Là Vườn Quốc gia được khẳng định tính đa dạng sinh học với 1.268 loài thực vật bậc cao. Về động vật đã ghi nhận có hàng nghìn loài chim, thú, bò sát lưỡng cư và hàng trăm loài cá sống trong vùng hồ rộng 500ha mặt nước.
Hiện nay, Vườn Quốc gia Ba Bể có 5 xã nằm trong vùng đệm và cả vùng lõi, với dân số lên tới hàng chục nghìn người. Sự bố trí dân cư sinh sống trong Vườn QGBB, nằm trên "kho tàng" khổng lồ động thực vật có giá trị kinh tế cao là thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý, bảo vệ nhưng Vườn QGBB vẫn được bảo vệ nguyên vẹn và phát triển bền vững, liên tục được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Du khách tham quan hồ Ba Bể
Để có được Vườn QGBB nguyên vẹn, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của Vườn đã xác định đặt công tác tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu. Từ đó, kế hoạch tuyên truyền hằng năm được xây dựng và thực hiện với hàng trăm buổi họp với các thôn bản trong vùng lõi, triển khai phổ biến Luật Lâm nghiệp, tuyên truyền cho người dân hiểu về giá trị của vùng hồ du lịch để người dân cùng tham gia bảo vệ. Tại các khu vực Bản Lồm, Bản Quá (Nam Cường), Bản Cám, Bó Liêm (Cao Thượng)… cán bộ kiểm lâm đã thực hiện ba cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân, triển khai tuyên truyền và tổ chức ký cam kết với từng hộ gia đình, vận động nhân dân tố giác các đối tượng vi phạm.
Phối hợp với các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng, xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên diện tích của các hộ nhận khoán, xử lý kịp thời các điểm thường xảy ra phát nương rẫy trái phép. Tổ chức các Trạm kiểm lâm nằm xen kẽ trong bản làng để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của Nhân dân nhằm tham mưu cho các cấp, ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ.
Cùng với đó, Vườn QGBB đã chủ động linh hoạt tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân sống chung trong Vườn được khai thác những sản phẩm thông dụng như hái lượm măng, mộc nhĩ, nấm hương, săn bắt cá, tôm để phục vụ cuộc sống, tổ chức thành lập hợp tác xã xuồng du lịch phục vụ du khách góp phần tăng thu nhập ổn định cuộc sống. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các điểm du lịch như động Hua Mạ, Đền An Mã, thác Bạc, Ao Tiên, xây dựng các tuyến đường du lịch vào Hoàng Trĩ, đường xuống thác Đầu Đẳng, kết nối du lịch với hồ thủy điện Tuyên Quang… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển du lịch hộ gia đình, mở rộng dịch vụ thương mại, góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống.
Đồng thời, đội ngũ cán bộ khoa học của Vườn thường xuyên phối hợp với các tổ chức khoa học trong và ngoài nước thực hiện các biện pháp bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, các nguồn gen động, thực vật hoang dã trên cạn, dưới nước và các cảnh quan thuộc phạm vi quản lý của Vườn. Thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học về bảo tồn thiên nhiên và môi trường. Tổ chức việc trồng rừng mới, phục hồi dược liệu, bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên trong Vườn.
Ngoài ra người dân tại vùng đệm thuộc các xã Khang Ninh, Cao Thượng, Quảng Khê, Đồng Phúc, Hoàng Trĩ được Vườn tạo điều kiện để triển khai các dự án khoanh nuôi bảo vệ rừng, hỗ trợ trồng mới hàng trăm ha rừng nguyên liệu, rừng phòng hộ đầu nguồn, góp phần tạo thu nhập cho người dân và tăng độ che phủ vùng đệm. Hướng dẫn người dân đánh bắt cá, tôm bằng các phương tiện thủ công truyền thống, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng nổ mìn, xiệt điện đánh bắt cá huỷ hoạt môi trường. Hằng năm, vận động người dân thu nộp súng săn và các loại bẫy chim, bẫy thú.
Vườn đã tham mưu cho các cấp chính quyền đầu tư xây dựng khu tái định cư Đồn Đèn với các điều kiện tốt về hạ tầng cơ sở, đảm bảo cuộc sống cho người dân, từng bước vận động người dân sống sâu trong vùng lõi lên khu tái định cư. Đến nay, khu tái định cư Đồn Đèn đã đón hơn 30 hộ dân đồng bào Mông thôn Khau Qua, Đán Mẩy (thuộc xã Nam Mẫu)… tới định cư từng bước ổn định cuộc sống. Công tác tuần tra, kiểm soát được thực hiện thường xuyên và liên tục nhằm xử lý, răn đe những đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp, làm hạn chế tình hình khai thác gỗ quý trái phép.
Ông Triệu Thế Khôi, Giám đốc Ban Quản lý Vườn QGBB cho biết: Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền pháp luật; tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân sinh sống, phát triển kinh tế, từ đó ý thức của người dân từng bước được nâng cao. Trong kế hoạch sắp tới, chúng tôi tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho cộng đồng địa phương trong các hoạt động gìn giữ, bảo tồn những giá trị của khu Ramsar, phát huy những thế mạnh về du lịch, về thủy sản để phát triển đời sống của cộng đồng địa phương, hướng tới mục tiêu sử dụng khôn khéo vùng đất ngập nước theo định hướng của công ước Ramsar./.
Phan Quý