Vietnamese English
An toàn cho động vật hoang dã

9/16/2021 7:23:00 AM

Hàng trăm cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) được giải cứu, nhiều cá thể bị giết hại trong thời gian gần đây, cho thấy nạn săn bắt ĐVHD đang diễn biến phức tạp.



Đặt bẫy ảnh để bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã

Liều lĩnh, tinh vi

Ông Lê Quốc Khánh thuộc Hạt Kiểm lâm (HKL) –Vườn Quốc gia Bạch Mã (QGBM) chia sẻ, vụ hai cá thể chồn bay, một cá thể cầy hương, sáu cái đầu linh trưởng, ba thân linh trưởng đã bị chặt toàn bộ các chi và đang phân hủy được lực lượng tuần tra phát hiện vào ngày 17/8, tại khu vực khe Ao - khe Lít thuộc Vườn QGBM khiến kiểm lâm và nhiều người thật sự xót xa. Sáu đối tượng vi phạm liên quan đã bị bắt giữ với các tang vật là một khẩu súng tự chế, chín viên đạn, một cái dao, một cái rựa, hai bao lưới, sáu đèn pin và ba lô, cho thấy sự chuyên nghiệp của các đối tượng săn bắt ĐVHD.

Qua đấu tranh, lấy lời khai, các đối tượng thừa nhận hành vi săn bắt ĐVHD là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình vi phạm. Các lời khai tiết lộ vụ săn bắt cá thể động vật rừng tại khe Ao - khe Lít thuộc Vườn QGBM là có tổ chức, bàn bạc. Vụ việc đang được Vườn QGBM phối hợp với Công an huyện Nam Đông tiến hành điều tra, xác minh tại hiện trường, củng cố hồ sơ nhằm xử lý đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật.

Điều đáng nói, hành vi săn bắt ĐVHD đang tiềm ẩn nhiều nơi. Ông Vĩnh Sang, Phó Hạt trưởng HKL huyện A Lưới đánh giá, hầu hết các đối tượng vi phạm đều rất manh động, liều lĩnh, chống trả lực lượng bằng mọi thủ đoạn. Vụ bắt giữ đối tượng vận chuyển ĐVHD được phát hiện tại khu vực đèo Pe Ke, xã Hồng Vân mới đây, lực lượng kiểm lâm phải mất nhiều thời gian và bị chống trả quyết liệt. Đối tượng điều khiển xe gắn máy bị lực lượng chức năng nhiều lần phát hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra nhưng không chấp hành. Sau đó đối tượng này vứt bỏ bao tải tại địa phận xã Trung Sơn rồi bỏ chạy. Cán bộ kiểm lâm tiến hành kiểm tra, phát hiện trong bao tải đựng hai cá thể động vật rừng, được xác định loài cầy vòi hương đều bị chết, bốc mùi hôi, có dấu hiệu phân hủy.

Đối tượng vi phạm khá tinh vi, có thể theo dõi, quan sát lực lượng tuần tra từ đằng xa để tẩu thoát. Một vụ bán động vật rừng được phát hiện đầu năm nay tại huyện A Lưới là điển hình. Trong lúc kiểm lâm A Lưới kiểm tra tại tuyến đường dân sinh, đến khu vực chợ tại xã A Ngo thì phát hiện một cá thể động vật rừng. Tuy nhiên “chủ nhân” của cá thể động vật này tẩu thoát kịp thời trước khi lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường. Qua kiểm tra, xác định cá thể là loài sóc đen, trọng lượng 1,8kg đã chết, có dấu hiệu phân hủy. Lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra, xác minh đối tượng, vụ việc cụ thể để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bảo tồn, kết hợp tuyên truyền, nâng cao sinh kế người dân

Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn QGBM cho rằng, vườn QGBM là nơi sinh sống, trú ngụ lý tưởng của nhiều loài ĐVHD, động vật quý hiếm. Tại Vườn QGBM ghi nhận có trên 1.700 loài ĐVHD. Trong số đó có đến 69 loài động vật quý, hiếm đưa vào sách Đỏ thế giới và Việt Nam, như sói lửa, cầy mực, báo hoa mai, sao la, gà lôi lam mào trắng và 15 loài đặc hữu của Việt Nam...

Ngoài bảo vệ, bảo tồn, gần đây, Vườn QGBM tiếp nhận, cứu hộ, chăm sóc và tái thả 198 cá thể động vật rừng. Trong đó phải kể đến các loài rùa núi viền, rùa sa nhân, rùa hộp trán vàng miền Trung; rùa đầu to, mèo rừng, rồng đất, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, kỳ đà vân, voọc chà vá chân nâu, lợn rừng, tê tê Java, culi nhỏ, sơn dương, chim hồng hoàng… Hầu hết các cá thể được cứu hộ, chăm sóc, tái thả thuộc các trường hợp người dân tự nguyện bàn giao.

Ông Linh nhận định, trước áp lực kinh tế, đời sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, nhu cầu sử dụng sản phẩm động vật rừng của một phận người dân khiến nguy cơ các loài ĐVHD tiếp tục bị đe dọa. Vườn QGBM tiếp tục triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế cho cư dân vùng đệm có hoàn cảnh khó khăn nhằm giảm áp lực sinh kế dựa vào rừng.

Vườn QGBM triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ ĐVHD thông qua tuyên truyền, vận động trực tiếp với các hộ lâm dân, các đối tượng vi phạm; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bảo vệ rừng, ĐVHD trong đối tượng học sinh… Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, ký kết với các HKL, công an các huyện và UBND các xã vùng đệm trong bảo tồn đa dạng sinh học.

Phó Hạt trưởng HKL huyện A Lưới, ông Vĩnh Sang khẳng định, tuần tra, giám sát, bảo vệ ĐVHD là hoạt động thường xuyên của các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm rà soát, nắm bắt các đối tượng thường săn bắt động vật rừng và các đối tượng nghi vấn để có biện pháp răn đe, ngăn chặn kịp thời. Tại các cửa rừng, đường mòn vào rừng được bố trí lực lượng giám sát, ngăn chặn người ra vào rừng không có lý do rõ ràng, chính đáng. Hoạt động tuần tra tại các điểm nóng, gỡ bẫy thú được các lực lượng phối hợp, phân công tổ chức thường xuyên, cả ngày lẫn đêm, kể cả lễ, tết…

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, sự nỗ lực của các cấp, ngành và Nhân dân, nạn săn bắt ĐVHD ngày càng giảm, nhiều nhà hàng phục vụ thực phẩm từ ĐVHD, thói quen người dân ngâm rượu bằng động vật rừng cũng hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, thực tế nạn săn bắt và nhu cầu sử dụng ĐVHD vẫn còn. Sắp đến, chúng tôi sẽ kiên quyết hơn nữa trong tuần tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng săn bắt, vận chuyển, sử dụng sản phẩm ĐVHD...


Bài, ảnh: Triều Ninh

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Lượt xem : 1498