Vietnamese English
85% rác thải đô thị được thu gom, xử lý

12/18/2015 11:19:00 AM

Tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị Việt Nam vào khoảng 38.000 tấn/ngày. Tỉ lệ thu gom và xử lý rác thải đô thị đến nay đạt khoảng 85%, tăng 3% so với năm 2010. Nhiều thành phố có tỉ lệ thu gom, xử lý khá cao, tới hơn 90% như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng...


Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay các công nghệ xử lý chất thải rắn đô thị chủ yếu là chôn lấp, sản xuất phân vi sinh và đốt. Cả nước hiện có 26 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung tại các đô thị, trong đó có 3 nhà máy sử dụng công nghệ đốt, còn lại phần lớn sử dụng công nghệ sản xuất phân vi sinh kết hợp chôn lấp – theo Chinhphu.


Cùng với đó, có khoảng 458 bãi chôn lấp đang vận hành với tổng diện tích trên 1.800 ha, nhưng chỉ có 121 bãi chôn lấp hợp vệ sinh với diện tích 977 ha. Còn lại phần lớn là bãi rác tạm, lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rác. Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường và chiếm diện tích lớn. Bộ cũng đang khẩn trương ban hành quy định hướng dẫn phương pháp lập, quản lý chi phí và phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đến nay đã có 55/63 tỉnh, thành phố trên cả nước phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn.

Ứng dụng công nghệ GIS theo dõi diễn biến rừng trên cả nước

Tại hội nghị báo cáo và chuyển giao kết quả ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý dự án FORMIS II tổ chức ngày 17/12 tại Đắk Lắk, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết năm 2017 sẽ ứng dụng công nghệ GIS theo dõi diễn biến rừng trên cả nước – theo TTXVN.

Thông qua dự án FORMIS (Phát triển hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp tại Việt Nam), Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chỉ đạo thực hiện triển khai và ứng dụng một bộ công cụ mới phục vụ công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp dựa trên công nghệ GIS mã nguồn mở hiện đại. Dự án do Chính phủ Phần Lan và Chính phủ Việt Nam tài trợ. Sau giai đoạn triển khai thí điểm từ năm 2009 đến năm 2013, hiện nay FORMIS đang triển khai giai đoạn 2 với mục tiêu hỗ trợ ngành lâm nghiệp và các đơn vị liên quan tại Việt Nam xây dựng hệ thống nền công nghệ thông tin liên lạc thống nhất, tích hợp các dữ liệu thông tin thường xuyên, nhanh, chính xác nhằm hình thành hệ thống thông tin hỗ trợ công tác quản lý rừng bền vững.

Sa Pa trong giá rét 1 độ C

Do ảnh hưởng không khí lạnh mạnh từ phía Bắc tràn về nên từ tối 16/12 đến nay, vùng cao Sa Pa (tỉnh Lào Cai) nhiệt độ giảm xuống còn 1,2 độ C, rét nhất từ đầu mùa đông 2015 tới nay. Băng giá đã xuất hiện kéo dài ở các vùng núi cao, như đỉnh đèo Ô Quý Hồ (ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển), tạo nên một cảnh trí thiên nhiên đẹp mắt, thu hút rất đông khách du lịch tới chiêm ngưỡng.

Tuy nhiên nhịp sống của người dân nơi đây vẫn diễn ra bình thường bởi người dân vùng núi Sa Pa đã quen sống với giá lạnh. Không khí lạnh mạnh tràn về cũng làm ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống nhưng người Sa Pa biết vượt qua để tồn tại và phát triển bền vững – theo Dân Trí.

Đà Nẵng xây dựng Bộ chỉ số phát triển xanh

Các chỉ số cụ thể và ngưỡng phát triển xanh-bền vững của Đà Nẵng hướng theo từng giai đoạn với 8 chủ đề là giao thông xanh, nước uống sạch, quản lý chất thải rắn, không khí sạch, năng lượng tái tạo và CO2, sử dụng đất xanh, quản lý nước thải, kinh tế lành mạnh. Ngày 16/12, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP. Đà Nẵng cho biết, Ngân hàng Thế giới đã đề xuất hỗ trợ Thành phố xây dựng và thực hiện Bộ chỉ số phát triển xanh và bền vững – Chinhphu cho biết.

Các chỉ số cụ thể và ngưỡng phát triển xanh-bền vững của Thành phố hướng theo từng giai đoạn với 8 chủ đề là giao thông xanh, nước uống sạch, quản lý chất thải rắn, không khí sạch, năng lượng tái tạo và CO2, sử dụng đất xanh, quản lý nước thải, kinh tế lành mạnh. Bộ chỉ số này sẽ được tư vấn nghiên cứu và đề xuất trên cơ sở phát triển xanh của các đô thị trên thế giới và thực tiễn tại Đà Nẵng.

TPHCM lên kế hoạch “siết” cơ sở gây ô nhiễm

Dù đã xử lý, di dời hàng ngàn cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong 13 năm qua, nhưng TPHCM vẫn còn nhiều khu vực nóng về ô nhiễm môi trường. Mới đây, chính quyền thành phố tiếp tục lên kế hoạch xử lý cơ sở gây ô nhiễm giai đoạn từ 2016 trở đi với biện pháp mạnh nhất vẫn là “buộc di dời”. Theo kế hoạch xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường được UBND thành phố ban hành ngày 10-12 vừa qua, chính quyền thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 thành phố không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư. Do đó, thành phố sẽ tiếp tục di dời các cơ sở gây ô nhiệm môi trường vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh – theo TBKTSG.

Song song đó, thành phố sẽ ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ để khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất kinh doanh đổi mới công nghệ, thiết bị, thay đổi ngành nghề, nâng cao chất lượng sản xuất và phát triển ổn định. Lộ trình thực hiện kế hoạch này được vạch ra như sau: giai đoạn 1 (2015 – 2016) sẽ xây dựng kế hoạch, phương án xử lý cơ sở gây ô nhiễm; giai đoạn 2 (2016 -2017) sẽ thực hiện các hình thức xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tổ chức di dời, hỗ trợ các cơ sở di dời; giai đoạn 3 (sau năm 2017) sẽ tiếp tục cập nhật và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, buộc di dời. Theo đó, thành phố sẽ buộc di dời các cơ sở gây ô nhiệm đến vị trí phù hợp với quy hoạch và sức chịu tải của môi trường.

Chìm trong khói bụi, Bắc Kinh lần thứ 2 ban bố tình trạng báo động đỏ

Hôm nay, 18/12, chính quyền thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc đã phải ban hành lênh "báo động đỏ" bởi tình trạng ô nhiễm không khí gây ra khói bụi ở thành phố này. Đây mới chỉ là lần thứ 2 một lênh báo động như trên được ban hành. Theo cảnh báo của chính quyền Bắc Kinh, thành bố sẽ bị bao trùm trong làn khói bụi ô nhiễm suốt từ ngày 19/12 đến ngày 22/12, và vì vậy một số biện pháp khẩn cấp được thực hiện để đối phó, như là hạn chế sử dụng xe hơi và đóng cửa các trường học.

Nhiều thập kỷ phát triển mạnh kinh tế đã khiến Trung Quốc phải chịu hậu quả là tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề ở các đô thị lớn, đặc biệt là Thủ đô Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc trong những năm qua đã cố gắng thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm mức độ ô nhiễm ở các thành phố lớn – theo Vntinnhanh.

Trung Quốc bắt 10 người bịa đặt dữ liệu ô nhiễm không khí

Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết 10 lãnh đạo của các công ty bị bắt giữ với cáo buộc sử dụng số liệu giả, cản trở hoạt động kiểm tra của bộ. Chính phủ nước này đang thắt chặt kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh ô nhiễm không khí ở mức báo động hiện nay. 8 công ty bị điều tra bao gồm nhà máy xử lý nước thải ở thành phố Đông Hoán, tỉnh Quảng Đông, đến doanh nghiệp liên doanh nước ngọt ở tỉnh Cam Túc. Các đội thực thi pháp luật đặc biệt của Bộ Môi trường phát hiện những trường hợp nói trên và cho biết doanh nghiệp làm sai lệch dữ liệu nhằm né tránh quy định – theo Zing.

Một số người có thể bị kiện hình sự. Theo Tân Hoa xã, luật pháp Trung Quốc quy định án tù 7 năm đối với người phạm tội gây ô nhiễm. Reuters cho hay, động thái này được thực hiện không lâu sau khi Bắc Kinh phát báo động đỏ về tình hình ô nhiễm hôm 7/12. Tình trạng khói mù dày đặc khiến chính quyền yêu cầu cắt giảm một nửa số ôtô riêng trong thành phố và ra lệnh đóng cửa nhiều nhà máy, trường học. Sau Bắc Kinh, nhiều thành phố khác của Trung Quốc như Thượng Hải, Định Châu và Tân Tập cũng đã cảnh báo khói mù nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Thỏa thuận khí hậu Paris "bỏ sót" vấn đề ô nhiễm hàng không

Trong một phát biểu mới đây, Ủy viên châu Âu về Năng lượng và Khí hậu Miguel Arias Canete cảnh báo: việc Thỏa thuận Paris vừa đạt được tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) “bỏ sót” ngành hàng không có thể gây nên “một vấn đề rất lớn" nếu những cuộc đàm phán vào năm tới về kế hoạch giảm khí thải từ ngành hàng không thế giới không có tiến triển. Trước đây, những nỗ lực để giải quyết vấn đề này đã bị "sa lầy." Trước nguy cơ một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác, Liên minh châu Âu (EU) đã buộc phải lùi lại việc áp dụng một luật yêu cầu tất cả các hãng hàng không sử dụng sân bay của EU phải mua giấy phép phát thải qua Hệ thống Mua bán Khí thải EU (ETS).

Theo số liệu của Ủy ban châu Âu (EC), hai ngành hàng không và hàng hải hiện chiếm khoảng 5% lượng khí thải trên toàn cầu. Con số này được dự báo sẽ tăng lên mức 30% vào năm 2050 nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Ông Arias Canete cho rằng một thỏa thuận (Thỏa thuận Paris) với gần 200 quốc gia ký kết sẽ không bao giờ hoàn hảo. Theo ông, dù EU đã đạt được phần lớn những gì mong đợi từ thỏa thuận này, song EU vẫn bị buộc phải từ bỏ các yêu cầu của mình về việc đưa ngành hàng không và hàng hải vào thỏa thuận, hai lĩnh vực mà Nghị định thư Kyoto trước đây cũng đã từng loại ra – TTXVN cho biết.

2.000 hòn đảo của Indonesia có thể bị nhấn chìm vào năm 2050

Phóng viên TTXVN tại Indonesia dẫn lời chuyên gia về chính sách công của Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia, ông Purnomo Achmad, cho rằng đến năm 2050 mực nước biển có thể tăng thêm 90 cm. Như vậy, sẽ có tới 2.000 hòn đảo nhỏ ở Indonesia bị nhấn chìm và 42 triệu gia đình sẽ bị mất nhà cửa. Các tác động của biến đổi khí hậu sẽ khó có thể dự báo, hoạt động khai thác hải sản sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dòng di cư của cá và mùa khai thác bị thay đổi. Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti đã viết thư kêu gọi toàn bộ khu vực đầu tư nhằm quản lý các nguồn tài nguyên một cách bền vững – TTXVN đưa tin.

Chủ tịch Ủy ban quản lý thiên tai Indonesia Sudibyakto cho biết gần 85% các vụ thiên tai ở Indonesia liên quan đến biến đổi khí hậu. Dù nguy cơ xảy ra các thảm họa rất cao, nhưng hiện nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý thiên tai của Indonesia vẫn hạn chế. Theo ông Sudibyakto, dự kiến trong 15 năm tới nguồn nhân lực cho lĩnh vực quản lý thiên tai của Indonesia đòi hỏi phải bổ sung ít nhất là 1.500 người có trình độ đại học, 50 tiến sỹ và 250 thạc sỹ. Kể từ sau ảnh hưởng nặng nề của trận sóng thần ở đảo Sumatra năm 2004, Indonesia đã chú trọng xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, trong đó có luật Phòng chống thiên tai được xây dựng năm 2007.

Theo Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2639