Vietnamese English
An ninh môi trường trong thảm họa động đất ở Haiti

1/19/2010 3:17:00 PM

Nhìn nhận Thảm họa động đất ở Haiti dưới góc độ an ninh môi trường có thể thấy động đất chỉ là giọt nước tràn ly và hệ lụy của thảm họa này còn có thể dẫn đến sự thay đổi sâu sắc xã hội Haiti

 
 
 
 
Nguyễn Đình Hòe, VACNE

 
 
Một trong những bãi thi thể nạn nhân động đất Haiti- ảnh trên internet
 
1.      Động đất Haiti dưới góc độ phân tích An ninh môi trường
 
Động đất xảy ra khắp nơi trên thế giới. Nhưng việc nó có thể dẫn đến thảm họa môi trường như ở Haiti hiện nay hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào sự chủ động ứng phó của chính phủ và toàn xã hội. Động đất 12/1/2010 tác động đến khoảng 1/3 dân số và chủ yếu gây hại cho thủ đô Port-au- Prince và một số vùng lân cận thủ đô. 2/3 đất nước và dân số Haiti vẫn nguyên vẹn. Vậy mà công tác cứu hộ, cứu nạn đã hầu như tê liệt, Chính phủ Trung ương và chính quyền các địa phương hầu như mất khả năng điều hành đất nước ngay sau động đất. Vắng bóng lực lượng cảnh sát, vắng bóng các hoạt động tự cứu hộ và tự cứu trợ, vắng sự trợ giúp nhanh và cần thiết từ những vùng vẫn yên bình của đất nước,...
 
Lực lượng cứu hộ và cứu nạn quốc tế, sự quan tâm trợ giúp khẩn cấp của quốc tế là rất cần thiết. Nhưng trên đời không ai cho không ai cái gì bao giờ. Điều có thể tiên đoán là Haiti sẽ phải thay đổi, vấn đề sự thay đổi đó sẽ như thế nào, có đáp ứng sát nguyện vọng của nhân dân Haiti hay không. Trên thế giới chỉ có vấn đề rác thải cũng đã đủ làm sụp đổ một chính phủ (Bờ Biển Ngà), hay sự sụp đổ của chính quyền một địa phương (ở Italy). Thì tác động của thảm họa động đất ở Haiti còn lớn hơn nhiều. Phía dưới thảm họa môi trường luôn là vấn đề chính trị- đó cũng là bản chất của vấn đề An ninh môi trường.
 
2.      Vấn đề kiểm soát An ninh môi trường trong thiên tai
 
Khả năng ngăn chặn thiên tai là rất hạn chế, do đó chiến lược can thiệp là nhằm vào cảnh báo sớm, chuẩn bị, phòng tránh và di chuyển dân. Điều này đòi hỏi phải sưu tập các dữ liệu, đánh giá các nguồn dữ liệu có sẵn trong khu vực, xác định các vùng dễ bị tổn thương, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, đào tạo cán bộ và tập huấn dân chúng sẵn sàng đối mặt với thiên tai. Dự báo khoa học về động đất ở Haiti là khá chính xác và khá sớm,nhưng không được chính phủ quan tâm.
 
Phòng tránh thiên tai nhằm vào giảm thiểu tác động xấu của thiên tai và cần hành động sớm trước khi thảm hoạ xảy ra. Phòng tránh thu hút cả sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quần chúng vốn có mục tiêu hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, hoặc những tổ chức hoạt động nhằm cảnh báo sớm hiểm họa. Cần xác lập hệ thống cứu hộ, ứng xử khẩn cấp, hệ thống bảo hiểm, quy chế xây dựng, nâng cấp hệ thống hoạt động xã hội, thực thi các biện pháp nhằm đa dạng hoá nền kinh tế của vùng.
 
Biện pháp tái định cư dân sau thảm hoạ phức tạp hơn sự cứu trợ nhân đạo kinh điển rất nhiều. Điều ưu tiên hàng đầu là đáp ứng nhu cầu thiết yếu của những người gặp nạn. Tuy nhiên các vấn đề tái lập an ninh môi trường cũng cần được tiến hành càng nhanh càng tốt. Cần khuyến khích những người di tản trở lại xây dựng lại quê nhà sau thảm hoạ nhằm giảm thiểu các xung đột và di cư trong tương lai. Cần chú ý đến truyền thông và điều phối giữa tất cả các thành viên tham gia vào quá trình tái định cư. Nếu như tản cư sang nước láng giềng, cần thiết lập truyền thông liên chính phủ để giảm căng thẳng quốc tế. Truyền thông giữa chính phủ và các tổ chức tham gia vào quá trình tái định cư sau thảm hoạ là rất quan trọng ở mọi cấp, từ cấp địa phương - cấp quốc gia đến cấp quốc tế.
 
Nói chung, để cho thiên tai không trở thành đe dọa đến an ninh môi trường cần một hệ thống chính quyền mạnh cả ở Trung ương và địa phương để điều phối các nguồn lực trong nước và quốc tế cũng như huy động toàn xã hội, điều mà Haiti tỏ ra chưa đáp ứng được./.
 

Lượt xem : 1787