Theo TSKH. Trần Công Khánh, Trung tâm Nghiên cứu & Phát triểnCây thuốc Dân tộc Cổ truyền (CREDEP, hội viên VACNE), tài nguyên cây thuốc ở nước ta rất đa dạng và phong phú. Đến nay, đã thống kê được khoảng 4.000 loài (chưa kể cây thuốc dân tộc), nhưng chúng phân bố rải rác và trữ lượng không lớn.
Việc khai thác cây thuốc một cách tự phát, mạnh ai người ấy làm, không có kế hoạch, đã làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn cây thuốc và nhất là chất lượng dược liệu thu hái không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, nguồn dược liệu từ cây cỏ được khai thác từ trong nước không đủ dùng để chữa
bệnh và sản xuất thuốc mà vẫn phải nhập một khối lượng lớn từ nước ngoài.
Trước thực trạng đó, việc trồng cây thuốc để cung cấp nguyên liệu cho nhu cầu sử dụng ở trong nước đang trở nên cấp bách. Cần trồng những cây thuốc bản địa có nhu cầu sử dụng lớn, kể cả di thực cây thuốc của nước ngoài phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và
khí hậu ở Việt Nam.
Một trong số những cây thuốc bản địa mà ta đang cần là Ba kích, còn có tên là Dây ruột gà, Chẩu phóng xì, Sáy cáy (Thái), Thau tày cáy (Tày), Chày kiềng đòi (Dao). Tên khoa học là Morinda officinalis How, họ Cà phê (Rubiaceae).
Cây Ba kích mọc hoang trong rừng thưa, hoặc rừng thứ sinh, gặp ở hầu hết các tỉnh miền núi phia Bắc từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình, đến vùng Cao nguyên ở phía Nam. Ngoài ra, nó còn phân bố ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc, Lào…
Rễ ba kích được dùng làm thuốc, có chứa các anthraglucosid, iridoid glucosid và các sterol như β-sitosterol, v.v… Theo Đông y, Ba kích có tác dụng ôn thận, trợ dương, mạnh gân cốt. Dùng chữa dương suy, liệt dương, di tinh, làm mạnh gân cốt. Người có âm hư, hoả thịnh, đại tiện táo bón thì không được dùng. Liều 4-12g/ngày, dưới dạng thuốc sắc, cao lỏng, hoặc ngâm rượu.
Trước nhu cầu về nguyên liệu Ba kích, nhiều nơi đã và đang phát triển trồng như ở tỉnh Quảng Ninh và huyện Tây Giang (Quảng Nam).
Ở xã Lăng (huyện Tây Giang), nơi đồng bào Cơ Tu sinh sống, có gìa làng Bh’riu Pố, người được mệnh danh “ông vua Ba kích” (ông là nguyên Chủ tịch và bí thư Đảng ủy của xã này). Đến cuối năm 2009, số cây Ba kích của ông đã trồng khoảng 6.000 gốc trên diện tích hơn một héc ta.
Mỗi gốc Ba kích nếu tốt có thể cho từ 3-4 kg rễ củ, hoặc hơn. Nếu chỉ bán với giá 40.000 đồng/kg rễ tươi (nay đã lên 80.000 đ và hơn nữa), thì với số cây đó, sau 3 năm cho thu hoạch sẽ có giá trị tiền tỉ - một giấc mơ làm giàu của nhiều người dân không chỉ ở miền núi, trung du mà cả ở vùng đồng bằng nước ta.
Ba kích là cây mọc tự nhiên, rễ Ba kích (không gọi là “Sâm Ba kích”) không thẳng mà thắt lại từng đoạn như cái chày giã gạo, vì thế mà tiếng địa phương gọi là cây Đhong Jơn Jêê (cây chày giã gạo). Người dân ở đây nghĩ đó là "cây của trời mọc trong rừng chứ không phải của người, không trồng được", nên không ai làm.
Nhưng khi già Bh’riu Pố trồng thành công cây Ba kích, thì mọi người mới tin rằng cây của trời vẫn trồng được. Đến lúc này Bh'riu Pố bắt đầu cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây Ba kích cho hơn 30 hộ gia đình ở xã Lăng, trong đó có vườn của Blinh Ương với trên 500 cây Ba kích đang phát triển tốt.
Từ hiệu quả kinh tế của cây Ba kích, lãnh đạo huyện Tây Giang đã xác định Ba kích không chỉ là cây thuốc quý mà còn là “cây xóa đói giảm nghèo” cho địa phương. Huyện không chỉ khuyến khích mà còn cung cấp giống miễn phí cho người dân trồng cây này. Gia đình nào có một ha Ba kích còn được thưởng 5 triệu đồng. Đến nay, cả xã Lăng đã có hơn 6ha rừng Ba kích.
Thấy mô hình trồng Ba kích của Bh’riu Pố hiệu quả, nhiều người dân, kể cả cán bộ các huyện miền núi khác như A Lưới (Thừa Thiên- Huế), Trà My, Nam Giang (Quảng Nam)... cũng đến học hỏi. Ông Pố nhiệt tình cho giống và hướng dẫn cụ thể cách trồng, chăm sóc và thu hoạch.
Rễ Ba kích Tây Giang đang được kiểm tra, so sánh thành phần hoạt chất với Ba Kích trồng ở Quảng Ninh. Nếu có chất lượng tương đương (hoặc tốt hơn?) thì thương hiệu “Ba kích Tây Gang” sẽ là nguồn nguyên liệu quý để dùng làm thuốc cho ngành Dược, Y học cổ truyền trong nước và xuất khẩu (Hiện nay, ta phải nhập khẩu Ba kích trồng từ Trung Quốc với khối lượng khoảng 205 tấn/năm - nguồn: “Cẩm nang sử dụng và phát triển cây thuốc ở Việt Nam” của T.C. Khánh và cs.).
Mong rằng cây Ba kích sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo không chỉ cho cộng đồng các dân tộc ở Quảng Nam nói riêng mà cho cả khu vực Tây Nguyên nói chung.
Và câu trả lời cho bài viết này như tiêu đề đặt ra là “Nên trồng cây Ba kích”. Dưới sự lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương và sự tham gia của người dân, nên có kế hoạch phát triển vùng trồng cây Ba kích ở Tây Giang.