(VACNE)- Năm 2012 VACNE tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm sự kiện bảo tồn cây di sản Việt Nam. Xin đăng lại bài viết trên Website Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam ngày 12/10/2012.
Nguồn: http://vacne.org.vn/vacne-tong-ket-3-nam-su-kien-bao-ton-cay-di-san-viet-nam/29807.html
VACNE tổng kết 3 năm sự kiện bảo tồn cây di sản Việt Nam
(VACNE)- Ngày 12/10 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với UBND Quận Tây Hồ, Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm sự kiện bảo tồn cây di sản Việt Nam với sự tham gia của khoảng gần 200 đại biểu đến từ các tỉnh thành trong cả nước.
Tham dự hội nghị có bà Lê Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND Quận Tây Hồ; TS Dương Thanh An, đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên&Môi trường); TS. Hồ Uy Liêm, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Việt Nam, GS.TSKH Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Hà Nội; TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam; GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam; TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Việt Nam; ông Vũ Hoài Phương, Trưởng phòng Văn hóa&Thông tin Quận Tây Hồ; và đại diện các hội bảo vệ thiên nhiên&môi trường các tỉnh thành.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh chia sẻ cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam ở đâu cũng là “máu”, là thịt, là món quà thiên nhiên ban tặng, là sự chăm chút, nâng niu của các thế hệ cha ông. Gìn giữ vẻ đẹp của chúng là thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, là sự tri ân với tổ tiên và cũng chính là bảo vệ sự sống của chính chúng ta.
Sự kiện cây di sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên&Môi trường, Tổng cục Môi trường luôn luôn đồng hành. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường Trần Hồng Hà đã lên Cao Bằng tham dự lễ vinh danh chức cây nghiến ở Pắc Bó.
Theo bà Lê Thị Thảo, việc vinh danh cây di sản Việt Nam của Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam là một trong những hoạt động có ý nghĩa. Trong một thời gian rất ngắn đã tạo được sự quan tâm và hưởng ứng của nhiều cấp, nhiều ngành, có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, trở thành một nét sinh hoạt văn hóa mới trong các cộng đồng dân cư về ý thức bảo vệ môi trường và thiên nhiên.
Bà Huỳnh Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học, phát biểu thông qua sự kiện bảo tồn cây di sản Việt Nam đã bảo tồn nguồn gene quý hiếm, nâng cao nhận thức của nhân dân, xây dựng các hành vi ứng xử với môi trường; tăng cường bảo vệ cây giữa các cộng đồng với nhau, các tổ chức quốc tế.
Sau khi được gắn biển công nhận cây di sản Việt Nam, các địa phương đã quan tâm chăm sóc chu đáo, bảo dưỡng tốt, cụ thể như việc làm cỏ, vệ sinh hoa trái, phun thuốc chống mối, kiến đục thân cây, bón phân, tưới nước, cắt bỏ cành khô, hư… đã góp phần làm cho cây càng thêm xanh tốt, rợp bóng mát, thêm tuổi đời…
Đại diện thôn Nhuận Trạch, xã Vạn Thắng: Sự kiện bảo tồn cây di sản Việt Nam được Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam phát động trên toàn quốc là một sự kiện hết sức thiết thực. Việc công nhận cây di sản Việt Nam mà Hội xét duyệt và tổ chức là một minh chứng vừa mang tính xã hội, tính nhân văn sâu sắc. Nó quan hệ mật thiết giữa con người ở các thế hệ đối với thiên nhiên môi trường. Sự phát triển có quan hệ mật thiết trong việc bảo tồn gen của các giống quý hiếm. Các địa phương trên toàn quốc nói chung trong đó địa phương chúng tôi nói riêng rất vinh dự và tự hào được Hội công nhận cây thị nghìn tuổi.
Cây di sản Việt Nam, cây thị nghìn tuổi của địa phương chúng tôi được Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam tổ chức là một sự kiện quan trọng, đánh dấu giá trị lịch sử và văn hóa đối với địa phương, khơi dậy lòng tự hào giá trị bản sắc văn hóa của vùng quê xứ Đoài. Lễ tổ chức công nhận tuy gọn nhẹ, song đầy đủ nội dung đáng trân trọng, các giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học, các phương tiện thông tin truyền hình có mặt trong buổi lễ công nhận đã làm trang trọng, động viên địa phương gìn giữ cây di sản quý mà địa phương có được.
Sự kiện vinh danh cây di sản có ý nghĩa thiết thực trong đời sống cộng đồng, bởi nó không ngoài mục tiêu bảo vệ đa dạng hệ thực vật Việt Nam mà còn rất cần thiết với nhu cầu văn hóa, tinh thần của cộng đồng, nhất là đối với việc chăm sóc bảo vệ những cây cổ thụ gắn liền với di tích lịch sử văn hóa của địa phương. Do vậy hoạt động vinh danh cây di sản nhanh chóng được sự hưởng ứng sôi nổi của nhân dân, sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành chức năng địa phương. Đây cũng chính là cách hữu hiệu để ngăn chặn sự suy giảm chất lượng môi trường của trái đất, tránh cho nhân loại một thảm họa môi trường có thể xảy ra trên phạm vi toàn cầu như nhiều dự báo đã đề cập.
Có thể khẳng định sự kiện Bảo tồn Cây Di sản do Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) khởi xướng và phát động có sức lan tỏa nhanh và được cộng đồng hưởng ứng mạnh mẽ là nhờ có sự tiếp sức kịp thời của các cơ quan thông tấn báo chí.
Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản do Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam khởi xướng và phát động đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, được các cấp, các ngành và các đoàn thể hưởng ứng, được các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quốc hội quan tâm là nhờ có sự tiếp sức kịp thời của các cơ quan truyền thông. Hơn thế nữa, những phản ánh của các nhà báo dưới nhiều góc độ khác nhau cũng góp phần rất tích cực trong việc hướng dẫn dư luận xã hội, góp phần nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường; làm động lực phát triển kinh tế -xã hội theo hướng bền vững.
“Do đó lễ vinh danh cây di sản Việt Nam cần được tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng để mọi người cùng có ý thức chăm sóc, bảo vệ những di sản quý báu này để các thế hệ mai sau được chiêm ngưỡng những điều kỳ thú mà tạo hóa đã hoài thai qua mỗi nhành cây, qua từng chiếc lá”, TS Huỳnh chia sẻ.
Cũng tại hội nghị tổng kết 3 năm, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam trưng bày 12 ảnh về Cây Di sản Việt Nam và cây cổ thụ Việt Nam trong đó có câu sấu 300 năm tuổi ở bản Nà Sác, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng; Cây thị 900 năm tuổi ở thôn Nhuận Trạch, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội; Hàng cây bàng Côn Đảo, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Cây đa 13 gốc 300 năm tuổi ở xóm Trai, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng; Cây đa tía ở thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội; Cây lộc vừng cổ thụ bên hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, v.v…Đại diện ban tổ chức cho biết hôm nay do chưa có điều kiện trưng bày đầy đủ các cây di sản đã được vinh danh. Hy vọng trong dịp khác sẽ trưng bày đầy đủ hình ảnh các cây di sản ở một sự kiện khác.
Tại hội nghị tổng kết, TS Nguyễn Ngọc Sinh cho biết ấn phẩm cây di sản Việt Nam do Nhà Xuất bản Tri thức sẽ phát hành vào cuối năm nay. Đây cũng là hình thức bảo vệ cây di sản Việt Nam.
TS Phạm Văn Tân phát biểu Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Việt Nam rất chú ý tới sự kiện cây di sản Việt Nam đang được triển khai, được cộng đồng hưởng ứng và dư luận quan tâm. “Chúng tôi mong các cơ quan của nhà nước và chính quyền các cấp tích cực phối hợp, hỗ trợ Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam và cộng đồng phát triển sự kiện trong thời gian tới”
Mạnh Cường