Bài số 1: Hoạt động bảo tồn Cây Di sản Việt Nam có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng”
3/14/2017 2:11:00 PM
(VACNE) – Đây là bài tổng kết chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm Ngày Cây Di sản Việt Nam lần đầu tiên (18/3/2010-18/3/2017)
Có thể khẳng định: sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam do Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE) khởi xướng và tổ chức thực hiện trong 7 năm qua đã thu được kết quả rất tốt đẹp. Hoạt động này không chỉ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường, mà còn góp phần trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho cộng đồng và khơi dậy truyền thống tốt đẹp văn hóa – lịch sử vốn có của người Việt.
Nhằm thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của Liên Hiệp các Hội KHKT Việt Nam về các hoạt động đào tạo, truyền thông, nghiên cứu, tư vấn phản biện liên quan tới bảo vệ môi trường, trong những năm qua Hội BVTN&MT Việt Nam đã tổ chức được sự kiện nổi bật là vận động cộng đồng cùng chung sức bảo tồn cây cổ thụ, bằng cách vinh danh Cây Di sản Việt Nam. Sau 7 năm phát động (3/2010 đến 3/2017) sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam đã trở thành phong trào của cộng đồng, lan tỏa khắp mọi vùng miền trong cả nước, được dư luận xã hội và một số tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Sự kiện bảo tồn Cây Di sản không chỉ nhằm Bảo tồn Đa dạng sinh học (ĐDSH), bảo vệ môi trường mà mang màu sắc tính nhân văn cao cả
Hưởng ứng Năm quốc tế về Đa dạng sinh học (năm 2010), hưởng ứng Kế hoạch quốc gia bảo tồn, phát triển bền vững ĐDSH của Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo quyết định của Thủ tướng Chính Phủ, đặc biệt là hướng tới Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội (2010), Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE) đã có sáng kiến phát động Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam. Đây là một trong chuỗi các hành động của VACNE trong những thập kỷ đầu của Thế kỷ XXI mang nội hàm về bảo tồn và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng đến mục tiêu phát triển xanh, phát triển bền vững đất nước, cũng là chủ đề quan tâm của Liên hiệp Quốc, của các nước, các tổ chức quốc tế như IUCN, WWF,UNEP...
Để thực hiện sự kiện Hội đã thành lập Hội đồng Cây Di sản Việt Nam gồm các nhà chuyên môn có liên quan trong lĩnh vực sinh học, lâm học, bảo vệ thực vật. Hội đồng không chỉ xét duyệt các hồ sơ cây gửi đến, khảo sát thẩm định tuổi và các thông tin về cây, mà còn làm nhiệm vụ tuyên truyền quảng bá về ý nghĩa, mục đích của sự kiện Cây Di sản Việt Nam; làm cầu nối chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ, chăm sóc, chữa bệnh cho cây…
Kể từ khi phát động (tháng 3 năm 2010) đến nay (tháng 3/2017) VACNE đã nhận được hàng nghìn hồ sơ cây từ hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước gửi về đăng ký, xin được xét duyệt công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Nhưng do các điều kiện hạn chế về khảo sát, phân loại, xác định tuổi cây …nên có không ít cây bị loại, chưa được công nhận. Tới nay đã có gần 2.700 cây cổ thụ thuộc hơn 100 loài thực vật, tại 52 tỉnh và thành phố của Việt Nam được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Từ vùng địa đầu tổ quốc (Hà Giang), vùng cao Phan Xi Păng đến vùng cực Nam Côn Đảo; từ Tây Nguyên (Đắc Lắc) ra tới quần đảo Trường Sa đều đã có Cây Di sản Việt Nam.
Trong 2 năm gần đây (2015 – 2016) có nhiều quần thể, cây với số lượng lớn đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam như; quần thể Pơmu ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) và ở Quế Phong (Nghệ An); quần thể Chè Shan tuyết Suối Giàng (Yên Bái), quần thể cây Hồng Tùng ở Vườn Quốc gia Yên Tử (Quảng Ninh), quần thể cây Lim ở đền Và, Ba Vì (Hà Nội), quần thể cây Nghiến ở VQG Xuân Sơn ( Phú Thọ), quần thể cây Bàng ở Côn Đảo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu,…Những quần thể Cây Di sản này đã bước đầu trở thành những điểm đến hấp dẫn của du khách. Đặc biệt, những Cây Di sản thuộc các loài đặc hữu, quý hiếm như Đỗ Quyên cành thô Phan Xi Păng (Vườn Quốc gia Hoàng Liên); cây Bạch Mai ở đình Phú Tự (Bến Tre) và những cây đặc sắc, có tuổi đời nghìn năm như 02 cây Táu ở Thiên Cổ Miếu (Việt Trì – Phú Thọ), cây Nghiến đường kính thân tới 3 mét ở Bắc Hà (Lào Cai), cây Lim ở Bản Ven (Yên Thế - Bắc Giang); cây Sa mu dầu đường kính thân 4,5 mét cao 70 mét ở khe Bu (Vườn Quốc gia Pù Mát – Nghệ An), cây Đa trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng); cây Đa đền Thượng (Lào Cai); cây Sấu trùm lên cột mốc biên giới Việt Trung cột mốc 651 ở bản Nà Sác (Hà Quảng – Cao Bằng),… đã thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế đến thăm, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương.
Lễ vinh danh Cây Di sản được cộng đồng địa phương tổ chức rất trang trọng và ấm cúng
Trong những năm qua, các buổi lễ đón bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam được cộng đồng địa phương tổ chức hết sức trang trọng, không ít buổi Lễ đón bằng công nhận Cây Di sản được lồng ghép với lễ hội của địa phương (làng, xã, khu di tích, lễ trọng của dòng tộc) gắn với Ngày Đại đoàn kết toàn dân,…
Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau: ven rừng, trên bến sông, trong hội trường công sở, trường học, sân chùa, đền miếu,… Tất cả các buổi lễ đều diễn ra rất trang nghiêm, mang màu sắc lễ hội, tạo không khí vui vẻ, đoàn kết. Thể hiện rõ nhất là: nơi nào cũng có chương trình văn nghệ quần chúng chào mừng sự kiện và nhiều nơi còn tổ chức rước Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam, với tất cả các lứa tuổi, thành phần xã hội tham gia .
Thành phần tham gia sự kiện không chỉ có người dân, các cụ cao tuổi, các cháu thiếu nhi, mà còn có rất đông cán bộ, quan chức, doanh nhân và các vị chức sắc tôn giáo, bà con các dân tộc, đại diện các tổ chức xã hội, giới truyền thông và người nước ngoài…Đặc biệt, có rất nhiều người con đi xa quê hương, đaX quay về đất tổ để chúc mừng Sự kiện. Số lượng người tới dự các buổi lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam thường rất đông: từ hàng trăm tới hàng nghìn người. Đây thực sự là những ngày hội của cộng đồng. Người dân ở một vài địa phương còn cho biết, chính nhờ vinh danh Cây Di sản, người dân mới có điều kiện khôi phục lại lễ hội truyền thống đã bị lãng quên từ lâu.
Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản là vấn đề được giới truyền thông trong nước quan tâm
Có thể khẳng định điều này, bởi Chuyên mục “Bảo tồn Cây Di sản” trên trang website của Hội BVTN&MT Việt Nam liên tục được bạn đọc truy cập liên tục với số lượng ngày càng tăng, trung bình đạt 15.000 lượt/ngày cho trang tiếng Việt và trên 2.000 lượt/ ngày cho trang tiếng Anh. Hiện nay chuyên mục này thường xuyên đăng tải hàng nghìn tin, bài và ảnh. Cụm từ “Cây Di sản Việt Nam” do VACNE khởi xướng đã nhanh chóng được định hình và trở thành quen thuộc với cộng đồng. Nếu tìm trên google cụm từ này, ngay lập tức cho cả hàng nghìn kết quả. Ví dụ: Một buổi lễ vinh danh Cây Di sản điển hình tại chùa Đá Trắng (Phú Yên) đã có tới hơn 50 tin, bài viết và ảnh được đăng tải trên các báo, tạp chí, trang web, các cơ quan truyền thông lớn như: VTV, VOV, TTXVN,...
Sự kiện này còn được thông tin ra nước ngoài bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Tây Ban nha,... (Vietnam Plus, Open Sky,VOV, VTV,…). Tạp chí Cửa sổ Văn hóa Việt Nam đã dành riêng một số chuyên đề về Cây Di sản Việt Nam. Các nhà khoa học nước ngoài không những chỉ quan tâm truyền thông, họ còn có nhiều đóng góp có giá trị về tư vấn, chăm sóc, chữa bệnh cho cây qua các cuộc tọa đàm trao đổi tại Văn phòng Hội.
Hội BVTN&MT Việt Nam còn phối hợp với các Hội địa phương tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo, tọa đàm về sự kiện bảo tồn Cây Di sản Việt Nam như: Hội nghị tổng kết 3 năm tại quận Tây Hồ (Hà Nội), Hội nghị tổng kết 5 năm Sự kiện ở Việt Trì (Phú Thọ), Hội thảo khoa học chăm sóc cây Di sản Việt Nam tại các tỉnh: Phú Thọ, Nam Định, thành phố Đà Nẵng và tới hôm nay là Hội nghị để đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức Bảo tồn, chăm sóc Cây Di sản Việt Nam được tổ chức long trọng tại Đình Hào Nam quận Đống Đa, thành phố Hà Nội cũng là dịp để hưởng ứng chào mừng ngày Đa dạng sinh học quốc tế 22/5/2017 và ngày môi trường thế giới 5/6/2017, khuyến khích con người gần gũi, tôn trọng thiên nhiên.
Hiệu ứng của sự kiện còn được phát huy bằng Cuộc thi viết về “Cây cổ thụ - Cây Di sản Việt Nam”. Cuộc thi được phát động cuối năm 2014 và chỉ sau 4 tháng đã thu hút hàng trăm tác giả từ mọi miền của tổ quốc tham gia. Kết quả Ban Tổ chức đã chọn được 15 bài viết tốt nhất (trong tổng số hơn 200 bài gửi về) trao giải. Nhiều bài đã được in trong cuốn sách “Cây Di sản Việt Nam –tập 1” để lưu lại lâu dài cho hậu thế.
Điều đáng được trân trọng là: tất cả các Hội viên và các đơn vị thành viên của Hội từ Trung ương tới địa phương đều hồ hởi tham gia hoạt động này với tinh thần rất tự nguyên và bất vụ lợi. Họ không chỉ đóng góp nhiều công sức và một phần kinh phí cho Sự kiện, mà còn giúp cộng đồng ở địa phương làm các thủ tục đăng ký Cây Di sản Việt Nam.
Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam là gắn kết bảo vệ môi trường với lịch sử văn hóa và tạo sinh kế cho cộng đồng
Việc tổ chức xét duyệt công nhận, vinh danh gắn bia cây Di sản Việt Nam là sự kiện mới mẻ góp phần phát huy vai trò và ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật quý, hiếm, làm tôn vinh giá trị màu xanh quê hương, bảo vệ cảnh quan yên bình, đồng thời còn tạo một dấu ấn quan trọng mang ý nghĩa khoa học, nhân văn cao cả trong đạo đức bảo vệ môi trường. Đặc biệt sự kiện đã góp phần nâng cao ý thức cho cộng đồng, cho thế hệ trẻ biết tri ân các bậc tiền nhân đã có công gieo trồng, chăm sóc và bảo vệ các cây cổ thụ trong đường làng, hẻm phố, trong trường học. Hơn nữa, các hoạt động này còn hàm chứa ý nghĩa giáo dục tinh thần bảo vệ chủ quyền quốc gia, khi vinh danh những cây đứng ở cột mốc biên giới, trên đất liền cũng như phần bảo vệ môi trường, thu hút khách du lịch. Tạo thêm sinh kế cho cộng đồng địa phương ở vùng biển – đảo của tổ quốc. Rõ ràng qua sự kiện đã và đang góp phần ghi nhận sự thành công và hiệu quả của Sự kiện bảo tồn cây Di sản Việt Nam, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng Bằng khen cho Hội “Vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2010 – 2015”.
Để có được thành tích quý báu này, chính là nhờ kết quả của sự hưởng ứng nhiệt tình, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ban, ngành của VACNE với các Hội thành viên ở các địa phương và sự hưởng ứng nhiệt thành của cộng đồng, đặc biệt là sự động viên kịp thời của các cơ quan Thông tấn báo chí, các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, thành phố, sự hưởng ứng nhiệt tình của các đoàn thể, chính quyền, của cộng đồng các địa phương trêm mọi miền đất nước.
Để giữ vững và phát huy Sự kiện bảo tồn Cây Di sản Việt Nam. Ban Chấp hành Hội BVTN&MT Việt Nam, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cũng kiến nghị và kỳ vọng vào các vị lãnh đạo, các nhà quản lý, các cơ quan truyền thông cùng cổ vũ và tạo điều kiện cho cộng đồng, cùng nối vòng tay lớn để phát triển Sự kiện bảo tồn Cây Di sản Việt Nam để góp phần bảo tồn ĐDSH, bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững./.
Văn phòng VACNE
Lượt xem : 3749