Vietnamese English
Bài phát biểu của Lãnh đạo Hội Bảo vệ TN&MT VN lại Lễ công nhận Cây Gạo ở Thanh Hóa là Cây Di sản VN

5/13/2012 9:31:00 PM

Ngày 13/5/2012, tại Lễ công nhận Cây Gạo ở thôn 5 Hồ Đàm, Thanh Hóa là Cây Di sản VN, thay mặt Lãnh đạo Hội Bảo vệ TN&MT VN, ông Lê Sỹ Tuấn, Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Thanh Hóa đã phát biểu chào mừng.

BÀI PHÁT BIỂU CỦA ÔNG LÊ SỸ TUẤN,
CHỦ TỊCH HỘI BVTN&MT TỈNH THANH HÓA

THAY MẶT LÃNH ĐẠO HỘI BVTN&MT VIỆT NAM
TẠI BUỔI LỄ CÔNG NHẬN CÂY GẠO THÔN 5 HỔ ĐÀM (THANH HÓA)

LÀ CÂY DI SẢN VIỆT NAM
 
Kính thưa: các vị lãnh đạo, các vị đại diện cho các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương..
Kính thưa các quý vị đại biểu.
Tôi rất vui mừng được thay mặt Ban chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tới dự buổi lễ trọng thể này và trao “Bằng Chứng nhận Cây Di sản Việt Nam” đầu tiên ở tỉnh Thanh Hóa. Đó là cây gạo cổ thụ hơn 200 năm ở thôn 5 Hổ Đàm, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa.
Như quý vị đã biết, Sự kiện vinh danh Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng và chính thức phát động mới hơn 2 năm, nhưng đã được các cấp chính quyền và nhân dân các địa phương sôi nổi hưởng ứng và đã trở thành một phong trào rộng khắp trong cả nước. Tới nay đã có hơn 500 bộ hồ sơ cây của 26 tỉnh, thành phố gửi về đăng ký và Hội đồng Cây Di sản của Hội BVTN&MT Việt Nam đã xét duyệt, công nhận 165 cây đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam, trong đó có cây gạo cổ thụ của thôn 5 Hổ Đàm, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa.
Sở dĩ sự kiện vinh danh Cây di sản Việt Nam được cộng đồng hưởng ứng sôi nổi, có sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền địa phương, các ngành chức năng và nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quốc hội ủng hộ.
Bởi ngoài mục tiêu bảo vệ đa dạng về sinh học cho nhân loại, Sự kiện này còn đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của cộng đồng. Nhất là nhu cầu chăm sóc, bảo vệ những cây cổ thụ ở các khu di tích lịch sử văn hóa của địa phương, của Quốc gia.
Kính thưa: các quý vị đại biểu, các vị lãnh đạo, đại diên các đoàn thể, ban ngành chức năng địa phương.
Kính thưa: các cụ, các ông các bà, cùng toàn thể nhân dân và khách thập phương.
Cây Gạo cổ thụ làng Hổ Đàm được công nhận là cây Di sản Việt Nam vì nó đáp ứng đầy đủ (thậm chí vượt) các tiêu chí đã đề ra: cây có tuổi trên 200 năm, chiều cao hơn 40 mét, đường kính hơn 2 mét. Song Hội đồng xét duyệt Cây Di sản Việt Nam đánh giá rất cao khi nhận được bộ hồ sơ của cây Gạo đầu làng Hổ Đàm, lại do chính vị đứng đầu xã Thiệu Lý (Ông Chủ tịch UBND xã) gửi tới đăng ký.
 Đây không chỉ là sự kiện quan trọng của làng Hổ Đàm, của xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, mà còn là niềm tự hào chung của tất cả nhân dân trong vùng. Vì qua hoạt động này không chỉ nhằm bảo vệ môi trường, mà nó còn góp phần khơi dây sức mạnh đoàn kết, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương và thể hiện quyết tâm của cộng đồng trong việc bảo vệ những di sản của cha ông để lại.
Theo như phong tục ngày xưa thì cây Gạo này là mốc giới của làng, vượt qua thời gian hơn hai Thế kỷ và như có phép lạ, nó vẫn trường tồn để bóng mát cho dân làng, để mời gọi chim chóc, côn trùng trong vùng về tụ hội. Cây đã trở thành bức tượng đài thiên nhiên rực rỡ cả một vùng và đã trở thành chòi canh trong cuộc chiến tranh chống giặc, nơi che mưa, tránh nắng cho người dân quê. Và nơi đây, còn là nơi hẹn hò của những đôi trai gái vào những đêm gió mát trăng thanh; đồng thời cũng là nơi tiễn biệt những người con Thiệu Lý phải ra đi. Đến hôm nay, cây Gạo này lại chứa đựng thêm những thông điệp mới cho hậu thế về sự tôn trọng lịch sử và ý thức bảo vệ môi trường.


 



         Kính thưa các quý vị đại biểu
Việc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam lựa chọn công nhận cây Gạo làng Hổ Đàm, của xã Thiệu Lý là Cây Di sản của Việt Nam không chỉ nhằm trực tiếp bảo tồn nguồn gen tiêu biểu của Việt Nam, giới thiệu sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam với các nhà khoa học, với bạn bè thế giới, mà còn nhằm quảng bá cho du lịch và giới thiệu truyền thống lịch sử cho Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Qua hoạt động này, Hội chúng tôi cũng mong muốn: góp phần nâng cao ý thức tôn trọng lịch sử, tôn trọng tự nhiên và nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng.
Tại buổi lễ trọng thể này, thay mặt Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, tôi xin chân thành cảm ơn sự hưởng ứng nhiệt tình của chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương; đồng thời bày tỏ mong muốn tất cả đồng bào và các quý vị đại biểu tiếp tục tìm tòi, đề cử các cây cổ thụ vào danh sách Cây Di sản Việt Nam.
Xin kính chúc sức khỏe quý vị đại biểu,
Chúc lễ công bố Quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam thành công tốt đẹp./.
 Thanh Hóa, ngày 13 tháng 5 năm 2012
 
 

Lượt xem : 2895