Đây là anh chàng người Mông ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Anh hí hửng khoe với chúng tôi với chiến lợi phẩm của mình.
Xin được cắt ngang câu chuyện bằng một tình tiết to tát hơn. Đó là vào giữa năm nay, tại một hội nghị quốc tế về buôn bán động vật hoang dã, người ta đã chính thức công bố Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về mua bán động thực vật hoang dã. Tôi cho rằng đối với những người hàng xóm bé nhỏ của Trung Quốc là Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia thì đây là tin... buồn vô hạn.
Khu vực Đông Dương vốn nổi tiếng về độ đa dạng sinh học cao. Trong suốt những thập niên qua, tính đa dạng sinh học ấy đã suy giảm rất nhiều do hậu quả của chiến tranh, áp lực của đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế, cái đeo đẳng kỳ cựu của đói nghèo và gia tăng dân số ở chính các quốc gia này.
Song, có lẽ những điều ấy chưa đáng sợ bằng việc nằm sát vách một thỏi nam châm khổng lồ về tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã. Sức hút mạnh mẽ của thỏi nam châm ấy càng được củng cố bởi mức độ siêu lợi nhuận của hoạt động phi pháp này. Vì vậy, các loài động vật quý hiếm dù có chui lủi ở tít rừng sâu cũng bị moi ra bằng được, theo những đường dây ma mãnh mà "bắc tiến", đổ về nơi những kẻ có tiền đang chờ chực.
Nhiều tổ chức bảo tồn quốc tế đã cảnh báo rằng Việt Nam đang bị lợi dụng biến thành một điểm nóng để những kẻ phạm pháp trung chuyển động vật hoang dã sang Trung Quốc. Điều tra của Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) và Cục Kiểm lâm cũng cho biết trong vài năm trở lại đây, nạn buôn bán động vật hoang dã trong nước không ngừng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Nhiều trai tráng địa phương, cũng như anh chàng người Mông đề cập trên kia, vốn thật thà, chất phác vô tình bị biến thành kẻ đầu sai, tiếp tay cho những đường dây phi pháp bằng cách chuyên săn lùng các loài động vật quý hiếm. Họ không biết rằng mình đang hủy hoại nguồn di sản tự nhiên của chính cộng đồng mình. Di sản tự nhiên, dù sao cũng là di sản của cha ông, vì nó đã được gìn giữ, tồn tại suốt bao đời nay.
Vậy pháp luật ở đâu, nhà chức trách ở đâu?
Nhiều chuyên gia khẳng định Việt Nam có một hệ thống văn bản pháp luật bảo vệ động thực vật hoang dã không thua kém so với nhiều nước trên thế giới. Quả thực, từ việc ký kết Công ước cấp quốc tế như CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật nguy cấp) cho đến những quyết định, thông tư hướng dẫn, có lẽ liệt kê tới cả trang giấy không hết tên. Và mới đây nhất, Luật Đa dạng sinh học đã chính thức có hiệu lực, hứa hẹn sẽ bổ sung vào rừng luật sẵn có ấy ít nhất hàng chục văn bản luật nữa. Song, nhiều không có nghĩa là đủ. Đơn cử như cái việc săn bắn, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã, theo luật, hiển nhiên là vi phạm. Song, hình như các nhà làm luật “quên” mất rằng sở hữu chúng cũng là trái pháp luật. Không tin, bạn cứ tra cái công văn số 970/BNN-CKL của Cục kiểm lâm và điều 190 Bộ luật hình sự sửa đổi mà xem.
Có thể tự hào mà nói rằng chúng ta có một hệ thống ban, ngành chức trách đầy đủ để thực thi pháp luật bảo vệ các loài quý hiếm bị cấm hoặc hạn chế buôn bán, trong đó phải kể đến bộ ba kiểm lâm – hải quan – cảnh sát môi trường, là những lực lượng chủ chốt. Nhưng, điều được các chuyên gia nhắc đến nhiều hơn, đáng buồn thay không phải là khe hở luật pháp, mà là việc thực thi pháp luật Việt Nam còn yếu kém, cách xa so với quyền hạn pháp lý mà những nhà chức trách nắm trong tay.