Vietnamese English
Bảo tồn biển cần gắn với đảm bảo sinh kế cho người dân

10/23/2014 10:26:00 AM

Đây là đề xuất của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước về việc gia tăng hiệu quả khai thác các khu bảo tồn biển tại Việt Nam.



Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, theo mục tiêu được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, Việt Nam có hệ thống gồm 16 khu bảo tồn biển. Đến nay, Việt Nam đã thành lập và hình thành được mạng lưới 9 khu bảo tồn biển.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thành lập các khu bảo tồn biển là xu hướng chung của thế giới, và ở Việt Nam, đây cũng là nhu cầu thiết yếu, không chỉ nhằm phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế người dân địa phương ven biển, mà còn đặc biệt quan trọng đối với việc gìn giữ an ninh quốc gia. Cùng với gia tăng số lượng, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải phát huy hiệu quả thiết thực của các khu bảo tồn biển.

Nhiều mối đe doạ các khu bảo tồn biển

Bộ NN-PTNT khẳng định, khu bảo tồn biển có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển. Nó còn có ý nghĩa to lớn đối với nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng, giải trí và du lịch sinh thái; góp thêm cơ sở pháp lý và cung cấp các công cụ hành chính cho việc đấu tranh bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới trong vùng Biển Đông mà các nước trong khu vực đang quan tâm.

 
Theo nhiều chuyên gia, muốn bảo tồn biển hiệu quả, phải gắn với bảo đảm sinh kế người dân (Ảnh minh họa: KT)

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hệ thống khu bảo tồn biển là nguồn vốn thiên nhiên quan trọng góp sức bảo đảm cho thực hiện tăng trưởng xanh. Đặc biệt, “tình hình Biển Đông cũng rất phức tạp, việc tạo lập và quản lý tốt hệ thống 16 khu bảo tồn biển như mục tiêu đề ra còn có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần thực hiện nhiều mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia”.

Các khu bảo tồn biển Việt Nam hiện nay gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc. Đánh giá thực trạng khai thác hệ thống các khu bảo tồn này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, các khu bảo tồn biển thường gắn với những khu vực mà cộng đồng dân cư nghèo, sống chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lợi từ tự nhiên khai thác từ các khu bảo tồn. Trong khi các chính sách hỗ trợ tạo sinh kế cho ngư dân sống trong và xung quanh các khu bảo tồn biển chưa có, gây khó khăn cho công tác bảo tồn. Hơn nữa, một số địa phương chưa thực sự quan tâm công tác bảo tồn biển mà chủ yếu tập trung phát triển kinh tế.

Là chuyên gia có nhiều năm làm công tác nghiên cứu về bảo tồn biển trên thế giới, GS, TS Donald Macintosh, Cố vấn cao cấp chương trình MFF, nhận xét: mạng lưới khu bảo tồn biển Việt Nam cơ bản hiện nay còn rời rạc, quy mô nhỏ. Đồng thời, có những mối đe doạ từ bên ngoài tới các khu bảo tồn như dân số tăng, ô nhiễm môi trường, vấn đề xã hội phát sinh từ các dịch vụ kinh doanh tại khu bảo tồn…

Còn ông Vũ Văn Dũng, chuyên gia quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam, cảnh báo: Hiện nhiều khu bảo tồn biển đang tách độc lập với bảo tồn hệ sinh thái trên cạn, đặc biệt là rừng. Chính cách quản lý này có thể làm phá vỡ hệ sinh thái vốn có mối liên hệ chặt chẽ nhau giữa rừng và biển.

Bảo tồn biển phải gắn với đảm bảo sinh kế cho người dân

Bên cạnh việc khắc phục các tồn tại trong bảo tồn biển hiện nay, Bộ NN-PTNT cho rằng, thời gian tới cần điều tra, nghiên cứu cập nhật số liệu đề xuất thêm các vùng biển có tiềm năng bảo tồn để quy hoạch thành các khu bảo tồn, bổ sung vào hệ thống các khu bảo tồn biển Việt Nam, nhằm tăng diện tích các vùng biển có tiềm năng bảo tồn và quản lý.

Nhiều chuyên gia đồng tình việc cần khảo sát và có thể gia tăng diện tích bảo tồn, nhưng điều cần hơn là phải gia tăng hiệu quả bảo tồn gắn với sinh kế người dân trong vùng. GS, TS Donald Macintosh lấy ví dụ thực tế từ khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: Cù Lao Chàm yên tĩnh, giàu tiềm năng nhưng còn ít người biết đến khu bảo tồn biển này. Cần tăng cường truyền thông để mọi người biết và cùng chung tay bảo vệ.

Một điểm cần lưu ý đối với công tác bảo tồn, GS. TS Donald Macintosh cho hay, cùng thời gian, nhiều biến động cả về tổ chức xã hội, tự nhiên… cho nên công tác bảo tồn biển cũng cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp để có thể có hiệu quả thiết thực. Với Cù Lao Chàm, dù đã có những thành quả bước đầu là người dân đã tham gia vào hoạt động bảo tồn biển, đồng thời có bảo tồn biển, khách du lịch đến Cù Lao Chàm gia tăng, thu nhập của người dân địa phương cũng tăng nhờ làm dịch vụ du lịch, bán các sản phẩm thực phẩm là hải sản, thuỷ sản, hàng lưu niệm...

Để phát triển hiệu quả thiết thực các khu bảo tồn biển, GS, TS Donald Macintosh đề nghị, bên cạnh bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, cần chú trọng đến đời sống người dân ở khu bảo tồn, chẳng hạn về nước sạch, vệ sinh môi trường…, đặc biệt là từ khi quy hoạch đến triển khai thực hiện các khu bảo tồn đều cần có sự tham gia ý kiến của người dân.

“Việt Nam cần tiếp thu bài học kinh nghiệm của thế giới, đặc biệt là học hỏi từ chính các mô hình đã thành công ở trong nước để có thể tăng cường công tác bảo tồn biển, tạo được các khu bảo tồn lớn hơn, tạo mạng lưới bảo tồn”- GS.TS Donald Macintosh nhấn mạnh.

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi còn đề xuất phải “mạnh dạn phân cấp trong bảo tồn, cần phân cấp cho địa phương quản lý nhiều hơn nữa. Không phân cấp triệt để thì cơ chế xin - cho vẫn có, làm mất đi cảm hứng của các địa phương trong việc tham gia vào bảo tồn biển. Đặc biệt là phải ưu tiên các khu bảo tồn có vị trí quan trọng với an ninh quốc gia và phát triển kinh tế”./.



Tác giả bài viết: Xuân Thân (VOV)

Lượt xem : 2188