Vietnamese English
Bài phát biểu của Lãnh đạo Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam tại Lễ công nhận Cây Di sản VN Khu di tích lịch sử Giàn Gừa, Tp Cần Thơ

6/14/2013 11:33:00 AM

(VACNE) - Ngày 13/6/2013, GS. TS. Nhà giáo Nhân dân Lâm Minh Triết, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam đã thay mặt Lãnh đạo Hội tham dự Lễ công nhận Cây Di sản VN Khu di tích lịch sử Giàn Gừa, TP Cần Thơ.

BÀI PHÁT BIỂU CỦA GS.TS. NHÀ GIÁO NHÂN DÂN LÂM MINH TRIẾT
PHÓ CHỦ TỊCH HỘI BẢO VỆ THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM
 
TẠI LỄ CÔNG NHẬN CÂY DI SẢN VIỆT NAM TẠI CẦN THƠ
 
Kính thưa :   Các quý vị đại biểu, các vị lãnh đạo 
                              cùng toàn thể nhân dân địa phương
 
Đúng vào dịp cả nước cùng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, tôi rất vui mừng được thay mặt BCH Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tới dự buổi Lễ và trao “Bằng chứng nhận Cây Di sản Việt Nam” cho cụm Cây Gừa (cây Si) có tuổi gần 160 năm ở ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ
Đây là giàn cây cổ thụ đầu tiên của Cần Thơ và cũng là Cây Di sản Việt Nam đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cũng là một phần không thể thiếu của Khu di tích lịch sử văn hóa của thành phố.
Như quý vị đã biết, Sự kiện bảo tồn Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng và phát động chưa lâu, nhưng đã có rất nhiều đơn vị, cá nhân trong cả nước hưởng ứng, với hàng nghìn hồ sơ cây, trong cả nước gửi về đăng ký. Hội đồng Cây Di sản của Hội đã xét duyệt và công nhận được gần 500 cây, đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam, trong đó có Giàn Gừa ở Nhơn Nghia (Cần Thơ).
Sắp tới, tỉnh An Giang cũng sẽ tổ chức Lễ vinh danh cho cây Dầu hơn 700 năm và cây Me hơn 600 năm (huyện Tri Tôn) được xét công nhận là Cây Di sản Việt Nam cùng với Giàn Gừa này. Riêng huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã có 79 cây được vinh danh Cây Di sản Việt Nam.
Nhân đây, tôi xin thông tin, để các quý vị biết về những kỷ lục của những Cây Di sản Việt Nam đã được Hội công nhận.
Một phát hiện là: những cây cổ thụ chủ yếu tập trung vào 44 loài thực vật bản địa. Nổi bật nhất là các loài: Sanh, Si, Đa, Đề, Đại, Chò, Muỗm, Sấu, Dã hương, Thị, Táu, Nghiến, Lim, Sa mu, Pơ mu, Kơ nia, Thiên Tuế,... Cụ thể:
-         Cây Táu hoa trắng bên miếu Thiên Cổ ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (thờ thầy Vũ Thế Lang - người có công dạy công chúa đời vua Hùng thứ 18) có tuổi lớn cây hơn 2.100 năm, chu vi thân hơn 6 m, cao 25 m.
-         Cây Sa mu dầu ở khe Bu, vườn quốc gia Pù Mát ( Nghệ An) là cây đơn thân khổng lồ nhất Việt Nam (đường kính thân tới 5,4 m, cao 70 m)
-         Cây Tung ở thành phố Buôn Mê Thuột (Đắc Lắc) là cây có bạnh vè lớn nhất (chu vi cụm rễ tới hơn 30 m, cây cao 60 m).
-         Cây Đa ở đền Thượng, tỉnh Lào Cai là cây có nhiều thân phụ và có tổng chu vi thân lớn nhất (chu vi thân 44 m, cao 33 m).
-         Cụm 7 cây thuộc 7 loài trong một khuôn viên không thật rộng ở đền thờ danh tướng Trần Khát Chân ở Thanh Hóa là cụm có nhiều loài cây nhất được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

         Kính thưa:  các quý vị:
Sự kiện vinh danh giàn Gừa ở ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ không chỉ là sự kiện quan trọng đối với địa phương, mà nó còn có ý nghĩa sâu sắc về nhân văn đối với tất cả chúng ta. Qua hoạt động này, chúng ta bày tỏ sự trân trọng, biết ơn các bậc tiền nhân đã để lại cho hậu thế những di sản quý báu; đồng thời đây cũng là cơ hội để khơi dậy tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Bởi dưới giàn Gừa nơi đây còn lưu giữ đền thờ bà Cố Hỷ và những người khuất mặt, đã có công khẩn hoang, lập ấp, mở mang bờ cõi. Hơn nữa, gần đây trong khuôn viên khu di tích này còn có đền thờ Bác Hồ và 12 cô gái đã hi sinh vì tổ quốc tại ngã ba Đồng Lộc.
Đó là nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ tổ tiên và truyền thống văn hoá hướng về cội nguồn, luôn luôn biết trân trọng quá khứ của người Việt chúng ta.
Kính thưa các quý vị đại biểu
Việc Lựa chọn và vinh danh cụm cây cổ thụ tại Di tích lịch sử văn hoá này, không chỉ nhằm trực tiếp bảo tồn nguồn gen tiêu biểu của nước ta, giới thiệu sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam với bạn bè thế giới, mà còn nhằm quảng bá du lịch cho khu Di tích lịch sử văn hoá giàn Gừa, cũng như các khu du lịch sinh thái khác của Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long.
Thay mặt Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, tôi xin chân thành cảm ơn sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, đặc biệt là Ban quản lý khu Di tích; đồng thời bày tỏ mong muốn du khách có mặt tại đây, cũng như đồng bào trong cả nước tiếp tục tìm tòi, để cử các cây cổ thụ vào danh sách Cây Di sản Việt Nam../.
 
Xin kính chúc sức khỏe quý vị đại biểu,
Chúc lễ công bố Quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam thành công tốt đẹp./.
 
 
 
 

Lượt xem : 3521