Ăn no, ở yên
12/14/2010 7:49:00 AM
TT - Không phải ngẫu nhiên mà suốt tuần qua khi báo chí đưa tin về kỳ họp hội đồng nhân dân các tỉnh thành trong cả nước, vấn đề môi trường hay được giật thành tít chính của tin, dù kỳ họp cuối năm vốn thường bàn vô số việc.
Cho dù trong các kỳ họp hội đồng nhân dân như thế này, con số hoan hỉ nhất trong các báo cáo kinh tế xã hội luôn là số thu ngân sách trên địa bàn và thường là năm sau cao hơn năm trước hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng! Nhưng các đại biểu đều lưu tâm chuyện môi trường bởi đó không còn là điều gì xa xôi mơ hồ nữa. Nó cũng không còn là chuyện của các thành phố lớn, công nghiệp phát triển, chen chúc các nhà máy, xí nghiệp, khí thải, khói bụi. Sự đe dọa đã lan đến cả những tỉnh thành nhỏ lẻ, sản xuất công nghiệp còn bé mọn, thế nhưng dự án công nghiệp nào cũng khiến cuộc sống cư dân trong vùng, ngay cả nơi hẻo lánh thâm sơn cùng cốc, cũng bị thách thức.
Môi trường bị đe dọa không là chuyện xa xôi tận trời Âu bể Mỹ. Nó cũng không như những gì mà cả thế giới đang âu lo bàn bạc tại hội nghị Cancun tận xứ Mexico suốt hai tuần qua. Nguy cơ ấy đang hiện diện trong bệnh tật nan y gia tăng trong từng phận người, trong bữa cơm của mỗi gia đình, trong làn không khí mỗi ngày hít thở... cho đến những trận đại hạn hoang tàn hay lũ lụt kinh hoàng.
Một nhà máy thủy điện mọc lên có thể có thêm hàng trăm tỉ đồng thu về từ tiền bán điện nhưng cạnh đó là hàng trăm hecta rừng bị phá. Những công xưởng khai thác titan bên biển mọc lên, dân làng biển có thêm việc làm để mưu sinh nhưng những cánh rừng dương phòng hộ cũng mất đi, mất luôn sự che chắn cho những mảnh làng trước gió bão, nguồn nước ngầm bị đe dọa.
Rõ ràng những nhà máy mọc lên kia đã góp cho sự tăng trưởng GDP của đất nước, có nghĩa là trong chừng mực nào đó làm cho nồi cơm được đầy hơn, người dân được ăn no hơn. “Ăn no” cũng là một khát vọng chính đáng của nhân loại, nhưng không phải ngẫu nhiên mà cha ông chúng ta có một vế khác bên cạnh để đối chứng: “Ăn no chẳng bằng ở yên” - một đúc kết minh triết từ túi khôn của tiền nhân.
Không phải ngẫu nhiên mà đã có nhiều quốc gia trên thế giới thay thế chỉ số tổng sản phẩm quốc gia GDP (Gross Domestic Product) bằng tổng hạnh phúc quốc gia GNH (Gross National Happiness).
Những số thu ngân sách tăng lên với con số hàng chục, hàng trăm tỉ đồng mỗi năm khiến các kỳ họp hội đồng nhân dân cuối năm luôn mang lại sự hoan hỉ cho các đại biểu. Nhưng cũng trong bản báo cáo cuối năm kia, con số mất đi hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng khác từ hạn hán và lũ lụt thì sao?
Biết rằng ai chẳng muốn vừa “ăn no” vừa “ở yên”, nhưng những gì đang diễn ra với môi trường sống lại không nói với ta như thế!
LÊ ĐỨC DỤC
(Tuổi Trẻ, 13/12/2010)
Lượt xem : 1883