Những xưởng chế biến gỗ không phép đặt gần rừng, không gắn liền với vùng nguyên liệu, khối lượng gỗ để sản xuất ra các loại sản phẩm tiêu dùng nội địa chủ yếu là gỗ không có nguồn gốc, trôi nổi đang được xem là những "Ông trùm” đứng sau các vụ phá nhiều khu rừng phòng hộ, đầu nguồn của các sông suối... Đình chỉ hoạt động hàng trăm cơ sở chế biến gỗ trái phép ở vùng Tây Nguyên đang là giải pháp khả thi để cứu rừng.
Ai cũng thấy rõ ây Nguyên hiện có hơn 1.500 cơ sở chế biến gỗ, nhiều nhất là ở các tỉnh Gia Lai có 480 cơ sở, Lâm Đồng 420 và Đắk Lắk hơn 500 cơ sở. Chẳng ai biết được, bên trong nhiều khu xưởng cơ sở chế biến gỗ thiếu quy hoạch và thiếu sự kiểm tra, quản lý chặt chẽ của các đơn vị chức năng nhưng rộng vài hecta này chứa những loại gỗ gì. Cũng chẳng ai trả lời được có bao nhiêu triệu m3 gỗ bị triệt hạ từ rừng Tây Nguyên đang được tập kết ở đây để chờ "hóa phép” đi tiêu thụ.
Nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay đối với các tỉnh Tây Nguyên để giữ rừng, không để tài nguyên rừng mất thêm, là sớm đóng cửa các xưởng chế biến gỗ trong rừng, gần rừng. Bố trí quỹ đất quy hoạch các khu chế biến lâm sản để chuyển các cơ sở chế biến lâm sản vào các khu quy hoạch, cụm, khu công nghiệp.
Gia Lai là tỉnh làm "mạnh tay” trong công tác kiểm tra, kiểm soát và đã xử lý nghiêm đối với những đơn vị vi phạm các quy định của Nhà nước trên lĩnh vực hoạt động chế biến gỗ, đã kiên quyết thu hồi giấy phép và đình chỉ hoạt động 139 cơ sở chế biến gỗ có vi phạm. Tiếp đến là Đắk Lắk có 44 cơ sở đã bị đình chỉ hoạt động do sử dụng nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc.
Một khi toàn quốc xây dựng và áp dụng các quy định về hệ thống kiểm soát, truy suất nguồn gốc gỗ hợp pháp sử dụng trong các cơ sở chế biến gỗ, rừng Tây Nguyên và rừng Việt Nam mới có thể tươi xanh. Rừng được cứu mới đảm bảo điều hòa không khí, nước, là mái nhà của động thực vật, tàng trữ các nguồn gen quý hiếm, bảo vệ và ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất, đảm bảo sự sống và sức khỏe con người…
Kim Vũ
|