Vietnamese English
Bài số 25. Cuộc họp gấp của Hội đồng Cây Di sản: không để thất lễ với dân

4/26/2017 6:00:00 AM

(VACNE) - Đây là ý kiến khẳng định của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, tại cuộc họp Hội đồng Cây Di sản cuối tháng 4/2017.

 

Ông Chủ tịch Hội đồng cho biết: ngay sau khi GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng của VACNE phát động Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam (18/ 3/ 2010) các vị lãnh đạo Hội đã nghĩ đến chuyện: phải nhanh chóng thành lập một tổ chức chuyên môn tư vấn về việc này. Thế là Hội đồng Cây Di sản  ra đời theo đề xuất của PGS.TS Nguyễn Đình Hòe và duy trì hoạt động liên tục tới nay..

 

Mặc dù lãnh đạo Hội đã cân nhắc kỹ lưỡng ngay từ đầu thành lập, mời các chuyên gia có chuyên môn sâu liên quan cùng tham gia, nhưng qua thời gian, Hội đồng vẫn phải liên tục bổ sung, hoàn thiện do chưa lường hết sự phức tạp, áp lực của công việc và khả năng cũng như sức khỏe của các thành viên. Bởi họ không chỉ  tự bỏ tiền thuê xe tới Văn phòng Hội để họp, xét duyệt các hồ sơ cây gửi đến, mà còn phải tham gia các đoàn khảo sát, về các địa phương thẩm định tuổi và các thông tin về cây. Các ủy viên Hội đồng còn phải viết tài liệu chia sẻ kiến thức về  bảo vệ, chăm sóc và chữa bệnh cho cây; đồng thời làm nhiệm vụ tuyên truyền quảng bá về ý nghĩa, mục đích của việc bảo tồn cây cổ thụ - Cây Di sản Việt Nam. Có lẽ vì thế, PGS.TS Sinh học Phạm Bình Quyền và chuyên gia Lâm học Lê Bá Thụ đã không thể tiếp tục tham gia được nữa và Hội đồng đã mời bổ sung một số chuyên gia bảo vệ thực vật và chữa bệnh cây.

 

Lúc đầu, có thành viên đề nghị đánh số thứ tự các cuộc họp của Hội đồng, nhưng sau này chính họ cũng thấy:không thể tính xuể và hơn nữa, không để làm gì. Chưa kể, đã có cả chục cuộc họp theo hình thức “điện tử”. Cuộc họp cuối tháng 4 này vẫn hối hả như thường lệ, dù không nhiều hồ sơ. Lý do mà Chủ tịch Hội đồng đưa ra khi triệu tập cuộc họp gấp là Hội không thể thất lễ với dân. Đại diện địa phương yêu cầu Hội sớm trả lời kết quả, để họ còn tổ chức đón Bằng công nhận trong dịp Lễ hội tới.. Dù trời mưa, nhưng quá nửa số thành viên Hội đồng đã đến Văn phòng Hội từ sớm. Thư ký Hội đồng tất bật chuẩn bị tài liệu, máy chiếu, cả ghế dự phòng chỗ ngồi cho những khách mời bất đắc dĩ. Số là, đã có nhiều tiền lệ: khi Hội đồng họp, các cụ già làng - nơi đăng ký hồ sơ Cây Di sản đã kéo đến xin trình bày thêm về cây quý của địa phương mình. Các cụ lý giải, tuy cây trông hơi nhỏ, nhưng rất lâu năm, rất có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa của địa phương. Thậm chí có đoàn kéo tới 7 -8 người và đem theo cả ảnh các Anh hùng, Liệt sĩ bị giặc hành quyết tại gốc cây…Trước những áp lực như thế, các thành viên cũng như ông GS.TSKH Chủ tịch Hội đồng đều rất khó bác bỏ, dù có cả trình độ, thiết bị xác định chính xác tuổi cây.


 



Bên lề cuộc họp Hội đồng Cây Di sản Việt Nam diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, Tổng Biên tập và phóng viên Web Hội xin phép được hỏi, gọi là phỏng vấn mấy câu đăng báo. Các thầy cô trong Hội đồng vui vẻ nhận lời. Văn phòng Hội ghi lại từ máy ghi âm một số ý kiến chia sẻ sau.

 

PV: Thưa GS Chủ tịch,việc Bộ VH-TT DL ban hành công văn 932 vừa qua có tác động như thế nào tới Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam của Hội?

 

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng:

 

Tôi xin trả lời ngắn gọn thế này. 1/ Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam là hoạt động quần chúng nhằm bảo tồn các cây đạt tiêu chuẩn cây Di sản, một thành phần đa dạng sinh học chủ chốt, quan trọng của giới thực vật. Sự kiện đã được cộng đồng cả nước nhiệt liệt hưởng ứng, được chính quyền ủng hộ, được dư luận trong và ngoài nước ngày càng quan tâm; 2/ Khi được báo chí thông tin về công văn 932 nói trên của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội đã có những ứng sử chuẩn mực, liên tục đăng các bài trên trang Web của Hội thể hiện quan điểm của mình; 3/ Tuy vậy, thời gian tới, rút kinh nghiệm từ sự việc không đáng có này, Hội sẽ cố gắng hoàn thiện hơn nữa công tác tổ chức để Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam tiếp tục phát triển, đóng góp bền vững cho sự nghiệp bảo tồn đa dang sinh học, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững đất nước.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          

 

PV: Là người đứng đầu cơ quan quản lý đa dạng sinh học của Bộ TN&MT trong thời gian dài, xin bà cho đánh giá ngắn gọn về Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản của Việt Nam của VACNE liên quan công văn 932 của Bộ VH TT DL?

 

Bà Lê Thanh Bình, Ủy viên, nguyên Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học, Bộ TN&MT:

 

Tôi và nhiều nhà quản lý, nhà khoa học mà tôi biết, đều có chung nhận xét là hoạt động bảo tồn Cây Di sản Việt Nam do VACNE phát động đã 7 năm nay là hoạt động nghiêm túc, đã và đang rất thành công và phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trước hết là Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường, Luật bảo vệ và phát triển rừng và có đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học của đất nước. Chính vì lẽ đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tặng Bằng khen cho Hội năm 2015. Theo tôi, không thể máy móc gò ép việc bảo tồn Cây Di sản vào phạm vi điều chỉnh của các luật khác.

 

PV: Ông có nhận xét gì về những con số 7 năm – gần 2.700 cây Di sản thuộc trên 100 loài ở 52 tỉnh và thành phố trong cả nước?

 

Ông Vũ Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng:

 

Đây là con số khái quát định lượng một số thành công của Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam của VACNE trong thời gian qua. Con số 7 năm nói lên tÝnh bài bản, kiên trì và sự ủng hộ của các cơ quan chức năng và cộng đồng đối với sự kiện. Các con số trên cũng nói lên số lượng đáng nể số cây và số loài cây Di đã được công nhận. Cần nói thêm rằng, có nơi chỉ có một cây được công nhận, nhưng không ít nơi con số đó là hàng chục, hàng trăm, cả một quần thể hoặc một đám rừng cây Di sản cùng được công nhận. Hội dồng yêu cầu hồ sơ đăng ký phải đầy đủ cho từng cây. Con số 100 loài là điều Hội đồng thực ra chưa thật hài lòng, vì, so với sự đa dạng loài của thảm thực vật nước ta, con số 100 loài còn rất khiêm tốn. Nhưng nên nhớ là, một mặt, các cây được công nhận thường rất gần gũi với con người, mặt khác, trong các loài được công nhận, nhiều nhà khoa học cũng đã phải ngạc nhiên về nơi phân bố, về chiều cao và đường kính cây. Con số 52 tỉnh và thành phố có cây Di sản được công nhận nói lên bề rộng của phong trào. Cũng phải nói thêm rằng, các con số này chưa phản ánh được nhiều kết quả khác của Sự kiện, chẳng hạn việc xuất hiện “Bộ môn” chăm sóc, chữa bệnh và kéo dài tuổi thọ các cây cổ thụ, các tác động tích cực của Sự kiện lên đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng, việc nâng cao vị thế của một tổ chức xã hội,.v.v.

 

PV:  Là người phụ trách Tiểu Ban kỹ thuật của Hội đồng, ông có định hướng gì cho Tiểu Ban trong thời gian tới?

 

Ông Lê Huy  Cường, Trưởng Tiểu Ban kỹ thuật của Hội đồng:

 

Thời gian vừa qua, Tiểu Ban chúng tôi chủ yếu tập trung giúp hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đồng thời giúp cộng đồng  chăm sóc bảo vệ cây theo hướng dẫn. Sắp tới, theo chủ trương chung của Hội, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn cho việc chăm sóc, chữa bênh và kéo dài tuổi thọ các Cây Di sản đã được công nhận nói riêng và cây cổ thụ nói chung. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc biên tập và đề nghị tìm cách xuất bản các ấn phẩm chăm sóc cây cổ thụ, đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng về chữa bệnh cho Cây Di sản, phối hợp hoạt động với Câu lạc bộ Đạp xe truyền thống môi trường kết nối Cây Di sản, tăng cường  hợp tác chữa bệnh cây cổ thụ với các chuyên gia nước ngoài theo khả năng của mình,...Nhiều nội dung vừa nêu đòi hỏi công sức, tiền của và thời gian để điều tra, nghiên cứu, thử nghiêm, nên rất cần sự hợp tác, hỗ trợ của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và cộng đồng.

 

Tổng Biên tập và các PV Web Hội còn muốn trao đổi thêm nhiều, nhưng Cụ Chủ tịch sắp 90 tuổi của Hội đồng đã yêu cầu dừng lại để họp. May mà còn kịp hỏi được mấy câu. Hội đồng lúc nào cũng bận lắm việc, mà nào có được “bồi dưỡng” gì. Nghe nói, ông Chủ tịch VACNE đã 7 năm nay gãi đầu gãi tai hứa sẽ cố gắng bù tiền xe ôm cho các thầy các cô đi họp, mà nào đã thấy gì đâu.

 

 

  

PV VACNE

Lượt xem : 2250