ASOEN
11/8/2010 9:56:00 AM
ASOEN là tên viết tắt tiếng Anh của 1 tổ chức thuộc các nước ASEAN, đó là tổ chức của các quan chức cao cấp về môi trường thuộc ASEAN
Nguyễn Ngọc Sinh, VACNE
Trước hết, nói một chút về ASOEN. Đây là tên viết tắt tiếng Anh của 1 tổ chức thuộc các nước ASEAN, đó là tổ chức của các quan chức cao cấp về môi trường thuộc ASEAN. Tổ chức này phối hợp các hoạt động chung về môi trường, chuẩn bị tài liệu về môi trường cho các Hội nghị Bộ trưởng Môi trường và Hội nghị cấp cao các nước ASEAN. ASOEN cũng xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường từ năm 2000, điều hành một số nhóm công tác về đa dạng sinh học, các thành phố bền vững, về công nghệ môi trường,… Các quan chức môi trường ASEAN, như đã nói ở đâu đó, rất quen thuộc nhau, tất nhiên là trong cùng giai đoạn thời gian nhất định. Điều đó tạo thuận lợi cho công việc. Khi gặp nhau, họ như một gia đình. Đoàn kết, thân mật…
Để tránh nắng, xe 15 chỗ của chúng tôi dự kiến bắt đầu chuyến đi từ khá sớm. Vậy mà đã mười phút trôi qua, lèo tèo chỉ có Singh Singapore, Môhamét Malaixia, chị Monthip Thái Lan cũng Giôn có mặt. Tôi và cô Hằng, cán bộ Phòng Bảo tồn mời mọi người ra ngoài đường cho thoáng, cũng là để đợi nhau. Khách sạn này chỉ cách Hồ Gươm, trung tâm của Hà Nội ngàn năm văn hiến không đến vài trăm mét. Nó có cái tên rất tây, dáng dấp rất tây, nhưng nghe đâu lại là liên doanh với Thái, phong cách phục vụ và món ăn thì đúng là Thái thật rồi. Cô nàng Monthip vênh váo lắm vì ngấm ngầm hiểu là tôi “thiện chí” nên mới chọn khách sạn này mà. Cô ta khá đẫy đà, nhưng khuôn mặt rất xinh, vừa lanh lợi thông minh, vừa đằm thắm chân thực. Nhưng đáo để lắm. Lại thêm vốn liếng tiếng Anh từ thời học Đại học Havớt, nên tây tàu gì cũng phải chịu hết. Nghe đâu gần đây đã lên thứ trưởng hay tổng cục trưởng gì đó bên Thái. Chị ta lấy chồng người Philippin, đã có hai cô con gái. Bà chị kết nghĩa bên Việt Nam, cũng là người của Phòng bảo tồn, nay đã về hưu, giúp tha đủ mọi thứ bên ta về Bang kok. Từ cái nhỏ như bức tranh lụa, bức tượng than đá đến sập gụ tủ chè xa lông giả cổ, kể cả bàn thờ gỗ vàng tâm sáng rực, tất cả lên máy bay về tuốt bên Thái. Biệt thự của chị ta có 2 phòng riêng trưng bày đồ gỗ Việt Nam. Tất nhiên là không phải loại phòng khiêm tốn như bên ta rồi, vì biệt thự này chứa được 4 xe con cho 4 thành viên và 2 xe lớn cho gia đình đi du lịch xa gần. Chị ta bắt đầu chê bai thành phố văn hiến của tôi. Thế là máu dân tộc bốc lên. À, lại lươn ngắn chê trạch dài phải không. Vâng, cái thành phố Bang kok của Chị thì đẹp lắm, môi trường lắm đấy. Trên trời hai – ba tầng xe chạy ầm ầm, dưới phố nhung nhúc xe ngược xuôi, dưới sông nước đen ngòm mà cũng dọc ngang thuyền máy, ca nô.
Chí chóe một lúc, mệt, nghỉ. Xả hơi tại Sao Đỏ, khá dễ chịu. Điểm dừng chân này học được nhiều điều của nước ngoài đây. Cự ly hợp lý, bố trí địa điểm thoáng mát, phục vụ đa chức năng. Đặc biệt gian trình diễn và bán tranh thêu thu hút nhiều khách quốc tế hơn cả. Người ta chăm chú theo dõi các cháu gái có hoàn cảnh éo le thực hiện thành thục các động tác thêu thùa. Có người hỏi chuyện, xin thêu thử vài mũi. Ai cũng mua một thứ làm kỷ niệm. Lên xe, không khí như trùng xuống. Vừa vặn đi qua khu vực gần núi Yên Phụ. Dải núi trùng điệp, hùng vĩ kéo dài phía bên trái đường gợi ra nhiều cảm nhận. Tôi chợt nhớ ra một chuyện được nghe kể gần đây. Hỏi có ai muốn nghe không, mọi người đồng ý ngay.
Tất nhiên, luôn là chuyện liên quan đến môi trường rồi. Câu chuyện nhập hồn cho tượng Đại vương Trần Hưng Đạo thật ly kỳ, huyền bí. Ấy là vào đúng nửa đêm hôm nhập hồn, khi tất cả mọi người đang tấp nập hoàn tất mọi công việc cần thiết để sáng hôm sau làm lễ cắt băng khánh thành Tượng, trời bỗng nổi gió. Ở vị trí yên ngựa nơi đặt tượng, gió như mạnh hơn. Tấm băng hồng chuẩn bị để mai phủ lên tượng như có người nhấc lên. Mọi người hớt hải giữ lại nhưng không kịp. Trời tối sầm. Một vài giọt mưa, thưa thớt, nhưng hạt mưa to, nóng. Lo lắng. Im lặng. Mươi phút sau, trời như sáng hẳn. Mưa tạnh, gió tan. Phía ngọn núi, nơi an táng và thờ cúng phụ thân Đại vương, mây đang cuộn lên. Và kỳ lạ thay, tấm lụa hồng đã được quàng vào cổ tượng. đang phất phơ lay động. Mọi người đều đồng loạt khấn, vái, mỗi người một kiểu. Hãy trông đấy, pho tượng vào loại lớn nhất Việt Nam, đặt ở vị trí cũng vào loại cao nhất Việt Nam. Mặt Ngài nhìn ra biển Đông, nơi Ngài đã từng bao lần làm bạt vía quân thù với những trận đánh để đời, mang lại an bình cho đất nước. Là những người Châu Á, các bạn ASEAN chăm chú nghe Ngọc kể.
Giôn cũng vậy, Anh ta cũng tin rằng, ở Châu Á, đâu đâu cũng có những vùng địa linh. Anh ta cũng đang hóa thân thành người Châu Á rồi. Họ hàng anh ta rất nổi tiếng, nhưng Anh ta đã sang sống ở Châu Á, bỏ lại bên nước Anh tất cả gia tài, vợ, mấy cậu con trai. Anh ta lại đã có hai đứa con với người vợ Châu Á. Mảnh đất cạnh Luân Đôn của Anh để lại cho người vợ trước cũng đã được Châu Á hóa, Việt Nam hóa: cũng hòn non bộ, vườn trước, ao sau, lạ nữa là đào ao lên liếp như người đồng bằng Nam Bộ ta. Sao tôi lại biết à? Vì hai mươi năm trước, tôi đã được ngủ ở nhà Giôn hai đêm nhân một chuyến đi họp môi trường. Khi đó, Giôn đang chỉ đạo một nhóm các nhà khoa học Việt Nam, trong đó có tôi, soạn thảo tài liệu, sau đó xuất bản thành một cuốn sách, có lẽ là cuốn sách có tính môi trường hiện đại đầu tiên của nước ta (tự nhận xét thế chắc nhiều người không thích). Kể từ ngày đó, Giôn gắn bó dài dài với Việt Nam. Không lúc nào không làm việc gì đó cho Việt Nam. Không năm nào không qua lại Việt Nam dăm lần. Giôn thuộc rừng Việt Nam, có khi hơn cả người Việt Nam. Một số chuyên gia lâm nghiệp nói, về khoản lội rừng thì không người Việt Nam nào bằng Giôn. Tiến sỹ Giôn đã hoàn thành luận án sau 3 năm cởi trần đóng khố sống chung với 1 bộ tộc Inđônêxia ngay sau khi tốt nghiệp đại học, bỏ lại ở đó 1 ngón tay bị lợn rừng đớp. (còn tiếp).
Lượt xem : 3978