Sau 2 năm được lựa chọn thí điểm, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa thể hoàn thiện đề án kinh doanh tín chỉ carbon rừng, dù tỉnh này đã có nhiều nỗ lực nhưng do chưa có kinh nghiệm và chưa bảo đảm nguồn lực về kỹ thuật, tài chính nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Thay đổi nhà đầu tư tiềm năng
Quảng Nam là một trong số các địa phương có tỉ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước (năm 2020, diện tích đất có rừng 683.034 ha, với độ che phủ rừng là 59,33%). Với mục tiêu tạo nguồn tài chính bền vững để thực hiện bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, phát triển rừng theo hướng bền vững, năm 2018, UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng và phê duyệt Kế hoạch thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng (gọi tắt là REDD+) tại tỉnh Quảng Nam. Trên cơ sở hồ sơ REDD+ cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ, UBND tỉnh đã lập báo cáo đánh giá khả thi về cơ hội đầu tư vào carbon từ REDD+ và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Tháng 5-2021, sau khi Thủ tướng thống nhất chủ trương lập đề án thí điểm, UBND tỉnh Quảng Nam tiến hành đánh giá, phân tích 5 nhà đầu tư tiềm năng và lựa chọn, ký kết thỏa thuận đàm phán thực hiện độc quyền trong thời gian 6 tháng với Công ty BP đến từ Vương quốc Anh. Trong quá trình đàm phán độc quyền, Công ty BP đã ký hợp đồng với Tổ chức Động thực vật thế giới (FFI) từ ngân sách của BP để thực hiện rà soát, đánh giá hồ sơ dự án tín chỉ carbon rừng từ REDD+ tỉnh Quảng Nam và xây dựng kế hoạch thực hiện dự án.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu nội dung đề án kinh doanh tín chỉ carbon của tỉnh Quảng Nam, Công ty BP đã chia sẻ lại kết quả rà soát, thẩm định dự án của tỉnh cho thấy các tồn tại về kỹ thuật liên quan đến "Đường phát thải tham chiếu rừng", "hồ sơ mô tả dự án". Qua thời gian làm việc, trao đổi với Công ty BP, tỉnh Quảng Nam nhận thấy việc hợp tác với Công ty BP vẫn còn nhiều thách thức như biến động về đơn giá tín chỉ trong tương lai sẽ tác động lên doanh thu của tỉnh Quảng Nam (Công ty BP bảo đảm mua 50% với mức giá 5 USD, 50% còn lại theo giá thị trường); chưa có kế hoạch, lộ trình, quy định hoàn trả và mức dự kiến kinh phí đầu tư ban đầu nên tỉnh Quảng Nam không biết rõ tổng nguồn kinh phí đầu tư và hoàn trả sau khi phát hành tín chỉ; việc hợp tác với Công ty BP sẽ được triển khai nếu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án; tuy nhiên để có cơ sở phê duyệt đề án thì cần phải hoàn thiện hồ sơ dự án. Ngoài ra, theo Công ty BP, việc tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế có khả năng dẫn đến phát sinh thêm thời gian và nguồn lực, có khả năng làm chậm trễ hơn nữa việc bắt đầu dự án.
Chính vì vậy, tỉnh Quảng Nam đã làm việc với một đối tác khác có quan tâm là Công ty Terra Global. Qua đó, nhận thấy việc hợp tác với Terra Global để rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án sẽ mang đến nhiều cơ hội và khắc phục được những thách thức khi đàm phán với Công ty BP. Từ phân tích điểm mạnh, yếu, cơ hội, thách thức của 2 nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chọn Công ty Terra Global để hợp tác và có văn bản đề nghị Thủ tướng thống nhất việc này.
Với tỉ lệ che phủ rừng lớn, Quảng Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để thực hiện đề án bán tín chỉ carbon rừng
Thời gian qua, cùng với việc lựa chọn nhà đầu tư tiềm năng, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã hoàn chỉnh hồ sơ REDD+ tại tỉnh Quảng Nam trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt. Theo nội dung đề án, đến năm 2026 sẽ tạo ra được 6,1 triệu tín chỉ carbon rừng được xác minh và phát hành cho giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2025 (sau khi trừ đi số lượng tín chỉ dự phòng theo quy định). Trong đó, giai đoạn 2018-2020, 1,5 triệu tín chỉ; giai đoạn 2021-2023, 2,5 triệu tín chỉ; giai đoạn 2024-2025, 2,1 triệu tín chỉ. Với giá bán ít nhất 5 USD/tín chỉ, khi đề án được thực hiện sẽ mang lại cho tỉnh Quảng Nam nguồn thu từ 110 đến 130 tỉ đồng/năm
Ông Hà Phước Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho biết lĩnh vực tín chỉ carbon quá mới, hồ sơ trình thẩm định phải qua tổ chức quốc tế trong khi Quảng Nam là địa phương thí điểm đầu tiên, chưa có kinh nghiệm và chưa bảo đảm nguồn lực về kỹ thuật và tài chính nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, quy định luật pháp Việt Nam chưa cụ thể và chưa định hướng rõ ràng trong cách tiếp cận về lĩnh vực này nên khó triển khai thực hiện.
Theo ông Phú, các đối tác tiềm năng cam kết hỗ trợ tỉnh xây dựng dự án bảo đảm theo các tiêu chuẩn mới nhất nhằm bán được tín chỉ carbon với giá cao nhất, trường hợp không phát hành và bán được tín chỉ thì các đối tác cam kết rằng tỉnh Quảng Nam sẽ không phải hoàn trả kinh phí đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, để có cơ sở hoàn trả vốn đầu tư ban đầu của các nhà đầu tư, phải được Thủ tướng thống nhất chủ trương mới triển khai được. Ngoài ra, đến thời điểm này, đề án REDD+ tại tỉnh Quảng Nam trình Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được phê duyệt.
Bên cạnh đó, do chưa có quy định về hạn mức đóng góp của từng địa phương nên khi phát hành tín chỉ sẽ không thể xác định lượng tín chỉ có thể bán được là bao nhiêu. Một lý do khác là quyền sở hữu carbon rừng theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP xác định rõ quyền tín chỉ là của địa phương. Dù vậy, đến thời điểm này, nghị định vẫn chưa được ban hành.
Ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết dù quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Quảng Nam đang rất quyết tâm phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ nhằm sớm bán được tín chỉ carbon ra thế giới. "Đề án được triển khai không chỉ thu lại lợi ích kinh tế mà còn giúp Quảng Nam giữ được diện tích rừng tự nhiên, tạo thu nhập, công ăn việc làm cho người dân" - ông Út phân tích.
Nguồn lợi lớn từ rừng
Từ năm 2007, thế giới hình thành thị trường tín chỉ carbon rừng theo cơ chế được xác lập trong khuôn khổ Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Các nước phát triển có hạn ngạch phát thải khí nhà kính thấp, đang phát thải vượt quá hạn ngạch cho phép sẽ tìm mua tín chỉ/giấy phép carbon rừng từ kết quả hoạt động REDD+ tại các nước đang phát triển chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 tương đương.
Các nhà chuyên môn ước tính với 4,26 triệu ha rừng ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ nếu được ký kết thỏa thuận mua bán tín chỉ carbon giai đoạn 2022-2026 (ước tính khoảng 5,15 triệu tấn CO2 với giá tối thiểu 10 USD/tấn), thì các chủ rừng ở Việt Nam có thêm nguồn thu hơn 1.180 tỉ đồng. Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết từ tháng 10-2020, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sẽ chuyển cho WB 10,3 triệu tấn CO2, với giá 5 USD/tấn và 95% lượng này sẽ được tính đóng góp NDC. Đến nay, các thủ tục về pháp lý, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng và Ngân hàng Thế giới đã chuyển cho Việt Nam 80% tổng kinh phí tương đương 41,2 triệu USD.
Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG