Vietnamese English
Bảo tồn Cây Di sản dựa vào sức mạnh của cộng đồng

11/19/2019 7:17:00 AM

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã xây dựng mô hình Bảo tồn cây lâu năm, với mục đích chung bảo vệ nguồn gen bản địa, bảo vệ cảnh quan môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, phòng chống thiên tai

 

  

 Cây đa trên Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) được vinh danh là Cây Di sản

 

Xã hội chỉ phát triển bền vững khi cộng đồng được sống trong một môi trường trong lành, và cộng đồng (người dân) vừa là chủ thể vừa là khách thể. Việc bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững các loại tài nguyên, đảm bảo công bằng giữa các thế hệ, cũng vậy.

Nhận thức rõ giá trị của cây cổ thụ, cũng như vai trò của cộng đồng các dân tộc Việt nam trong bảo vệ môi trường, bảo tồn Đa dạng sinh học. Đặc biệt là Kế hoạch quốc gia bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Hội BVNT&MT Việt Nam (VACNE) đã đề xuất xây dựng mô hình này.

Nhờ có mục tiêu rõ ràng, hoạt động minh bạch, nên mô hình Bảo tồn cây lâu năm được VACNE khởi xướng và nhanh chóng trở thành phong trào. Mô hình đã được mọi tầng lớp xã hội, các dân tộc và tổ chức tôn giáo, các cơ quan truyền thông… ủng hộ. Đặc biệt, không cần sự đầu tư về nguồn lực nhưng mô hình vẫn được lan tỏa nhanh và rông khắp, với gần 4000 cây cổ thụ (thuộc 123 loài thực vật) trên 53 tỉnh, thành phố.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Hội BVTN&MT Việt Nam cho biết, mô hình đáp ứng được mong muốn của cộng đồng, phát huy được nét đẹp văn hóa của các dân tộc Việt Nam trong việc giữ gìn, bảo vệ màu xanh của quê hương, tôn tạo cảnh quan trong đường làng, ngõ phố, công sở, đình chùa trong các khu di tích lịch sử văn hóa; hơn nữa còn góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, bảo tồn Cây di sản góp phần tạo sinh kế mới cho dân, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Sauk hi nhiều địa phương tổ chức vinh danh Cây Di sản, đã hình thành các tuyến du lịch, tạo sinh kế mới cho người dân và làm gia tăng giá trị sản phẩm.

Điển hình như cây Táu nghìn tuổi ở Thiên cổ miếu (Việt trì – Phú thọ); Cây đa trên bán đảo Sơn Trà ( Đà Nẵng); Rừng Pơ mu Tây giang… Tạp chí Open Sky (2016) đã viết: từ khi cây Đa bán đảo Sơn Trà được vinh danh là Cây Di sản thì lượng khách du lịch đến Sơn Trà tăng khoảng 20% hàng năm. Mô hình này không chỉ mở ra hướng đi mới cho ngành du lịch, tạo thêm lợi ích về kinh tế mà còn góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Mô hình Bảo tồn cây Di sản Việt Nam đã lan tỏa vượt biên giới, được bạn bè một số nước biết đến. Một số nhà khoa học và tình nguyện viên quốc tế: Oxtraylia, Canada, Nhật Bản… đã tới tham dự lễ vinh danh cây, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bảo vệ và ủng hộ kinh phí xuất bản cuốn sách ảnh Cây Di sản Việt Nam. Vì họ đều cho rằng đây là mô hình hữu ích đối với cộng đồng.

(KTĐT)

Lượt xem : 1681