Báo chí đã vào cuộc và trở thành phương tiện hữu hiệu trong công tác bảo vệ, phát hiện, lên tiếng vạch trần các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Câu lạc bộ có trên 250 hội viên là nhà báo chuyên nghiệp, cộng tác viên
báo chí chuyên viết về ngành tài nguyên môi trường. Câu lạc bộ vừa là nơi trao đổi nâng cao nghiệp vụ báo chí và hiểu biết khi viết về hoạt động, những vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước của ngành tài nguyên môi trường; đồng thời là nơi các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong cả nước có thể tham gia vào diễn đàn của Câu lạc bộ, nhằm tìm hiểu hoạt động quản lý nhà nước của ngành tài nguyên và môi trường.
Có thể nói vấn đề
môi trường ngày nay được toàn xã hội quan tâm, một phần là nhờ các loại hình báo chí ngày càng đa dạng như báo in, báo phát thanh, truyền hình, báo điện tử, các diễn đàn, mạng xã hội…cập nhật liên tục các sự kiện môi trường hằng ngày đến đông đảo quần chúng nhân dân.
Trong công tác bảo vệ môi trường, truyền thông là một trong những phương tiện hữu hiệu không chỉ đã vạch trần các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường mà còn nêu bật những gương người tốt, việc tốt đã đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ môi trường chung, qua đó dần hình thành những nhóm người có cùng ý tưởng chung tay bảo vệ môi trường.
Từ nhiều năm nay, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức đa dạng, hướng tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Các nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tập trung vào phổ biến pháp luật về
bảo vệ môi trường; các vấn đề môi trường nổi cộm, bức xúc, các “điểm nóng” về môi trường nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường; công khai thông tin về cơ sở gây ô nhiễm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường để tạo áp lực xã hội, sức ép dư luận buộc các cơ sở này phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục và xử lý môi trường.
Qua đó đã nâng nhận thức về bảo vệ môi trường trong các cấp, các ngành và nhân dân ngày càng được nâng lên, mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường từng bước được hạn chế; công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã đạt được những tiến bộ rõ rệt.
Những thông tin phản ảnh về các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo nên sức ép của dư luận đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; tạo định hướng và tư duy mới trong xã hội về về công tác bảo vệ môi trường. Từ đó, các doanh nghiệp đã dần ý thức được trách nhiệm của mình về việc thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của báo chí, truyền thông với công tác bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 41/NQ-TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường là giải pháp hàng đầu. Trong đó, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và các thông tin về môi trường cho cộng đồng; đồng thời lên án nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường… tăng cường
giáo dục đạo đức môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.