Bài đề dẫn cho Tọa đàm bàn tròn với chủ đề "Liên kết Bảo tồn ĐDSH cho PTBV
5/13/2015 4:15:00 PM
VACNE) - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức chức năng của Tổng cục Lâm nghiệp và Tổng cục Môi trường đang chuẩn bị tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Liên kết cùng bảo tồn đa dạng sinh học cho phát triển bền vững” đúng vào Ngày Đa dạng sinh học quốc tế (22/5) năm nay.
Bài đề dẫn cho Tọa đàm bàn tròn với chủ đề
LIÊN KẾT BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC
CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Kỷ niệm Ngày Đa dạng sinh học quốc tế 22/5/2015
I. Đặt vấn đề
Cũng như nhiều vấn đề khác, bảo tồn đa dạng sinh học cho phát triển bền vững – thông điệp Ngày Đa dạng sinh học năm nay đòi hỏi sự liên kết, sự phối hợp của các ngành, các cấp, các tổ chức và cộng đồng.
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối với Tổng cục Lâm nghiệp và Tổng cục Môi trường đồng tổ chức Tọa đàm bàn tròn này với mong muốn tìm ra những hoạt động liên kết hiệu quả nhất, thiết thực nhất.
II. Những đồng thuận nhằm liên kết bảo tồn Đa dạng sinh học cho PTBV
1. Khái quát những đồng thuận trong chiến lược, chính sách, kế hoạch, luật pháp … trong Bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững
§ Các Chiến lược:
- Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 ( phê duyệt 7/2/2014, Bộ NN PTNT được phân công là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện chiến lược này),
- Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến 2020 tầm nhìn đến năm 2030 (phê duyệt 31/07/2013, Bộ TNMT được phân công là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện chiến lược này);
- Hai Chiến lược này đều có mục tiêu tổng quát là bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh nhằm góp phần phát triển bền vững đất nước .
- Trong đó, chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng nhấn mạnh mục tiêu bảo vệ rừng là để bảo vệ tài sản quốc gia, nơi lưu giữ các giá trị đặc biệt về bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, các nguồn gen sinh vật…
- Chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học nhấn mạnh bảo tồn và sử dụng bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp quý hiếm theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
§ Các Luật :
- Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004),
- Luật Thuỷ sản (2003)
- Luật đa dạng sinh học (2008);
Trong đó, Luật Đa dạng sinh học quy định về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong bảo tồn và pt bền vững đa dạng sinh học ; Luật bảo vệ và phát triển rừng lại quy định những vấn đề về quản lý, bảo vệ, phát triển sử dụng rừng, quyền và nghĩa vụ của chủ rừng… Luật Thuỷ sản quy định các hoạt động liên quan đến khai thác và sử dụng bền vững nguồn lợi thuỷ sản chính là tài nguyên đa dạng sinh học dưới nước.
Như vậy, cả 3 luật này đều đưa ra những quy định điều chỉnh các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các thành phần đa dạng sinh học
§ Các Quy hoạch: Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (30/10/2014, Bộ NNPTNT); Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh họccủa cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (08/01/2014, Bộ TNMT).
- Theo các nội dung chủ yếu đã được phê duyệt, thì Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng là cụ thể hoá một phần nội dung của Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước (trong đó có nôi dung hoàn thiện quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng…)
2. Thông điệp ngày đa dạng sinh học 22.5 năm 2015 của thế giới : “Đa dạng sinh học cho phát triển bền vững” ( Biodiversity for suistainable development), trong đó chứa đựng những ý nghĩa và giá trị kinh tế to lớn của đa dạng sinh học cho sự sống của nhân loại như cung cấp lương thực, nước sạch, hàng hoá và dịch vụ thiết yếu cho y tế, sinh kế bền vững, giảm nhẹ tác động thiên tai, - biến đổi khí hậu....
Các hoạt động, chức năng của đa dạng sinh học nêu trên đều là đối tượng chính cần được bảo vệ, phát huy, khai thác bền vững trong tất cả các Chiến lược, chính sách, kế hoạch quốc gia, các luật,… liên quan cảu các ngành nông nghiệp, tài nguyên, môi trường, thuỷ sản.
III. Phát huy sự liên kết bảo tồn đa dạng sinh học
Đa dạng sinh học là tài nguyên của quốc gia và chúng là một tổng thể không thể tách rời, bởi vì: Các hệ sinh thái là nơi sinh sống của các loài động vật, thực vật; các loài động vật, thực vật lại là nơi mang các nguồn gen vô cùng phong phú của Việt nam. Như vậy từ nguồn gen đến các loài động vật, thực vật và các hệ sinh thái có một sự liên kết vô cùng mật thiết trong một khối thống nhất .
Để quản lý chặt chẽ và theo tính chất khai thác sử dụng, người ta phải phân thành các ngành khác nhau như nông nghiệp, thuỷ sản, môi trường.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là từng ngành, từng bộ chỉ cát cứ trong khuôn khổ được phân công.
Trong khi việc phát hiện những chồng chéo, bất cập trong các văn bản chiến lược, trong các Luật và Nghị định đã ban hành đã được rà soát tương đối kỹ thì việc phát huy những nét chung, những mặt tích cực của các văn bản này, như vừa chỉ ra nhất là việc liên kết trong bảo tồn đa dạng sinh học dù đã được thực hiện trong nhiều năm qua nhưng nhiều khi còn mang tính tự phát, chưa thực sự chủ động và tích cực.
Chính vì vậy, với tinh thần của Ngày Đa dạng sinh học quốc tế năm nay, chúng ta cùng xem lại những hoạt động liên kết nào chưa làm, những hoạt động liên kết nào làm nhưng chưa tốt để cùng bảo tồn đa dạng sinh học tốt hơn nữa nhằm phát triển bền vững đất nước. Chúng tôi xin mạnh dạn nêu ra một số nội dung chính dưới đây để cùng thảo luận:
1. Những hoạt động liên kết cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao vai trò cộng đồng trong hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật đặc biệt trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
- Mô hình cộng đồng bảo tồn ĐDSH khá phổ biến, nhưng ít được quan tâm, khai thác
- Quản lý rừng cộng đồng (quản lý rừng bền vững có sự tham gia của người dân)
- Sự kiện bảo tồn Cây Di sản Việt Nam
- Vai trò giám sát, kiểm tra của cộng đồng thể hiện qua các mô hình cụ thể
- Du lịch sinh thái/du lịch cộng đồng bền vững.
2. Phối hợp đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững
- Đã có nhiều ấn phẩm truyền thông về bảo tồn đa dạng sinh học, các tài liệu hướng dẫn, nhưng chưa có một Tạp chí chuyên ngành hoặc tờ báo,… riêng về bảo tồn đa dạng sinh học
- Chưa có chương trình riêng biệt chuyên về bảo tồn đa dạng sinh học trên các sóng truyền hình và đài tiếng nói Việt Nam. Thường những chương trình tuyên truyền chỉ nằm trong Chương trình chung với Môi trường và Tài nguyên. Vì vậy, các vấn đề đặc thù của Bảo tồn đa dạng sinh học chưa được quan tâm và hiểu biết đúng mức.
- Trong các chương trình truyền thông ít ỏi về bảo tồn đa dạng sinh học lại thiếu sự kết hợp giữa các thành phần của bảo tồn đó là bảo tồn sinh cảnh, loài và nguồn gen, tri thức bản địa,... có hiện tượng là, hoặc chỉ tập trung tuyên truyền về bảo tồn ở cấp độ sinh thái, sinh cảnh rừng, biển…hoặc lại chỉ tập trung tuyên truyền về bảo tồn loài, nguồn gen,... Điều này có thể dẫn đến tốn kém nguồn lực và chưa hiệu quả.
3. Liên kết xây dựng cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho công tác quản lý đa dạng sinh học.
Theo phân công của Chính phủ, Bộ TNMT chịu trách nhiệm thống nhất quản lý CSDL về DDSH của cả nước, Bộ NNPTNT quản lý thông tin về đa dạng sinh học rừng, thuỷ sản, cây trồng vật nuôi. Rất cần một sự liên kết trong lĩnh vực này để xây dựng một ngân hàng dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia toàn diện, đầy đủ, cập nhật nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, sử dụng đa dạng sinh học cho phát triển bền vững đất nước;
4. Liên kết khắc phục những trở ngại, bức xúc về sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong bảo tồn ĐDSH
Đây là vấn đề đã được đề cập trong rất nhiều buổi tọa đàm, cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế nhưng tính hiệu quả thấp.
Cần thiết có một hành động mang tính đột phá trong việc phân công, phối hợp quản lý ĐDSH ở các cấp.
Chẳng hạn, Tổng cục Môi trường và Tổng cục Lâm nghiệp cùng thống nhất một kế hoạch hành động có sự tham gia của cộng đồng nhằm khắc phục các trở ngại hiện nay
5. Những vấn đề khác
Các đại biểu dự Tọa đàm có thể đề cập tới các vấn đề khác, nhưng cần theo ý tưởng chung là tìm ra các hành động liên kết để bảo tồn tốt hơn đa dạng sinh học của nước ta.
Chẳng hạn các vấn đề liên quan đến tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, đến an toàn sinh học, đến đất ngập nước hoặc các nội dung liên quan về tri thức bản địa/tri thức truyền thống, đến hợp tác quốc tế và bảo tồn đa dạng sinh học,…
IV. Kết luận
Đã đến lúc cần và có thể liên kết để làm được nhiều điều tốt đẹp hơn, tăng cường sức mạnh và nguồn lực hơn để bảo tồn đa dạng sinh học cho phát triển bền vững đất nước.
Lượt xem : 2134