Trải qua hàng ngàn năm sống và chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử, đến nay tên tuổi của 2 cây Táu và cây Xoan Đào (tên địa phương thường gọi là cây Da Bò) đã được cả nước biết đến. Thể theo tâm ước của các thế hệ nhân dân, UBND xã Trưng Vương cùng với Hội BVTN&MT tỉnh Phú Thọ đã tiến hành lập hồ sơ khoa học để trình Hội đồng công nhận “Cây di sản Việt Nam” chính thức công nhận 2 cây Táu và cây Xoan Đào là “Cây di sản Việt Nam”.
Cây Xoan Đào tại Lăng thành hoàng làng, thôn Hương Lan cao 21m, chu vi gốc 4,5m, đường kính tán cây 30m. Cây có dáng đẹp, tựa như cây cảnh cổ thụ. Cây này gắn liền với di tích ba lăng mộ thờ ba vị thành hoàng làng là Đô đốc Đại Vương thời Hùng Vương thứ 18. Tại Đền Thiên cổ miếu có hai cây Táu: Cây Táu bạc cao 25m, chu vi gốc 6,1m; cây Táu vàng cao 21m, chu vi gốc 4,5m. Cả hai đều có dáng vẻ kì vĩ, uy nghi. Theo Ngọc phả để lại, đây là nơi thờ hai vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang - người có công dạy hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con vua Hùng Vương đời thứ 18. Khi hai vợ chồng thầy giáo qua đời, nhân dân đã chôn cất và lập đền thờ tại miếu cổ. Tương truyền hai cây Táu quý được cổ nhân trồng từ đó.
|
Lãnh đạo tỉnh, thành phố Việt Trì dâng hương tại Đền Thiên cổ miếu.
|
Theo TS. Nguyễn Ngọc Sinh: “Cây di sản Việt Nam” có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn gen sinh học ở những cây quý hiếm. Hơn nữa còn là bảo tồn sự dạng sinh học trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục công nhận những cây di sản khác tại các địa phương. Đây là 3 trong tổng số 165 cây di sản trong cả nước đã được công nhận có tuổi đời cao nhất.
|
Đại diện lãnh đạo TW Hội BVTN&MT trao bằng công nhận cây di sản Việt Nam cho 2 cây Táu và cây Xoan Đào ở xã Trưng Vương.
|
Đại diện lãnh đạo xã phát biểu và xin hứa sẽ có trách nhiệm gìn giữ, chăm sóc cây luôn xanh tốt, để trở thành điểm đến tham quan, học tập của tất cả mọi người.
Bích Phượng
(Báo Phú Thọ)