Vietnamese English
Bà Rịa - Vũng Tàu: Côn Đảo thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững

8/15/2024 7:18:00 AM

Là hải đảo duy nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Côn Đảo được xác định xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm phát huy thế mạnh tài nguyên thiên nhiên trong lành, hệ thống di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt để phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Ấn tượng màu xanh

Trong 12 năm (từ 2012 đến 2024), du khách Minh Hằng (TP.Hồ Chí Minh) đã 4 lần du lịch Côn Đảo. Nhờ vậy, chị có cái nhìn khách quan về thiên nhiên, môi trường Côn Đảo. Chị nhận xét, Côn Đảo vẫn giữ được rừng tự nhiên hoang sơ, quyến rũ mà chưa bị bàn tay con người tác động. Đặc biệt, ý thức giữ vệ sinh môi trường cực kỳ tốt. Từ sân bay về, dọc các tuyến đường trên đảo, trong di tích… đều sạch tươm. Khách sạn lưu trú cũng chuyển đổi xanh hóa, sử dụng vật dụng hướng tới sự bền vững. Toàn đảo đi đâu cũng là khẩu hiệu, pano, phát thanh truyền thông điệp quyết tâm giảm nhựa, giảm chất thải nguy hại ra môi trường, bảo vệ đảo xanh. 

“So với nhiều hòn đảo khác trên cả nước, thậm chí trong khu vực Đông Nam Á, Côn Đảo đang làm rất tốt công tác bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên tự nhiên”, du khách Minh Hằng nhận xét. 

Côn Đảo mờ sương từ hồ bơi tràn Khách sạn Tuấn Ninh.

Du khách đã đến Côn Đảo nhiều lần hay mới lần đầu đặt chân đến hải đảo linh thiêng này, được “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” vào rừng biển đều hết lời khen ngợi hòn đảo bình yên, tươi xanh, trong lành và có nét bí ẩn. Những tuyến đường bàn cờ giữa trung tâm cổ kính với những cây bàng cổ thụ sừng sững. Nhiều tuyến đường nhỏ được mở kết nối các khu dân cư. Các hồ chứa nước ngọt như Quang Trung 1 và Quang Trung 2 có công viên, thảm cỏ bao quanh rất trữ tình. Hệ thống dịch vụ lưu trú, chợ, siêu thị, quán sá nhiều lựa chọn. 

Đường Tôn Đức Thắng và cảng tàu khách Côn Đảo.

Lần đầu đến Côn Đảo, ông Nguyễn Hoàng Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Phước vô cùng ngạc nhiên vì trung tâm Côn Đảo sầm uất, nhiều mảng xanh và cảnh quan đẹp. Đến đảo Bảy Cạnh đập vào mắt là mảng xanh phủ kín, cảm giác lội nước lắp xắp mát lạnh trong vắt, đi giữa cánh rừng đước làm tâm hồn rộng mở, thư thái, yêu thiên nhiên hơn. 

Côn Đảo cách TP.Vũng Tàu 97 hải lý và cách sông Hậu 45 hải lý. Là hòn đảo duy nhất trên cả nước có rừng, biển nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt, được công nhận vườn di sản ASEAN và là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế - khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam. Được tạo thành bởi 16 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo chính trung tâm tập trung cơ quan hành chính, cư dân và toàn bộ hệ thống hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân và khách du lịch trên đảo. 

Côn Đảo tựa bức tranh tự nhiên màu xanh ngọc. 

15 đảo nhỏ (còn gọi là hòn) toàn bộ là biển và rừng. Các đảo nhỏ không có dân cư sinh sống, chỉ có kiểm lâm giữ rừng biển và quân sự làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải. Biển rừng Côn Đảo vừa đa dạng sinh học vừa là nơi duy nhất cả nước thu hút lượng rùa biển về đẻ trứng nhiều. Côn Đảo đang khai thác sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù, đó là xem rùa đẻ trứng, thả rùa về biển, góp phần quan trọng bảo tồn và phục hồi loài rùa xanh quý hiếm trong tự nhiên.  

Côn Đảo còn đặc biệt nhất nước với di tích quốc gia đặc biệt bao gồm hệ thống nhà tù, các trại lao dịch khổ sai, nghĩa trang do Pháp và Mỹ lập ra đày ải hàng chục ngàn chiến sĩ cách mạng. Trong tâm trí của người Việt Nam yêu nước, Côn Đảo là bàn thờ thiêng của Tổ quốc. Du khách đến đây ngưỡng mộ, tri ân các anh hùng liệt sỹ và đồng bào yêu nước đã hy sinh trên mảnh đất thân thương này. 

Trại Phú An giam giữ những người tù chưa thành án.
 

Kinh tế tuần hoàn cho mục tiêu bền vững

Với thiên nhiên độc đáo và hệ thống di tích lịch sử đặc biệt của quốc gia, Côn Đảo được xác định là khu du lịch quốc gia, tầm cỡ khu vực và quốc tế, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, đồng thời gắn kết với thị trường quốc tế và nâng cao tính cạnh tranh với du lịch các đảo khác ở trong nước và nước ngoài. Kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp để phát huy các thế mạnh, hài hòa giữa môi trường sinh thái và phát triển kinh tế bền vững, cũng như giải quyết các thách thức của Côn Đảo. 

Thơ mộng Hòn Cau.

Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 16/3/2023 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” đề ra 29 nhiệm vụ với 6 chiến lược và mục tiêu tổng quát giải quyết các tồn tại và thách thức về môi trường, năng lượng tại Côn Đảo, từ đó xây dựng nền tảng thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn lực xã hội hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. 

Sân chim trên Hòn Trứng.

Côn Đảo đang từng bước triển khai cụ thể hóa kinh tế tuần hoàn. Trong đó, tập trung nhiệm vụ lâu dài là tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn, phân loại rác thải tại nguồn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thực hành giảm nhựa dùng một lần, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường Côn Đảo trong cộng đồng dân cư, du khách, người kinh doanh. 

Từ năm 2023, huyện Côn Đảo khởi xướng kế hoạch “Nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã”. Nhiều mô hình được triển khai và duy trì thường xuyên thành thói quen tập trung cho mục tiêu phủ xanh Côn Đảo như: Xây dựng các tuyến đường, đoạn đường tự quản về vệ sinh môi trường, đảm bảo mỹ quan và trật tự đô thị; trồng hoa, cây xanh ven đường; dọn vệ sinh môi trường vào “Ngày thứ 7 xanh - sạch - đẹp”; trang bị thùng rác 3 màu và hướng dẫn phân loại rác tại nguồn; tổ chức thu gom rác thải ven bờ, rác dưới biển, chạy bộ vì rùa biển, thay thế vật liệu nhựa dùng 1 lần bằng vật dụng thân thiện lâu dài, thi Dấu tay xanh, thi trưng bày giỏ lễ xanh, thực hành giỏ lễ xanh…

Tuyên truyền không đốt hàng mã và dâng cúng Giỏ lễ xanh tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Từ đầu tháng 7, các di tích do UBND huyện quản lý gồm: Miếu Cậu, Mộ 75 chiến sĩ - Khu dân cư số 1; Miếu Thổ Địa - Khu dân cư số 2; An Sơn Miếu - Khu dân cư số 3; Chùa Núi Một - Khu dân cư số 3; Miếu Ngũ Hành - Khu dân cư số 10 đã chính thức “Nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã”. Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo cũng triển khai Ngày thứ Bảy Giỏ lễ xanh từ ngày 6/7, hướng dẫn khách thăm viếng Nghĩa trang Hàng Dương soạn giỏ lễ thân thiện môi trường, không hàng mã, không mút xốp, không túi li nông, không chai nhựa dùng 1 lần, kích thước cao - dài - rộng không quá 50cm. 

Du khách mang những Giỏ lễ xanh vào viếng Nghĩa trang Hàng Dương.

Bà Nguyễn Thụy Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, Nghĩa trang Hàng Dương và các điểm di tích không còn tình trạng dâng cúng hàng mã, hóa vàng. Chất lượng không khí quan trắc trên toàn đảo chuyển biết rất tốt, AQI hiển thị bảng màu xanh. Đa số cửa hàng kinh doanh đồ lễ đã linh hoạt chuyển đổi, trưng bày, giới thiệu các mẫu “Giỏ lễ xanh” hình thức đẹp và ý nghĩa. 

Bà Nguyễn Thụy Nga nhận định, với xu hướng du lịch hiện nay, phần đông du khách ngày càng quan tâm đến du lịch văn minh, du lịch bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường và tôn trọng văn hóa địa phương. Bên cạnh du lịch tâm linh, du khách rất yêu thích những trải nghiệm, khám phá thực tế thiên nhiên sinh thái Côn Đảo. Chúng tôi tin rằng những du khách yêu thiên nhiên, có ý thức bảo vệ môi trường đều sẽ tiếp tục ủng hộ Côn Đảo - vùng đất linh thiêng “xanh - sạch - đẹp” luôn trong lành, văn minh, thân thiện.

Bài, ảnh: Trường Lân

Nguồn: TTXTDL Bà Rịa-Vũng Tàu - Đăng ngày 13/08/2024

Lượt xem : 605