Vietnamese English
Báo Nhân Dân: Cây cổ thụ không chỉ là di sản mà còn hơn thế

5/2/2012 4:28:00 PM

Đây là dòng mào đầu in đậm trong bài "Vững vàng cổ thụ" của tác giả Vũ Duy đăng trên báo Nhân dân cuối tuần số 17 (1212) ngày 22/4/212. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Vững vàng cổ thụ
 

Cây gạo cổ thụ ở Văn Miếu Mao Ðiền (Hải Dương). Ảnh: THÀNH TIẾN  
 
Có thể nói, làng quê nào cũng trở nên đẹp và thân thương hơn nhờ bóng dáng cổ thụ. Tự ngàn xưa, cổ thụ đã trở thành một di sản được mọi người dân nâng niu, trân trọng và tìm cách lưu giữ. Ở nhiều nơi, cổ thụ được ví như cụ già nhân từ, tỏa bóng mát che con, cho những đứa trẻ vui đùa, nuôi dưỡng những khát vọng vào đời.

Hiền như cổ thụ

"Cụ gạo" làng tôi (ngoại thành Hà Nội) cao lừng lững, vươn lên nền trời xanh để mây và gió vuốt ve từng vạt lá. Vào mùa hoa, hàng nghìn "ngọn lửa hoa" đỏ chói trong nền trời quê bình yên bao la. Các cụ già kể, từ khi sinh ra đã thấy cây gạo cao to đứng giữa làng, chứng kiến biết bao đổi thay của cuộc sống nơi đây. Cụ Nguyễn Văn Báu, một lão nông tâm sự: "Không ai biết cây có từ bao giờ, chỉ biết đó là linh hồn của làng. Trong chiến tranh cây lại vươn tấm ngực của mình ra, che chở cho ngôi thánh đường. Bây giờ ở thân cây vẫn còn găm rất nhiều mảnh đạn, bom...". Không chỉ có thế, "cụ gạo" còn chứng kiến các thế hệ người làng tôi lớn lên, bất kể đứa trẻ nào cũng từng vui đùa dưới gốc cây. Nhiều đứa còn chơi trốn tìm bên những gốc xù xì nhiều u, bướu, hang, hốc mốc thếch, đó là sự dồn ứ, tích tụ của cả trăm năm mưa nắng. Lớn lên, đi học, chuẩn bị xa thời cấp ba, học sinh làng tôi thường đứng dưới gốc ngửa cổ lên trời nhìn những bông hoa đỏ và thầm ước sẽ thi đỗ một trường, mong thoát nghèo, thoát khổ.

Bao đời người làng tôi còn biết ơn "cụ đa" ở sân đình và thường nhờ bóng "cụ" để nghỉ chân mỗi buổi lao động mệt nhọc. Ngày nắng, ai đi qua đều xuống cầu ao đình rửa chân, đứng dưới gốc hóng mát một hồi rồi mới về. Trưa hè gay gắt, người bị say cứ đưa về gốc đa nằm một lúc là tỉnh. Không ít người còn được lộc, như chàng bán kem cứ dừng chân dưới gốc đa là thể nào cũng tíu tít bán được vài chục chiếc; chị hàng nước vối chẳng cần rao, vậy mà vẫn đắt khách cả mấy chục năm trời. Người già, trẻ em ai cũng mê gốc đa và những ngọn gió lành mát rượi, đẹp hơn nữa là những đêm trăng bà tôi thường chống gậy ra ngồi gốc kể chuyện cho đàn cháu nhỏ nghe. Chuyện cổ của bà cùng với những con nghé ọ bé tẻo teo bằng lá đa... đã chắp cánh và nuôi nấng ước mơ cho mỗi đứa trẻ.

Khi đi học, đi làm, ngay lối ra đường quốc lộ có cây đa "Giời ơi" sum suê, quanh năm xanh tốt. Rễ cây tỏa xuống như bộ râu khổng lồ của cụ già. Xưa, từ cây đa này người ta đã thêu dệt biết bao chuyện li kỳ, rùng rợn đến nỗi nhiều người sợ hãi không dám ngang qua. Nay, cạnh gốc một số hộ gia đình đã dựng nhà, bán hàng, tạo thành chỗ dừng chân cho mỗi đứa con đi xa về làng. Bà cụ bán hàng cạnh gốc đa chia sẻ: "Từ ngày chúng tôi sống ở đây, nào có thấy cái gì bất thường. Ở dưới bóng "cụ đa" vừa được hưởng bóng mát, vừa nghe chim chóc hót líu lo. Nhiều đêm tiếng gió reo, tưởng "cụ" nói chuyện, có lúc nghe như tiếng cười mãn nguyện của người có con cháu phương trưởng".

Di sản làng quê

Tôi tin, vùng quê nào, thành phố nào cũng có bóng dáng cổ thụ như làng tôi. Ðó là niềm tự hào, thậm chí là vinh quang của mỗi trái tim ấp iu hình bóng thân thương quê nhà. Sâu bệnh tấn công, quá trình đô thị hóa cộng thêm một số nguyên nhân khác khiến nhiều "cụ cây" từ trần. Trong mấy năm qua Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức gắn biển "Cây di sản Việt Nam" cho nhiều "cụ cây", nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ mầu xanh, vẻ đẹp cho các xóm làng và gìn giữ nguồn gen quý hiếm. Cũng phải khẳng định, nhiều vùng quê rất ý thức bảo vệ cổ thụ từ trăm năm qua, ngay từ khi những cây trong vùng mà họ sinh sống chưa được vinh danh.

Bà con xã Thái Thịnh (huyện Thái Thụy, Thái Bình) luôn vui sướng vì ngày nào đi qua đường chính cũng được "cúi đầu kính cẩn" trước cây gạo hình con rồng. Xóm Trại (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) có cây gạo khổng lồ, rễ tỏa rộng ăn xuống đất, trong đó có 13 rễ chính, rễ nào cũng vài người ôm. Làng Dương Phạm (huyện Ý Yên, Nam Ðịnh) có "cụ" dã hương tuổi đời gần 600 năm, là cây to thứ hai ở nước ta. Hơn chục năm qua, người dân nơi đây đã vất vả chiến đấu với mối, mọt để bảo vệ mạng sống cho "cụ". Ðịa phương còn mời Trung tâm Nghiên cứu diệt trừ mối về bơm nước hòa thuốc vào trong thân cây, phun thuốc diệt vi sinh vật gây hại cho thân và lá. Ðến giờ, cây đã xanh tốt, tràn trề sức sống.

Cây dã hương lớn nhất nước hiện đang "ngự" ở thôn Giữa (xã Tiên Lục, Lạng Giang, Bắc Giang). Ngọc phả của thôn ghi lại rằng: "Cây dã hương được vua Cảnh Hưng sắc phong là: "Quốc Chúa đô mộc Dã Ðại vương...". Trải qua thời gian mưa nắng, vài lần cây bị gãy cành lớn, toàn bộ phần thân to của cây đã rỗng hết, có thể chứa tám người chui vào. Một độ mối xông thân, cành, người dân lo lắng nguy cơ đại thụ bị chết, họ đã mời nhiều chuyên gia về điều trị, diệt mối và bảo vệ "Dã Ðại vương" an toàn. Nay, cả bốn mùa cây tốt tươi, gốc to đến nỗi chục người nối sải tay mới ôm xuể và lúc nào cũng tỏa mùi thơm của tinh dầu đặc trưng. Người dân của thôn Giữa vẫn quen gọi cây dã hương với cái tên thân mật là gốc dã. Từ lâu, đây là địa chỉ gắn bó với nhiều sinh hoạt văn hóa của các già làng, thanh niên nam nữ, con trẻ và cũng là nơi hóng mát của bà con sau mỗi buổi đi làm mệt nhọc.

Tỉnh Bắc Giang cũng còn không ít cổ thụ tiêu biểu như cây gạo tại xã Tân Thịnh (huyện Lạng Giang), gốc to, vỏ sùi, thế đứng độc đáo; cây si ở xã Nội Hoàng (huyện Yên Dũng) tỏa bóng mát cả một vùng rộng lớn, thân cây to với những bộ rễ tua tủa đâm sâu xuống đất; cây sanh ở đền Trần (xã Bố Hạ, Yên Thế) nằm ven dòng sông Thương; rừng lim ở chùa Hả (xã Tân Trung, Tân Yên) là nơi ghi dấu sự kiện nghĩa quân Ðề Thám làm lễ tế cờ chống thực dân Pháp... Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đang tiến hành điều tra, nghiên cứu nhằm bảo tồn giá trị cổ thụ và đại thụ trên địa bàn.

Mới đây, một số cổ thụ ở các tỉnh, thành trong cả nước đã được công nhận "Cây di sản Việt Nam", tiêu biểu như cây gạo làng Hổ Ðàm (Thiệu Lý, Thiệu Hóa, Thanh Hóa), cây trôi tại xã Nguyệt Ðức (Thuận Thành, Bắc Ninh), cây lim ở Ðền Cao (Chí Linh, Hải Dương), cây chò ở Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), cây sa mu ở vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An), cây thị tại phường Thủy Xuân (TP Huế)... Thậm chí ở một trường tiểu học tại huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) có tới bốn Cây di sản.

Theo thời gian, sẽ nhiều cổ thụ tiếp tục được vinh danh, được gìn giữ, bảo vệ như những báu vật quốc gia và tiếp tục là chứng nhân văn hóa, lịch sử, là biểu tượng của sức sống trường tồn, bền vững. Nhiều cổ thụ đã sinh sống trong vườn nhà những lão nông nghèo, dù đời sống kinh tế khó khăn, nhiều "đại gia" trả giá rất cao để được quyền "bốc" cây mang đi nơi khác, nhưng họ đều nhận được cái lắc đầu. Tấm lòng của những người nông dân mộc mạc ấy thật đáng trân trọng.

* Cổ thụ không chỉ là di sản mà hơn thế còn là thực thể sống sinh động, có linh hồn và cuộc đời, góp phần làm đẹp cho con người. Và như thế mỗi cổ thụ đều chắt chiu những nét văn hóa ngàn đời, cũng sẽ bảo lưu những giá trị ấy để kết tinh thành bản sắc Việt Nam trước dòng chảy thời gian mà không phải bất cứ ai cũng hiểu rõ ngọn nguồn.

VŨ DUY

(Nhân Dân)

Lượt xem : 2510