cả các lứa tuổi, thành phần xã hội.

 Thành phần tham gia sự kiện không chỉ có người dân, các cụ cao tuổi, các nhà tu hành, mà còn có rất đông cán bộ, quan chức, doanh nhân và các vị chức sắc tôn giáo, bà con các dân tộc, đại diện các tổ chức xã hội, giới truyền thông và người nước ngoài…Số lượng người tới dự các buổi lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam thường rất đông: từ vài trăm tới hàng nghìn người. Đây thực sự là những ngày hội của cộng đồng. Người dân ở một vài địa phương còn cho biết, chính nhờ vinh danh Cây Di sản, người dân mới có điều kiện khôi phục lại lễ hội truyền thống đã bị lãng quên từ lâu.

3. Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản là đề tài được các Hội thành viên và giới truyền thông luôn quan tâm

Có thể khẳng định điều này, bởi Chuyên mục “Bảo tồn Cây Di sản” trên trang website của Hội BVTN&MT Việt Nam liên tục được bạn đọc truy cập với số lượng trung bình liên tục tăng, đã đạt tới 15.000 lượt/ngày cho trang tiếng Việt và trên 2.000 lượt/ ngày cho trang tiếng Anh. Hiện nay chuyên mục này thường xuyên đăng tải hàng nghìn tin, bài và ảnh. Cụm từ “Cây Di sản Việt Nam” do VACNE khởi xướng đã nhanh chóng được định hình và trở thành quen thuộc với cộng đồng. Nếu tìm trên google cụm từ này, ngay lập tức cho gần triệu kết quả. Một buổi lễ vinh danh Cây Di sản tại chùa Đá Trắng (Phú Yên) đã có tới hơn 50 tin, bài viết và ảnh được đăng tải trên các báo, tạp chí, trang web, các cơ quan truyền thông lớn như: VTV, VOV, TTXVN,...

Sự kiện này còn được thông tin ra nước ngoài bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Tây Ban nha, Trung,... (Vietnam Plus, Open Sky,VOV, VTV,…) Tạp chí Cửa sổ Văn hóa Việt Nam đã dành riêng một số chuyên đề về Cây Di sản Việt Nam.Các bạn nước ngoài không những chỉ quan tâm truyền thông, họ còn có nhiều đóng góp có giá trị về tư vấn, đặc biệt còn góp một phần kinh phí cho việc in ấn tập 2 cuốn Cây Di sản Việt Nam.

Trong thời gian qua, Hội BVTN&MT Việt Nam đã gắn với các Hội địa phương tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo, tọa đàm về sự kiện bảo tồn Cây Di sản Việt Nam như: Hội nghị tổng kết 5 năm Sự kiện ở Việt Trì (Phú Thọ), Hội nghị tổng kết 3 năm tại quận Tây Hồ (Hà Nội), Hội nghị chăm sóc cây Di sản Việt Nam tại  các tỉnh: Phú Thọ, Nam Định và thành phố Đà Nẵng.

Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cũng nhiều lần tổ chức tọa đàm Quốc tế tại Văn phòng Hội về chủ đề chăm sóc cây xanh, Cây Di sản Việt Nam; cử chuyên gia về nơi có cây bị bệnh, bị sâu xâm hại, để tư vấn bảo vệ.

Hiệu ứng của sự kiện còn được phát huy bằng Cuộc thi viết về “Cây cổ thụ - Cây Di sản Việt Nam”. Cuộc thi được phát động tháng 8 và kết thúc tháng 12/2014, đã thu hút hàng trăm tác giả từ mọi miền của tổ quốc tham gia. Kết quả Ban Tổ chức đã chọn được 15 bài viết tốt nhất (trong tổng số hơn 200 bài gửi về), trong đó Ban tổ chức quyết định trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 5 giải ba và 7 giải khuyến khích.

Điều đáng nói là: tất cả các Hội viên và các đơn vị thành viên từ Trung ương tới địa phương đều hồ hởi tham gia hoạt động này trên tinh thần tự nguyên. Họ không chỉ đóng góp nhiều công sức và ủng hộ kinh phí, mà còn vận động cộng đồng cùng hưởng ứng.

4. Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam gắn kết bảo vệ môi trường với lịch sử văn hóa và tạo sinh kế cho cộng đồng

Việc tổ chức xét duyệt công nhận, vinh danh gắn bia cây Di sản Việt Nam là sự kiện mới mẻ góp phần phát huy vai trò và ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật quý, hiếm, làm tôn vinh giá trị màu xanh quê hương, bảo vệ cảnh quan yên bình, đồng thời còn tạo một dấu ấn quan trọng mang ý nghĩa khoa học, nhân văn cao cả trong đạo đức bảo vệ môi trường của Việt Nam, đặc biệt biết tri ân các bậc tiền nhân đã dày công bảo vệ, chăm sóc các cây cổ thụ.Sự kiên đã lan tỏa rộng khắp về ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường trong đường làng, hẻm phố, trong trường học, đặc biệt nó còn hàm chứa ý nghĩa giáo dục lịch sử, bảo vệ chủ quyền quốc gia, khi vinh danh những cây đứng ở cột mốc biên giới, ở vùng biển – đảo.

Một chi tiết khá thú vị do một chuyên gia Lịch sử- Văn hóa của thành phố Hải Phòng cho biết tại buổi Lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Me khổng lồ (hơn 200 năm, đường kính thân hơn 1 mét) trong khuôn viên chùa Tả Quan, xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng như sự khẳng định về sự gắn kết giữa bảo tồn cây di sản với bảo vệ môi trường lịch sử. Dân nơi đây vẫn tương truyền: sau khi nhà Tây Sơn thất bại có một danh tướng về chùa Tả Quan “xuống tóc đi tu mai danh ẩn tích”. Và nếu có mối liên hệ nào đó (về giống loài, tuổi cây…) giữa cây Me trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) với cây Me chùa Tả Quan (Hải Phòng) thì quả là một khám phá bất ngờ nhờ sự kiện bảo tồn Cây Di sản

 Ông Đoàn Văn Tạo trưởng ban quản lý Cụm Di tích lịch sử văn hóa làng Lưỡng Quán – xã Trung Kiên huyện Yên Lạc – Vĩnh Phúc cho biết: “Cây Đa, cây Gạo” được gắn bia vinh danh là cây Di sản Việt Nam, tinh thần của người dân trong xã rất phấn khởi và tự hào.Đặc biệt, đoàn công tác của tỉnh Vĩnh Phúc đã đến xin đất tại cụm cây Đa – Gạo để mang ra đảo Trường Sa trồng cây lưu niệm. Kể từ khi được mang danh hiệu Cây Di sản Việt Nam, lượng khách đến thăm quan tăng nhiều. Nhờ đó, quỹ chăm sóc Cây Di sản khá dồi dào, góp phần vào tôn tạo tu sửa khu di tích. Nhiều cụm Cây Di sản khác như: hàng Duối ở xã Đường Lâm – Sơn Tây, cụm cây Đa ở Hòn Dấu – Hải Phòng, cây Đa ở bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng,..đang trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch. Đặc biệt, vườn Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai), những cánh rừng heo hút của đại ngàn Trường Sơn ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) đang “lột xác” từng ngày, sau khi những cây Đỗ quyên, những cây Pơ mu nghìn năm tuổi được vinh danh Cây Di sản Việt Nam.

Một minh chứng rõ nét về sự thành công và các hiệu quả bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ môi trường xã hội rõ nhất, là sự kiện này đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng Bằng khen cho Hội “Vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2010 – 2015” (Quyết định số 1185/Q Đ–BTNMT ngày 19/5/2015 ).

Có được thành tích này, chính là kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng giữa VACNE với các Hội thành viên. Không chỉ có sự phân công cụ thể theo kế hoạch, mà Hội còn biết động viên và phát huy khả năng sáng tạo của các Hội địa phương, các đơn vị thành viên.

Lãnh đạo các Hội thành viên không chỉ tích cực vận động cộng đồng, chính quyền và các doanh nghiệp ở địa phương hỗ trợ nguồn lực hưởng ứng phong trào Bảo tồn Cây Di sản, hỗ trợ lập hồ sơ Đăng ký Cây Di sản…mà còn chủ động viết bài dự thi và viết bài cho cuốn sách Cây Di sản Việt Nam do VACNE khởi xướng. Hơn thế, nhiều Hội BVTN&MT như: Đắk Lắk, Cao Bằng, Phú Thọ… còn có sáng tạo tổ chức gắn bia bảo vệ cây cổ thụ ở đầu nguồn nước, bảo vệ môi trường sống cho người dân, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng và được đồng bào các dân tộc thiểu số tin tưởng.

Sự kiện bảo tồn Cây Di sản Việt Nam đã thu được kết quả ngoài sự mong đợi của Hội BVTN&MT Việt Nam. Có được thành công này, là do mục tiêu đề ra cho Sự kiện này rất rõ ràng, cụ thể, thiết thực với đời sống xã hội và đặc biệt có sự ủng hộ của cộng đồng, nhất là các Hội cơ sở./.


Quý Tuệ (VACNE)

Lượt xem : 2107