Theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, cây di sản gắn với các giá trị văn hóa, lịch sử xã hội, lịch sử tự nhiên của một vùng đất. Việc vinh danh cây di sản không chỉ góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường mà còn gìn giữ, phát huy những giá trị quý báu ấy.
Cây đa Đền Mẫu Âu Cơ, Phú Thọ đang lập hồ sơ đề nghị công nhận cây di sản |
- Phong trào vinh danh cây di sản được VACNE khởi xướng từ năm 2010, đến nay chúng ta đã công nhận được bao nhiêu cây di sản, thưa ông?
- Từ cụm chín cây muỗm được vinh danh là cây di sản Việt Nam đầu tiên ở đền Voi Phục, Hà Nội ngày 5.10.2010, nhân kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đến cây sung gần 400 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Đối, ở thôn Tâm Hòa, xã Xuân Áng, Hạ Hòa, Phú Thọ, được công nhận ngày 20.4.2012, đến nay VACNE đã vinh danh 155 cây di sản, trên tổng số hơn 500 bộ hồ sơ của các tổ chức, cá nhân, ở 28 tỉnh, thành trên phạm vi cả nước gửi về.
- Tiêu chí nào để VACNE công nhận một cây là cây di sản?
- Để xác định một cây là cây di sản chúng tôi thành lập Hội đồng Cây di sản Việt Nam để xét duyệt với những tiêu chí cụ thể về tên khoa học của cây (bởi mỗi địa phương lại có những cách gọi khác nhau), xác định tuổi cây, chu vi, đường kính, chiều cao, các giá trị của cây về giáo dục, lịch sử và xã hội; các điều kiện bảo vệ, đặc biệt là điều kiện bảo vệ sau khi cây đã được công nhận là cây di sản. Khả năng bảo vệ như thế nào, cộng đồng bảo vệ và kỹ thuật chăm sóc bởi có một số cây già cỗi, sâu bệnh cần có những chế độ chăm sóc đặc biệt. Ví như cây sung 400 năm tuổi ở Phú Thọ vừa được công nhận là cây di sản đã vượt qua tiêu chí tuổi cây đến 200 năm. Cây có chu vi 5,6m, đường kính 1,65m, chiều cao 12m, chia đôi thân với hai thế là thân trực và thân huyền. Đặc biệt, bộ rễ mang hình rồng với đủ đầu, đuôi, mắt, móng ở thế Long quấn thủy. Suốt 400 năm qua, cây sung cổ thụ ấy đã trở thành chứng nhân cho bao đổi thay kỳ diệu trên mảnh đất nơi Mẫu Âu Cơ từng dạy dân nghề canh cửi. Việc vinh danh cây sung là cây di sản không chỉ giới thiệu sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam với thế giới, mà còn quảng bá du lịch, giới thiệu truyền thống lịch sử của Hạ Hòa nói riêng và vùng đất Tổ nói chung.
Cây sung 400 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Đối ở Hạ Hòa, Phú Thọ vừa được vinh danh cây di sản |
- Sau khi vinh danh, các cây di sản sẽ được bảo vệ như thế nào, thưa ông?
- Cây di sản sẽ được bảo vệ, chăm sóc với khả năng cao nhất có thể. Cây đó sẽ không bị chặt hạ, bán, được cắm bia ghi danh, có chuyên gia chăm sóc... Như đã nói, đây là công việc làm mang tính cộng đồng, vì vậy phải có sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn, gìn giữ cây. Phần lớn hồ sơ gửi đến cho chúng tôi là do cộng đồng, người dân tự đăng ký. Họ tự đứng ra bảo vệ, chăm sóc cây và đó là điều cần thiết trong xã hội ta hiện nay. Mỗi người dân có ý thức như thế là một điều rất đáng mừng, đáng trân trọng. Theo tôi, cây di sản là nhân chứng sinh thái và nhân chứng lịch sử của một vùng đất, không những mang giá trị văn hóa, tâm linh, giáo dục ý thức của nhân dân, cộng đồng mà còn mang lại giá trị kinh tế và chủ nhân của cây đó sẽ được hưởng một phần phí du lịch khi du khách đến chiêm ngưỡng.
- Với số lượng hồ sơ gửi về ngày càng nhiều, trong khi VACNE còn nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, kinh phí hoạt động, vấn đề này được giải quyết ra sao?
- Thường khi có hồ sơ đăng ký để được xét là cây di sản chúng tôi không họp ngay mà chỉ khi thấy hồ sơ đủ điều kiện chúng tôi mới họp hội đồng xét duyệt. Chúng tôi không nề hà vấn đề thời gian, bởi như vậy là phụ tấm lòng của người dân với di sản. Khi hồ sơ có đủ điều kiện xét duyệt là chúng tôi làm ngay, có tháng hội đồng xét duyệt họp đến 2 - 3 lần. Cây nào đạt tiêu chuẩn hay không, chúng tôi đều có phản hồi, thông báo rõ lý do. Cây nào cần thẩm tra thì chúng tôi tổ chức đến tận nơi thẩm tra. Chúng tôi luôn cố gắng đến tận nơi, với các phương tiện kỹ thuật cần thiết để xác định thật chính xác. Nơi nào quá xa xôi không đến được chúng tôi phối hợp với các cơ sở ở địa phương đó để họ giúp bảo vệ và gửi mẫu lá, hoa... để chúng tôi phân tích, đánh giá.
- Xin cám ơn ông!