Vietnamese English
85% lượng chất thải nhựa sẽ được tái sử dụng vào năm 2025

11/10/2021 7:22:00 AM

Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt, đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.



Rác thải nhựa bị bỏ ngoài môi trường ở thị trấn Nham Biền (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Hà An.

Trước thực trạng lượng
rác thải nhựa phát sinh trong môi trường ngày một tăng, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt Quyết định số 1316/QĐ-TTg, thông qua Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.

Thời gian thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam từ năm 2021 đến năm 2026. Mục tiêu của Đề án là nhằm tăng cường quản lý tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa từ trung ương đến địa phương, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp
chất thải rắn.

Bên cạnh đó, góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở
Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy sử dụng trong sinh hoạt; sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong sinh hoạt (bao gồm cốc, chén, bát, đĩa, thìa, dĩa, ống hút, bao gói nhựa/hộp đựng thực phẩm sử dụng một lần, màng bọc thực phẩm, bộ đồ ăn nhựa dùng một lần...).

Phấn đấu đến năm 2025: Sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho
túi ni lông khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm người Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon.

Đơn cử như 2 thành phố lớn, là Hà Nội và Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Trong đó, cứ 4.000 – 5.000 tấn rác thải mỗi ngày thì đã có khoảng 7% – 8% là rác thải nhựa, nilon.

Tuy nhiên, rác thải nhựa rất khó bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Mỗi loại chất nhựa có số năm phân huỷ khác nhau với thời gian rất dài, hàng trăm năm có khi tới hàng nghìn năm. Như chai nhựa phân hủy sau 450 năm – 1000 năm; ống hút, nắp chai sẽ phân hủy sau 100 năm – 500 năm; bàn chải đánh răng phân hủy sau 500 năm…

Chia sẻ về mức độ nguy hại từ rác thải nhựa đến môi trường và sức khoẻ con người, như hiện nay, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho hay: rác thải nhựa ảnh hưởng đến đời sống của động vật, thực vật và cũng như trong sinh hoạt thường nhật của con người.

Hiện nhiều nơi, người dân còn xử lý rác thải nhựa bằng cách đốt. Khiến rác thải không còn có mặt trên tự nhiên nhưng lại trở thành khí và sinh ra chất độc. Khi con người hít phải sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, lâu dài cũng sẽ gây ra các bệnh lý không tốt. Hay nói một cách khác, rác thải nhựa là một trong những tác nhân gây bệnh không tốt cho sức khoẻ con người.

Trong khi đó, qua khảo sát thực tế của P.V Đại Đoàn Kết online tại một số khu vực làng nghề chuyên tái chế nhựa thải, như Trung Văn, Tân Triều, Tiên Dược (Hà Nội) và Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn lâm, tỉnh Hưng Yên)… thì môi trường nơi đây đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, là các nguồn nước mặt. Đáng chú ý, không chỉ tái chế nhựa thải lấy từ các nguồn trong nước, các làng nghề này còn nhập khẩu phần lớn nguyên liệu nhựa thải từ nước ngoài.

Và để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh, Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa đề ra ba nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể: Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, xử lý chất thải nhựa và hoàn thiện chính sách, quy định về quản lý chất thải nhựa. Triển khai các hoạt động đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế về quản lý chất thải nhựa. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hạn chế sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần. Nghiên cứu, đề xuất lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, sản xuất vật liệu xây dựng và tái sử dụng chất thải nhựa trong các công trình giao thông.

Nghiên cứu, đề xuất lộ trình tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy; bổ sung thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm nhựa dùng một lần phục vụ mục đích sinh hoạt; Xây dựng chính sách đồng bộ để phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa tại nguồn phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhằm tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa, ...

Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người; nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Hình thành mạng lưới tuyên truyền viên hướng dẫn phân loại, thu gom, tái chế, xử lý, quản lý chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng trên các địa phương. Khen thưởng, biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân có các hoạt động, giải pháp, sáng kiến hay về quản lý chất thải nhựa.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động thu thuế bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất và tiêu thụ túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của các địa phương; đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế bảo vệ môi trường.

Tăng cường triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất, phân phối sản phẩm nhựa và thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong đó có chất thải nhựa, …

(Theo Daidoanket)

Lượt xem : 1055