Vietnamese English
Bài phát biểu của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT VN, Chủ tịch Hội đồng CDS Việt Nam tại lễ công nhận cụm cây cổ thụ làng Lưỡng Quán - Vĩnh Phúc

4/1/2012 5:45:00 AM

Ngày 31/3/2012, tại Lễ công nhận Cụm cây đa - cây gạo làng Lưỡng Quán, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc là Cây di sản Việt, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT VN, Chủ tịch Hội đồng CDS Việt Nam đã phát biểu chào mừng.


Kính thưa :  Các vị đại biểu, các cụ, các ông bà
                   cùng toàn thể nhân dân địa phương.

Rất vui mừng, đúng vào ngày Quốc Giỗ Hùng Vương (10-3 ÂL) tôi được thay mặt BCH Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tới dự buổi lễ hội và trao bằng chứng nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây cổ thụ đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc (cây thứ 155 ở nước ta có được vinh dự này).

         Đó là cụm cây đa-cây gạo thuộc miếu Nghè, làng Lưỡng Quán, xã Trung Kiên, tỉnh Vĩnh Phúc. Và cũng vào giờ phút này (sáng 31/3/2012) Hội BVTN&MT Việt Nam cũng trao bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Muỗm cổ thụ có tuổi đời hơn 700 năm đường kính thân tới hơn 2 mét ở làng Mỹ Tiên, xã Bột Tiên, huyện  Mỹ Đức (ngoại thành Hà Nội)

Như quý vị đã biết, đây Sự kiện do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng và phát động mới 2 năm (ngày 18 tháng 3 năm 2010), nhưng tới nay đã có rất nhiều đơn vị, cá nhân trong cả nước hưởng ứng, với hơn 500 cây ở 26 tỉnh/thành phố trên khắp mọi miền cả nước đã đăng ký. Tới nay, Hội đồng Cây Di sản của Hội đã xét duyệt và công nhận 155 cây, đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam, trong đó có 2 cây (Đa và Gạo) ở làng Lưỡng Quán, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc

 Kính thưa: - các quý vị đại biểu, các cụ, các ông các bà trong Ban quản lý Di tích, cùng Đại đức trụ trì chùa Hương Sơn.
             Kính thưa:  các vị lãnh đạo, đại diên các đoàn thể, ban ngành chức năng địa phương cùng toàn thể nhân dân và khách thập phương.

Sự kiện vinh danh cụm cây cổ thụ (Đa + Gạo) tại miếu Nghè là cây di sản Việt Nam không chỉ là sự kiện quan trọng đối với người dân Lưỡng Quán, xã Trung Kiên, mà nó còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với tất cả mọi người. Vì qua việc làm này, chúng ta đã thể hiện sự trân trọng và biết ơn đối với các bậc tiền nhân; đồng thời cũng khơi dây sức mạnh của cộng đồng, cùng gìn giữ lâu dài những di sản vô giá này cho con cháu

Như các quý vị đã biết, cụm cây Đa - Gạo này được các bậc tiền nhân trồng cách đây hơn 200 năm. Nếu như phong tục ngày xưa thì nơi đây là mốc giới phân chia giữa 2 làng (trồng cây đa ở đầu làng và cây gạo ở cuối làng) Nhưng vượt qua thời gian và như có phép lạ: cụm Đa – Gạo này đã quấn quýt với nhau và cùng nhau che bóng mát cho dân làng và mời gọi chim chóc, côn trùng trong vùng về tụ hội. Cụm cây này đã trở thành bức tượng đài thiên nhiên do các bậc tiền nhân đã dựng lên, trong đó chứa đựng những thông điệp rất rõ ràng cho hậu thế, về sự đoàn kết, tu dưỡng đạo đức và ý thức bảo vệ môi trường..

Kính thưa các quý vị đại biểu

Việc Lựa chọn và vinh danh cụm cây Đa – cây Gạo miếu Nghè, làng Lưỡng Quán, xã Trung Kiên là Cây Di sản của Việt Nam không chỉ nhằm trực tiếp bảo tồn nguồn gen tiêu biểu của Việt Nam, giới thiệu sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam với các nhà khoa học, với bạn bè thế giới, mà còn nhằm quảng bá cho du lịch và giới thiệu truyền thống lịch sử cho Vĩnh Phúc. Qua hoạt động này, Hội chúng tôi cũng mong muốn: góp phần nâng cao ý thức tôn trọng lịch sử tín ngưỡng, tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng.

Tại buổi lễ trọng thể này, thay mặt Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, tôi xin chân thành cảm ơn sự hưởng ứng nhiệt tình của chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương, sự  thịnh tình của Hội đồng hương Lưỡng Quán ở Hà Nội; đồng thời bày tỏ mong muốn tất cả đồng bào và các quý vị đại biểu tiếp tục tìm tòi, để cử các cây cổ thụ vào danh sách Cây Di sản Việt Nam.

Xin kính chúc sức khỏe quý vị đại biểu,

Chúc lễ công bố Quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam thành công tốt đẹp./.

 

Lượt xem : 2006