Vietnamese English
9 sự kiện môi trường nổi bật năm 2015

12/31/2015 10:53:00 AM

Ra mắt chương trình truyền hình mới về môi trường; 50 tổ chức và cá nhân nhận giải thưởng môi trường Việt Nam; 11.400 tỷ đồng bảo vệ môi trường năm 2015; Ra mắt mô hình trường học xanh đầu tiên của Việt Nam; COP 21: Việt Nam đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu Xanh; là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong năm.

Ra mắt chương trình truyền hình mới về môi trường


Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường, Tổng cục Môi trường phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài truyền hình Việt Nam giới thiệu một chương trình mới, một diễn đàn xoay quanh các vấn đề môi trường mang tên “Góc nhìn môi trường”. “Góc nhìn môi trường” – một chương trình mới về môi trường sẽ chính thức lên sóng số đầu tiên vào 09h10 Chủ nhật ngày 10/5/2015 và phát sóng định kỳ vào 09h10 – 09h25 Chủ nhật hàng tuần trên sóng VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam.

 

“Góc nhìn môi trường” chính thức lên sóng số đầu tiên vào 9h10 Chủ nhật ngày 10/5/2015


Với thông điệp: “Mỗi cá nhân thay đổi góc nhìn về môi trường để từ đó có những hành vi thiết thực bảo vệ môi trường, môi trường sống sẽ trở nên trong lành hơn”. Những câu chuyện này được chia sẻ bởi chính những người dân hoặc những tổ chức, cộng đồng đang có các hoạt động tích cực góp phần bảo vệ môi trường. Sự thay đổi tích cực này sẽ tạo hiệu ứng trong xã hội để mọi người cùng chung tay đóng góp cho môi trường.


50 tổ chức và cá nhân nhận giải thưởng môi trường Việt Nam


Tối 4/6, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã trao tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2015 cho 27 tổ chức, 21 cá nhân và hai cộng đồng trên cả nước khi đã có những cống hiến và thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ môi trường. Giải thưởng Môi trường Việt Nam được tổ chức xét chọn và trao tặng từ năm 2001. Đến nay, đã có trên 300 tổ chức, cá nhân được tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Năm nay, Ban tổ chức đã nhận được 226 hồ sơ tham gia xét duyệt.


Giải thưởng Môi trường Việt Nam là giải thưởng chính thức và duy nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Giải thưởng nhằm động viên, khuyến khích phong trào bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững; đồng thời tuyên truyền, giới thiệu các gương điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường, lan tỏa phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.


Công bố Báo cáo môi trường quốc gia 2014


Báo cáo môi trường quốc gia 2014 - Môi trường nông thôn đưa ra một số kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ và các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý; phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm; từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường và đảm bảo các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở nước ta.


Báo cáo môi trường quốc gia 2014 - Môi trường nông thôn được xây dựng gồm 6 chương. Chương 1: Những đặc trưng của khu vực nông thôn, các lĩnh vực sản xuất chính và quá trình đổi mới ở nông thôn. Chương 2: Phân tích các sức ép đối với môi trường nông thôn. Chương 3: Đánh giá hiện trạng môi trường nông thôn trong giai đoạn từ năm 2010 - 2014. Chương 4: Những tác động tiêu cực của sự suy giảm chất lượng và ô nhiễm môi trường ở nông thôn đến sức khỏe người dân, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, cảnh quan sinh thái và dẫn đến xung đột môi trường. Trong Chương 5, vấn đề quản lý môi trường nông thôn được tập trung phân tích, đánh giá về các kết quả đã đạt được, những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn cũng như kết quả triển khai tiêu chí môi trường thuộc Chương trình nông thôn mới. Chương 6 đưa ra nhận định về một số vấn đề bức xúc về môi trường nông thôn và đề xuất các giải pháp đồng bộ gồm các giải pháp chung về chính sách, pháp luật, kiện toàn bộ máy thực thi, huy động tài chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như các giải pháp ưu tiên để giải quyết các vấn đề bức xúc, có xem xét đến yếu tố vùng miền trong định hướng quản lý môi trường nông thôn.

 

Ra mắt mô hình trường học xanh đầu tiên của Việt Nam


Ngày 4/2, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã ra mắt mô hình trường học xanh tại trường Tiểu học Lương Thế Vinh.


Mô hình trường học xanh tại trường Tiểu học Lương Thế Vinh được ứng dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED, hệ thống pin Mặt trời nối lưới điện 2kWp dùng cho một số thiết bị như quạt, điều hòa không khí, tủ lạnh, tivi…


NASA giúp Việt Nam bảo vệ môi trường bằng vệ tinh


Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ giúp giới trẻ và các nhà khoa học Việt Nam thu thập dữ liệu nhằm nâng cao hiểu biết về môi trường Trái đất bằng việc sử dụng công nghệ vũ trụ. Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa ký thỏa thuận hợp tác Globe - chương trình học tập và quan sát toàn cầu đem lại lợi ích cho môi trường. Globe sẽ kết nối học sinh, giáo viên, nhà khoa học và cộng đồng nhằm xây dựng nhận thức về môi trường, hiểu biết về văn hóa và cộng đồng toàn cầu – theo VnExpress.


"Với việc sử dụng công nghệ vũ trụ, chương trình sẽ giúp Việt Nam cải thiện chất lượng giáo dục khoa học, nâng cao nhận thức về môi trường trong giới trẻ, xây dựng mối liên kết giữa nhà khoa học với nhà giáo dục, đóng góp các nghiên cứu có ý nghĩa về môi trường cho thế giới", giáo sư Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST phát biểu tại lễ ký kết. Sau lễ ký kết, đầu năm 2016, VAST sẽ giao cho Trung tâm vệ tinh quốc gia là đơn vị đầu mối thực hiện chương trình, chuẩn bị nhân lực để tham gia khóa đào tào do NASA tổ chức.

 

Xây nhà máy xử lý chất thải lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam


Dự án “Khu Công nghệ môi trường xanh” có quy mô đầu tư trên 450 triệu USD, tương đương 9.656 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 1.760 ha tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Trong đó, số vốn giai đoạn 1 là 150 triệu USD, tương đương 3.218 tỷ đồng. Vốn cho các giai đoạn tiếp theo là 300 triệu USD, tương đương 6.437 tỷ đồng, sẽ được phân kỳ phù hợp theo các hạng mục đầu tư. Dự án này sẽ tập trung xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho TP.HCM và tỉnh Long An. Sau đó, mở rộng xử lý cho các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh thành lân cận có cự ly vận chuyển phù hợp – theo Vietnamnet.


Với công suất tiếp nhận và xử lý 40.000 tấn chất thải/ngày, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần giải quyết tình hình ô nhiễm hiện nay ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án “Khu Công nghệ môi trường xanh” nằm trong quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn tại 3 vùng kinh tế trọng điểm đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 16/10/2008.


11.400 tỷ đồng bảo vệ môi trường năm 2015


Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2015 là 11.400 tỷ đồng.


Bộ Tài chính cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, hàng năm ngân sách nhà nước bố trí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường đảm bảo không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng dần theo tốc độ tăng trưởng kinh tế.


Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13


Ngày 28/10, tại Hà Nội, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13, Hội nghị các nước tham gia Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới lần thứ 11 và Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN +3 lần thứ 14 đã chính thức khai mạc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự. Đây là hoạt động được tổ chức định kỳ 3 năm/lần trong cơ chế hợp tác môi trường ASEAN nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác về môi trường trong khu vực, đồng thời kiến nghị các giải pháp thúc đẩy hoạt động hợp tác trong thời gian tới.


“Ngày nay, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh lương thực và nguồn nước đã trở thành vấn đề lớn của khu vực và toàn cầu mà không quốc gia nào có thể tự giải quyết. Việt Nam sẵn sàng chung tay cùng ASEAN gìn giữ môi trường khu vực và thế giới. Một số lĩnh vực ASEAN ưu tiên hợp tác như: Sản xuất và tiêu dùng bền vững; quản lí an toàn chất thải; bảo tồn và quản lí bền vững đa dạng hệ sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng các đô thị thân thiện với môi trường; ứng phó thảm họa…” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.


COP 21: Việt Nam đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu Xanh


Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khai mạc Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tại Paris (Pháp) ngày 30/11. Quyết định này được xem là một nỗ lực toàn diện của Việt Nam đóng góp vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngoài việc đóng góp về tài chính, Việt Nam còn cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, chung tay cùng cộng đồng quốc tế cứu trái đất trước thảm họa tan băng, bão lũ, nước biển dâng và làn sóng di cư, nghèo đói, dịch bệnh do biến đổi khí hậu gây ra – theo Bộ Tài nguyên & Môi trường.


“Đối với giai đoạn sau năm 2020, mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.  Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của các quốc gia, các tổ chức quốc tế dành cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng. “Việt Nam sẽ thực hiện tốt trách nhiệm và các cam kết quốc gia của mình”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.


Theo Minh Cường (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 3630