Ba cây hơn 300 năm tuổi tại Đền thờ Lý Chiêu Hoàng, Từ Sơn, Bắc Ninh được vinh danh Cây Di sản Việt Nam
10/23/2016 8:39:00 PM
(VACNE) -Hai cây Nhội và cây Duối hơn 300 năm tuổi tại Khu Di tích Đền Rồng, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đúng vào ngày Lễ Tưởng niệm 738 năm ngày hóa của Lý triều Thánh Hậu Chiêu Hoàng Đế (ngày 23 tháng 9 năm Mậu Dần 1278 – ngày 23 tháng 9 năm Bính Thân 2016).
Ngày 23/10/2016 (nhằm ngày 23 tháng 9 năm Bính Thân), chính quyền và nhân dân phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 738 năm ngày hóa của Lý triều Thánh Hậu Chiêu Hoàng Đế và đón nhận Bằng công nhận 2 cây Nhội và cây Duối hơn 300 năm tuổi tại Khu Di tích Đền Rồng là Cây Di sản Việt Nam.
Trong diễn văn khai mạc, ông Ngô Tạo Lợi, phó Chủ tịch UBND phường Đình Bảng, đã ôn lại về cuộc đời, sự nghiệp và quá trình trùng tu xây dựng Đền thờ của Đức Vua Bà Lý Chiêu Hoàng – vị vua cuối cùng của Vương Triều nhà Lý. Theo đó, bà Lý Chiêu Hoàng sinh năm 1216, là con thứ 2 của vua Lý Huệ Tông và Hoàng hậu Trần Thị Dung, được phong là Chiêu Thánh Công Chúa. Tháng 10 năm Giáp thân (1224), Đức Vua Lý Huệ Tông lâm bệnh không thể điều hành việc triều chính, vì không có con trai nên đã ra Chiếu nhường ngôi cho Chiêu Thánh khi đó mới tròn 8 tuổi. Tương kế tựu kế, Trần Thủ Độ, một viên quan có uy tín trong triều lúc đó, đã đưa cháu trai là Trần Cảnh cùng trang lứa với Chiêu Thánh vào cung chầu trực, chơi bời và bằng sự sắp xếp của Trần Thủ Độ, họ đã nên vợ nên chồng. Chỉ một năm sau (ngày 11 tháng chạp năm Ất Dậu – 1225), cũng bằng lời lẽ ngon ngọt và mưu kế của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng đã trút bỏ long bào nhường ngôi báu cho chồng. Sau hơn 10 năm làm vợ, Hoàng hậu Chiêu Thánh không sinh con nên Trần Thủ Độ đã ép vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh) lập Hoàng hậu khác và Chiêu Thánh Hoàng hậu bị giáng xuống làm công chúa. Tai họa giáng xuống Bà từ đây với cuộc sống âm thầm một mình một bóng trong nỗi hưu quạnh khổ đau.
Sau này, khi Chiêu Thánh công chúa đã sang tuổi 40, vua Trần Thái Tông đã giới thiệu và thuyết phúc Bà lấy Lê Tần, một viên quan văn võ song toàn, có tài mưu lược, lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, là con trai của thượng tướng Lê Khâm, làm chồng. Bà chỉ đồng ý với vua với 3 điều kiện và được vua phê duyệt, đó là: Thứ nhất, xóa bỏ lệnh truy sát hoàng tộc nhà Lý và được đổi họ trở về quê quán làm ăn; Thứ hai, các lăng miếu đền thờ các vị công thần triều Lý được tu bổ, thờ phụng như xưa; Thứ ba, Dinh của Lê Tần phải ở xa Hoàng Thành, để khỏi phải nhìn thấy triều đình nhà Trần. Chiêu Thánh đã có với Lê Tần một người con trai là Trần Bình Trọng, một vị tướng trí dũng song toàn, lập nhiều chiến công trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông sau này, và một người con gái tên Khuê được phong là Ưng Thụy Công chúa.
Năm 1278, Lý Chiêu Hoàng về thăm quê hương Cổ Pháp xưa, nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây là chuyến thăm viếng cuối cùng quê cha đất tổ của Bà. Bà mất ngày 23 tháng 9 năm đó (Mậu Dần 1278), hưởng thọ 62 tuổi. Thi hài Bà được an táng tại bìa rừng Báng, phía tây Thọ lăng Thiên Đức, thuộc làng Đình Bảng quê nhà. Nhân dân hết lòng kính trọng, tôn làm Thành hoàng làng và xây dựng đền thờ ở nhiều nơi. Tại Long Miếu Điện (Đền Rồng), ngôi đền thờ Bà ở làng Đình Bảng, được xây dựng từ cuối thế kỷ XIII, quanh năm hương hoa lan tỏa. Mỗi năm đến ngày giỗ Bà, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội long trọng, đón khách thập phương về cùng làm lễ dâng hương, tưởng niệm.
Quanh Đền cây cối xum xuê tỏa bóng mát, trong đó có 2 cây Nhội và cây Duối. Năm 1919, Đền Rồng bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn nhưng 2 cây Nhội và cây Duối vẫn trường tồn, xanh tốt cho đến hôm nay, là chứng tích bao chiến công oanh liệt của quân, dân địa phương trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Việc vinh danh 2 cây Nhội và cây Duối là Cây Di sản Việt Nam đáp ứng nguyện vọng, lòng mong mỏi của chính quyền và nhân dân địa phương, tôn thêm giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của Khu Di tích Đền Rồng.
Tới dự Lễ hội và chia vui với bà con địa phương, có đại diện của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh, Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh, đông đủ các vị đại biểu đảng bộ, chính quyền, các Ban, Ngành, đoàn thể thị xã Từ Sơn, phường Đình Bảng, nhiều bậc cao niên, nhiều quý khách thập phương và nhân dân trong phường. Đông đảo phóng viên các cơ quan truyền thông của tỉnh, huyện cũng tới đưa tin về sự kiện này.
Đoàn đại biểu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam do bà Ngô Thị Lan Phương, Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Hội làm Trưởng đoàn, đã trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho chính quyền địa phương và phát biểu ý kiến./.
Phạm Đức Thi (VACNE)
Lượt xem : 3752