Bài học trong công tác đánh giá môi trường chiến lược từ các nước Đông Bắc Á
9/1/2022 7:13:00 AM
Tại nhiều quốc gia, ĐTM và ĐMC được quan niệm không chỉ là công cụ pháp lý cần phải thực hiện cho dự án hoặc chiến lược, quy hoạch, kế hoạch mà còn là các nghiên cứu khoa học về tác động đến môi trường tự nhiên, sức khỏe và xã hội.
Trên thế giới, ĐTM và ĐMC ra đời và phát triển sớm nhất tại Mỹ (ĐTM từ năm 1969, ĐMC từ thập kỷ 80, thế kỷ XX) sau đó là Canađa, Tây Âu, Đông Âu, Đông Á, Đông Nam Á. Tại 3 nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc), ĐTM quy định bắt buộc cách đây 24 - 35 năm và ĐMC chỉ mới quy định bắt buộc cách đây 10 -15 năm. Sau đây là một số thực trạng ĐTM và ĐMC ở một số quốc gia Đông Bắc Á.
Nhật Bản
Tại Nhật Bản, ĐTM được giới thiệu từ năm 1972, tuy nhiên đến năm 1984, Chính phủ mới quy định chính thức về thực hiện ĐTM cho các Dự án và Luật về “Đánh giá tác động môi trường” được ban hành tháng 6/1997 (Hàn Quốc vào năm 1993, Trung Quốc vào năm 2003, trong khi ở Việt Nam ĐTM vẫn chỉ là 1 chương trong Luật BVMT sửa đổi). Nhật Bản quy định 13 loại hình dự án cần lập ĐTM: đường bộ, chỉnh trị sông, đường sắt, cảng hàng không, nhà máy điện, khu đổ thải, cải tạo đất, điều chỉnh sử dụng đất, khu dân cư mới, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng thành phố mới, tổ hợp trung tâm phân phối, phát triển đất ở và đất công nghiệp do các tổ chức chuyên dụng.
ĐTM được thực hiện rất thận trọng trong khâu nghiên cứu lập báo cáo và khâu thẩm định: 1 báo cáo ĐTM cần trung bình 3 năm từ khi nghiên cứu đến khi được cấp phép thẩm định (Việt Nam thường chỉ mất 6 tháng - 2 năm đối với dự án quy mô lớn cấp Bộ TN&MT thẩm định và chỉ 3 - 9 tháng đối với dự án nhỏ do các Sở TN&MT thẩm định). Chính sự thận trọng này giúp các dự án tại Nhật Bản hạn chế mức thấp nhất các tác động đến môi trường tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, sự kéo dài quá trình ĐTM gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý môi trường do vậy đã có một số đề xuất “hợp lý hóa/đơn giản hóa quy trình ĐTM” với một số loại hình dự án đặc thù.
Ở Trung Quốc
Bộ BVMT Trung Quốc đã ban hành Luật ĐTM từ năm 2003 và mỗi năm có 30.000 dự án lập ĐTM và ĐMC (thực chất là ĐTM cho quy hoạch) được thực hiện cho các quy hoạch phát triển vùng kinh tế, địa phương, ngành, lĩnh vực, các lưu vực sông, các vùng kinh tế ven biển, vịnh biển… Đánh giá về chất lượng của hệ thống ĐTM/ĐMC của Trung Quốc, tác giả Từ Hòa và Vương Huy Chí, Trung tâm Nghiên cứu ĐMC - Đại học Nam Khai (Thiên Tân) cho rằng, hiện nay ĐMC chỉ mang tính hiệu quả tương đối, còn thiếu tính định lượng. Để ĐMC có giá trị dự báo cao hơn cần phải xác định và xây dựng các chỉ thị để đánh giá; tìm các phương pháp định lượng, đồng thời đo lường được tác động và diễn biến môi trường do thực hiện quy hoạch.
Khi so sánh với hệ thống ĐTM của Trung Quốc với Hàn Quốc Từ Hưởng Lan (Xu Xianglan), GS Trung Quốc giảng dạy ở Đại học Nam Seoul cho rằng các quy định và hiệu quả về ĐTM của Trung Quốc còn lạc hậu: Nếu ở Hàn Quốc ĐTM đã được đưa vào Luật từ 1981 và được bổ sung năm 1993 thì Trung Quốc mới có quy định về ĐTM từ 1990 trong Luật BVMT sau đó trong Luật ĐTM 2003. Hệ thống ĐTM của Hàn Quốc là tổng hợp và hiệu quả hơn, trong khi đó ĐTM ở Trung Quốc chú trọng “phòng ngừa là chính”, nặng hình thức, ít thực chất so với Hàn Quốc và với các nước tiên tiến trên thế giới.
ĐMC ở Trung Quốc đã được đưa vào Luật ĐTM từ 2003 thể hiện cam kết của lãnh đạo đất nước về phát triển bền vững. Tuy nhiên theo tác giả Lam Ken-che phần lớn các nỗ lực trong trong 10 năm qua chỉ là xây dựng quy trình và làm hoàn thiện các kỹ thuật, phương pháp đánh giá. Tuy nhiên về bản chất các phương pháp sử dụng cho ĐMC là chưa phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của quy hoạch, sự tư nhân hóa các công ty Nhà nước và thay đổi chính sách, chưa kể tác động do biến đổi khí hậu.
Tại Hàn Quốc
Dựa theo các thông tin từ hội nghị ĐTM/ĐMC năm 2012 tại Jeju: Cơ sở pháp lý về ĐTM/ĐMC rõ ràng, các phương pháp, quy trình đã được xây dựng hoàn chỉnh và ĐTM/ĐMC đã đi vào chi tiết, có nghiên cứu khoa học. Do vậy, ĐTM/ĐMC đang là công cụ tốt cho định hướng “Tăng trưởng xanh” với tham vọng đến 2020 Hàn Quốc trở thành 1 trong 5 quốc gia hàng đầu thế giới về kinh tế xanh.
Các xu hướng chính trong nghiên cứu khoa học về ĐTM ở Hàn Quốc được tóm tắt trong báo cáo của Kim Taehyoung cho thấy từ năm 2008 - 2012 riêng Viện Môi trường Hàn Quốc đã công bố 106 bài báo trong đó có đến 57 nghiên cứu về ĐTM (chiếm 53,8%). Số lượng công trình nghiên cứu về các vấn đề môi trường đặc thù tăng nhanh và chiếm đến 70,4% tổng số công trình về ĐTM, trong khi số công trình về kỹ thuật ĐTM chỉ chiếm 18,9%.
Trong các năm gần đây các công trình nghiên cứu về tác động do biến đổi khí hậu và tác động sức khỏe, về năng lượng tái tạo ngày càng nhiều, trong đó số lượng công trình về BĐKH chiếm 4,4% trong tổng số các công trình trong 5 năm qua của KEI.
ĐTM/ĐMC không chỉ là báo cáo phục vụ một dự án đầu tư hoặc một chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (C/Q/K) cụ thể mà còn là các công trình nghiên cứu khoa học. Ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, mỗi năm đã có hàng nghìn công trình nghiên cứu chi tiết về các khía cạnh tác động đến tài nguyên, chất lượng môi trường.
Khuyến nghị cho Việt Nam
Đánh giá tác động môi trường và Đánh giá môi trường chiến lược không xa lạ ở Việt Nam, tuy nhiên được thực hiện theo khuôn mẫu của quy định về nội dung và hình thức của Bộ TN&MT. Theo đó, Bộ TN&MT đã cụ thể, chi tiết nội dung ĐMC của Quy hoạch tại Phụ lục II Phụ lục Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT.
Như đã biết, chiến lược, quy hoạch là việc phân bố, khoanh vùng trên một địa bàn lãnh thổ (quốc gia, vùng, tỉnh) cho mục đích phát triển nhất định trong một thời kỳ trung hạn, dài hạn, đồng thời phải hài hòa các mục tiêu về BVMT và thích ứng tốt nhất với biến đổi khí hậu. Theo đó, ĐMC của chiến lược, quy hoạch phải nhận định, dự báo các thành phần môi trường có khả năng bị ảnh hưởng; đánh giá sự phù hợp với chính sách BVMT; dự báo các tác động tích cực và tiêu cực của chiến lược, quy hoạch. Đồng thời, đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường ở tầm vĩ mô và đề xuất các định hướng BVMT trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện. Việc áp dụng ĐMC cho chiến lược, quy hoạch giúp thực hiện nguyên tắc phòng ngừa ô nhiễm môi trường và góp phần triển khai chiến lược, quy hoạch một cách hiệu quả trong thực tiễn.
Có thể nhận thấy, việc thực hiện ĐMC trong thực tế sẽ gặp phải một số thách thức liên quan đến nguồn nhân lực thực hiện ĐMC và thẩm định quy hoạch còn thiếu. Đồng thời, trong thời gian ngắn phải thực hiện lập nhiều chiến lược, quy hoạch (riêng quy hoạch tỉnh đã phải thực hiện cho tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước) sẽ gây khó khăn trong công tác tổ chức, thực hiện. Việc lồng ghép nhiều quy hoạch vào một quy hoạch (quy hoạch tỉnh có nội dung về BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, kế thừa các quy hoạch ngành…) đòi hỏi các chuyên gia về quy hoạch phải có kiến thức tổng hợp về nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Tạ Nhị
(Kinh tế môi trường)
Lượt xem : 1293