Bàn giải pháp tăng cường liên kết bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững
10/12/2016 4:55:00 PM
VACNE: Ngày 12/10/ 2016, tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và một số đại biểu đại điện đến từ địa phương Phú Thọ, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh,...đã tham gia Hội thảo “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp chiến lược nhằm tăng cường liên kết bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững”
Đây là Hội thảo thường niên về chủ đề này do Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường (VACNE) tổ chức, thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và một số đại biểu đại diện đến từ Phú Thọ, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh,...
Dưới những góc nhìn khác nhau của các chuyên gia môi trường, cán bộ quản lý, những người tham gia xây dựng các chủ trương chính sách, các đề án liên quan tới lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, các đại biểu cho rằng: đây không chỉ là vấn đề bức xúc, mà còn là vấn đề sống còn của xã hội. Vì thế, phải tăng cường liên kết giữa các cơ quan quản lý, hoàn chỉnh thể chế luật pháp, nhằm huy động tối đa sức mạnh của cộng đồng và toàn xã hội bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững.
Đoàn Chủ tịch
Điển hình là GS.TSKH Mai Đình Yên và GS.TS Lê Văn Khoa (ĐHQG Hà Nội) đã phát biểu và cho rằng: tới nay đã có quá nhiều giải pháp được đưa ra và hầu như ai cũng hiểu về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng nếu không được sự ủng hộ và tham gia của cộng đồng thì sẽ thất bại. Điều cốt lõi là phải có chính sách khuyến khích cộng đồng (cộng đồng dân cư, cơ quan quản lý, các đoàn thể…) cùng vào cuộc. Muốn liên kết chặt chẽ để bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phải gắn chặt mục tiêu này với quyền lợi của người dân, của địa phương, cơ quan quản lý, kể cả của các nhà khoa học…GS.NGND Ngô Đình Tuấn (Đại học Thủy Lợi) và GSTSKH Đặng Huy Huỳnh (Hội BVĐV hoang dã), GSTS Lê Thạc Cán cũng cho rằng: Đi đôi với việc nâng cao dân trí, cần quan tâm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, đặc biệt phải có cơ chế đủ mạnh để buộc mọi người phải chấp hành luật pháp. Song trước mắt phải nhanh chóng chỉnh sửa những điều bất cập trong Luật Đa dạng sinh học.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, điều phối viên Chương trình các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu phát biểu, ghi nhận những đóng góp tích cực vô tư của các nhà khoa học, của Hội BVTN&MT Việt Nam trong những năm qua về công tác bảo vệ môi trường, trong đó có hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học.
Tại Hội thảo này, các đại biểu còn được nghe hàng loạt báo cáo của TS. Hoàng Thanh Nhàn, Phó cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học, TSKH Trần Công Khánh (Đại học Dược Hà Nội), ThS Ngô Thị Lan Phương, Giám đốc Trung tâm SCODE, KS Vũ Văn Dũng, Viện Khoa học Lâm Nghiệp và ý kiến phát biểu của GSTSKH Phạm Ngọc Đăng (DDH Xây Dựng) , PGSTS Lê Trần Chấn, TS. Trịnh Thị Kim Tuyến (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) PGS.TS Nguyễn Danh Sơn (Viện Hàn lâm KHXH)…về nhiều vấn đề liên kết sức mạnh cộng đồng, xây dựng mô hình Bảo tồn đa dạng sinh học…
Các đại biểu tham dự Hội thảo
TS Nguyễn Ngọc Sinh, phát biểu tổng kết và thay mặt các đại biểu dự Hội thảo đã nêu ra những kiến nghị trước mắt liên quan đến lĩnh vực này như Hoàn thành thủ tục thành lập Diễn đàn Bảo tồn ĐDSH; Nghiên cứu phát động mạng lưới Mỗi buôn làng 1 sản phẩm; Xác lập cơ sở dữ liệu phục vụ chung về Bảo tồn ĐDSH; Phối hợp xây dựng chương trình truyền thông nâng cao nhận thức và hướng dẫn cộng đồng Bảo tồn ĐDSH; Đề xuất các giải pháp đảm bảo công bằng, cân đối cung và cầu trong lĩnh vực Bảo tồn ĐDSH …./.
Văn phòng VACNE
Lượt xem : 1995