Bài số 5: Vinh danh Cây Di sản Việt Nam - Sự kiện mang tính khoa học và nhân văn sâu sắc
3/16/2017 4:27:00 PM
(VACNE) - Văn phòng VACNE vừa nhận được bài viết của TS. Bùi Phúc Khánh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ về việc vinh danh Cây Di sản Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
VINH DANH CÂY DI SẢN VIỆT NAM - SỰ KIỆN
MANG TÍNH KHOA HỌC VÀ NHÂN VĂN SÂU SẮC
TS. Bùi Phúc Khánh
Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ
Tính đến ngày 31/12/2015 tỉnh Phú Thọ đã có 39 cây (trong đó có 2 cụm cây) của 9 huyện, thành, thị được vinh danh và công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Chúng ta cũng rất tự hào vì hầu hết các cây di sản của Phú Thọ đều có tuổi thọ từ vài ba trăm năm trở lên, đặc biệt là có cây Táu bạc với tuổi thọ ước khoảng trên 2.000 năm, được các nhà khoa học đánh giá là một trong những cây cao tuổi nhất ở Việt Nam được phát hiện tới nay.
Cây Táu cổ tại Đền thờ Thiên Cổ Miếu, xã Trưng Vương,
thành phố Việt Trì có tuổi đời trên 2.000 năm tuổi
Cây xanh là một trong những thành phần hết sức quan trọng của môi trường tự nhiên, sự biến đổi của hệ thực vật có thể làm thay đổi căn bản chất lượng của môi trường sống xung quanh chúng ta. Trải qua những biến cố của thiên nhiên, tác động của thời gian, biến đổi khí hậu, sự tiến hóa của các loài và đặc biệt là sự tác động của con người… Hệ thực vật, trong đó có cây xanh xung quanh ta đã có những biến đổi rất nhiều so với hàng ngàn năm về trước cả về số lượng, chủng loại cũng như các kiểu hình. Xu hướng chung là ngày càng mất đi tính đa dạng, một số loài đã bị tuyệt chủng, một số đang có nguy cơ biến mất hoặc chỉ còn một vài cá thể đơn lẻ.
Tình trạng suy thoái đa dạng sinh học, làm mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên đang diễn ra phổ biến ở khắp mọi nơi trên trái đất. Tuy nhiên, khác với các sinh vật khác thực vật cây xanh có khả năng tồn tại với tuổi thọ rất cao, có loài sống tới hàng trăm năm, thậm chí vài ngàn năm. Theo tạp chí “Người bảo vệ”, cây Ma Thu Salem trên sa mạc ở bang California (Mỹ) được xác định là cây có tuổi thọ cao nhất thế giới, với 4771 năm tuổi (thân cây đếm được 4950 vòng tuổi). Nhưng kỷ lục này tới năm 2004 đã bị phá vỡ để xác lập một lỷ lục mới, tại vùng núi Fulufiallet của Thụy Điển đã phát hiện cây Vân Sam thuộc họ lá Kim chỉ cao 5 m, nhưng bằng phương pháp phân tích sử dụng nguyên tố C14, các nhà khoa học đã xác định được tuổi thọ của cây tới: 9.500 năm!
Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam trao bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam
cho cây đa cổ thụ tại xã Đồng Lương huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ
Tại Việt Nam có cây Dã Hương ở Lục Ngạn - Bắc Giang, Cây Trò ở Vườn Quốc gia Cúc Phương - Ninh Bình cũng vào nhóm cây ngàn tuổi. Đặc biệt tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ năm 2011 chúng ta đã phát hiện được cây Táu cổ, theo thần phả ghi lại cây cũng đã có trên 2.000 năm tuổi (Các nhà khoa học Việt Nam đánh giá, đây là một trong những cây có tuổi đời cao nhất hiện nay). Đứng trước cây chúng ta tự hỏi: Biết bao mùa xuân của đất trời đã kết lắng trong cây? Biết bao biến cố của thời gian, những thăng trầm của lịch sử đất nước đã diễn ra dưới tán cây? Đó thực sự là các chứng nhân của lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của một địa phương, một vùng đất, của nhiều thế hệ con người. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi nơi cây mọc lại được gắn với các giá trị văn hóa tâm linh, hoặc sự kiện lịch sử nổi bật. Lúc này cây xanh thực sự trở thành biểu tượng được trân trọng, tôn vinh, giữ gìn và bảo vệ của cả cộng đồng: Đó chính là di sản để lại cho các thế hệ mai sau!
Như vậy giá trị của cây xanh không chỉ là vật chất đơn thuần, mà còn cao hơn thế, nhân văn hơn thế là giá trị tâm hồn, tình cảm thiêng liêng của con người dành cho một sinh vật đặc biệt này. Có lẽ ít có nơi nào trên thế giới có đặc điểm như ở Việt Nam ta, đó là mỗi làng quê hình như đều có gắn với một bóng cây cổ thụ nào đó, mỗi người dân đều có ít nhiều kỷ niệm của cuộc đời từ nơi sinh ra. Câu ca dao xưa vẫn dìu dặt bên ta:
“Cây đa bến nước sân đình
Xa quê càng thấy quê mình đẹp hơn”
Tuy nhiên theo khảo sát ban đầu của chúng tôi, đa số các cây đại thụ hiện nay, “sức khỏe” các “cụ” đều có vấn đề, cần phải có quy chế bảo vệ và chăm sóc đặc biệt. Điều gì sẽ xảy ra khi một mai những báu vật này không còn nữa? Quá khứ là điểm tựa của hiện tại, tương lai, đánh mất quá khứ là đánh mất tất cả!
Trong thiên nhiên những trường hợp này hiện nay được phát hiện còn chưa nhiều, việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân để bảo vệ, chăm sóc những tài sản vô giá đó phục vụ cho giáo dục truyền thống của địa phương, cho tham quan, du lịch nhằm phát triển kinh tế - xã hội, cũng chính là gián tiếp bảo vệ môi trường bền vững còn hạn chế.
Chính vì vậy, Chương trình vinh danh cây di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động đã có ý nghĩa khoa học và nhân văn sâu sắc, được rất nhiều địa phương trong cả nước hưởng ứng, trong đó có tỉnh Phú Thọ là một thành viên tích cực.
Tại hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình giai đoạn 2010 - 2015 diễn ra ngày 19/4/2015 tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu, có nhiều phương pháp tổ chức triển khai sáng tạo, gây được sự chú ý của cộng đồng dân cư địa phương cũng như lãnh đạo các cấp ủng hộ và tạo điều kiện cho Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh tác nghiệp từ khâu khảo sát, đo đếm, lập hồ sơ trình Hội đồng: Cây di sản Việt Nam công nhận. Điều đặc biệt có ý nghĩa là buổi lễ công nhận và trao bằng: Cây di sản Việt Nam (Vietnam Heritage Tree) thực sự trở thành ngày hội của cả cộng đồng dân cư địa phương về bảo vệ môi trường sống, bảo vệ cây xanh. Ở những địa phương có cây xanh được tôn vinh, niềm tự hào với quê hương được nâng cao, khơi dậy, tự hào với quá khứ và càng tự hào về tương lai của quê nhà. Và theo lẽ tự nhiên, rất nhiều địa điểm nơi cây xanh được vinh danh đã trở thành nơi vui chơi, sinh hoạt của cộng đồng, trở thành địa điểm tham quan, du lịch nghiên cứu: như 2 cây Táu ở đền Thiên cổ miếu, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì; cây Đa ở đền thờ Bát Nàn đại vương thuộc xã Phượng Lâu; cây Thị ở xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, quần thể cây Lộc Vừng ở xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê…
Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam trao bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam
cho Cây Bồ đề tại khu 3, thôn Cống Á, xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Kết quả về số lượng tới nay (31/12/2015) tỉnh Phú Thọ đã có 39 cây (trong đó có 2 cụm cây) của 9 huyện, thành, thị được vinh danh và công nhận là cây di sản Việt Nam. Cụ thể: Thành phố Việt Trì 14 cây, Huyện Lâm Thao 06 cây, Huyện Tam Nông 02 cây và 01 cụm cây, Huyện Thanh Thủy 03 cây, Huyện Cẩm Khê 04 cây và 01 cụm cây, Huyện Hạ Hòa 01 cây, Huyện Yên Lập 02 cây, Huyện Đoan Hùng 03 cây và thị xã Phú Thọ 02 cây. Chúng ta cũng rất tự hào vì hầu hết các cây di sản của Phú Thọ đều có tuổi thọ từ vài ba trăm năm trở lên, đặc biệt là có cây Táu bạc với tuổi thọ ước khoảng trên 2.000 năm, được các nhà khoa học đánh giá là một trong những cây cao tuổi nhất ở Việt Nam được phát hiện tới nay.
Tuy nhiên, những kết quả thu được trong 5 năm hưởng ứng chương trình là chưa nhiều so với những gì mà thiên nhiên Phú Thọ đang ẩn chứa trong nó, trong đó có những cái đang có, đang tồn tại và có cả những cái (thậm chí là rất giá trị) đang có nguy cơ mất đi, nếu không được kịp thời phát hiện để có biện pháp bảo tồn. Bài học kinh nghiệm và thực tiễn trong việc cứu được “cụ” Táu cổ nhất Việt Nam của nhân dân, chính quyền xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì và các nhà khoa học lâm nghiệp trong các năm 2012 - 2013 đã chứng minh điều đó. Chính vì vậy, trong thời gian tới Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục cùng các địa phương tìm tòi, phát hiện thêm nhiều cây cổ thụ có giá trị văn hóa - lịch sử - tâm linh cũng như cảnh quan môi trường để đề nghị công nhận là cây di sản Việt Nam, góp phần trường tồn cùng Đất Tổ.
B.P.K
Lượt xem : 2398