Theo bản báo cáo, tính từ năm 1995, các trận lũ lụt, các cơn bão và những hiện tượng thời tiết cực đoan khác đã khiến 606.000 người thiệt mạng và 4,1 tỷ người bị thương, rơi vào cảnh vô gia cư hoặc ở trong tình trạng cần sự hỗ trợ khẩn cấp. Riêng trong giai đoạn 2005 - 2014, các dữ liệu cho thấy đã xảy ra 335 thảm họa thiên tai, tăng 14% so với thập kỷ trước và gần gấp đôi con số kỷ lục ghi nhận được trong giai đoạn 1985-1994 – TTXVN cho biết.
Bản báo cáo lưu ý xét một cách tổng thể, thế giới đã ghi nhận số lượng các đợt bão lũ đang ngày càng gia tăng, trong khi hạn hán, các đợt nóng và cực lạnh cũng có chiều hướng tương tự. Cụ thể, lũ lụt chiếm 47% trong tổng số các thảm họa thiên tai trong 20 năm qua, ảnh hưởng hơn 2,3 tỷ người mà đa số đều tập trung ở châu Á. Khoảng 75% trong số 4,1 tỷ người bị ảnh hưởng là sinh sống tại Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Những nước tiếp theo có số người dân bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên tai nhiều nhất là Bangladesh (131 triệu người) và Philippines (130 triệu). UNISDR ước tính tổng thiệt hại tài chính do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra lên tới 1.900 tỷ USD.
Nâng cao năng lực trong quản lý rủi ro thiên tai
Ngày 23/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam chính thức công bố Dự án “Nâng cao năng lực các cấp Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam trong quản lý
rủi ro thiên tai và sơ cấp cứu.” Dự án do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, tập trung vào các hoạt động nâng cao hiệu quả điều phối của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam trong phòng ngừa, ứng phó thảm họa, đảm bảo tính bền vững của các đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh; nâng cao kỹ năng về ứng phó thảm họa, sơ cấp cứu cho thành viên các đội ứng phó thảm họa tại Trung ương Hội và các tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị, Bạc Liêu.
Với tổng kinh phí gần 500.000 USD, dự án được triển khai trong giai đoạn từ ngày 1/10/2015-31/3/2017. Dự án hướng vào 3 mục tiêu chính: Vận động chính sách và lập kế hoạch; tập huấn, nâng cao năng lực; phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ứng phó thảm họa, thích ứng với biến đổi khí hậu và sơ cấp cứu trong trường học – theo TTXVN.
Hà Nội chỉ đạo xử lý 'các hồ ô nhiễm'
Thành ủy Hà Nội vừa có công văn gửi Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Chủ tịch UBND Quận Đống Đa xem xét, giải quyết tình trạng
ô nhiễm hồ Hà Nội mà Tiền Phong nêu trong bài “Hồ nào ô nhiễm nhất Hà Nội”, đăng ngày 9/11.
Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo “nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo mỹ quan đô thị, Thường trực Thành ủy yêu cầu đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng chí Chủ tịch UBND quận Đống Đa chỉ đạo kiểm tra, xem xét, giải quyết tình trạng các báo nêu, chỉ đạo khắc phục, xử lý vi phạm (nếu có), báo cáo Thường trực Thành ủy trước 1/12/2015”.
Chi hơn 16 tỷ đồng cho sự nghiệp môi trường
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt nhiệm vụ sử dụng kinh phí sự nghiệp
môi trường năm 2016 hơn 16 tỷ đồng – Báo Khánh Hòa cho biết.
Theo đó, vốn sự nghiệp môi trường tập trung vào các nội dung: hỗ trợ các hoạt động quan trắc, đánh giá, xây dựng các trạm quan trắc; xây dựng dự án điều tra, khảo sát tình trạng ô nhiễm; xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải; quản lý, vận hành bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh; dự án xử lý chất thải cho một số bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, cơ sở giam giữ của Nhà nước; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường địa phương, cảnh báo môi trường công cộng; hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện thu gom chất thải, vệ sinh môi trường khu dân cư, nơi công cộng; xây dựng tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật về môi trường tại địa phương; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường; hoạt động thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về môi trường; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường và các hoạt động khác.
Đồng Nai đề xuất đóng cửa các lò gạch gây ô nhiễm
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có buổi tiếp xúc với các sở, ngành, địa phương về việc điều chỉnh lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn toàn tỉnh... Hiện toàn tỉnh có 142 lò gạch đất sét nung đang hoạt động, hầu hết đều là lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng không tuân thủ đầy đủ pháp luật về xây dựng, đất đai, môi trường, như không có giấy phép xây dựng, hoặc không có báo cáo đánh giá tác động môi trường; sử dụng rác thải công nghiệp như vải vụn, nhựa phế phẩm làm nguyên liệu đốt gây
ô nhiễm môi trường.
Theo đề xuất của Sở Xây dựng, đến cuối năm 2015 sẽ kiên quyết đóng cửa các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sử dụng nguyên liệu hóa thạch, đến cuối năm 2016 sẽ đóng cửa lò đứng liên tục, đến cuối năm 2017 chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các lò vòng không sử dụng nguyên liệu hóa thạch – theo Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Pháp lắp đặt thiết bị giám sát hệ thống nước sạch phục vụ COP 21
Trong bối cảnh chỉ còn một tuần nữa là khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21), Pháp đã triển khai các biện pháp tăng cường giám sát hệ thống nước sạch của khu vực Paris-Le Bourget, nơi diễn ra các hoạt động chính của hội nghị. Công ty và lực lượng đặc nhiệm RAID của Pháp sẽ triển khai các biện pháp đặc biệt để giám sát và bảo vệ hệ thống
nước sạch ở Le Bourget để có thể ngăn chặn tất cả các âm mưu khủng bố dịp diễn ra các hội nghị COP 21.
Veolia đã lắp đặt các thiết bị cảm biến và thiết bị báo động để nếu ai đó đưa vật/chất lạ vào nguồn nước thì hệ thống sẽ gửi cảnh báo nhanh chóng đến công ty và người dân. Thiết bị cảm biến này đã được Veolia thử nghiệm nhân dịp triển lãm World Expo Thượng Hải năm 2010, Thế vận hội Olympic tại London vào năm 2012 và lần đầu tiên áp dụng tại Nice năm 2013 nhân sự kiện của tổ chức Pháp ngữ.
Wattway: sản xuất điện ngay từ vỉa hè
Mới đây, Colas - công ty xây dựng của Pháp đã giới thiệu Wattway - công nghệ mới cho phép sản xuất điện từ vỉa hè. Cụ thể, loại vật liệu này sẽ tích hợp các tấm pin năng lượng mặt trời ngay dưới tấm lót vỉa hè và sản sinh ra điện năng. Bên cạnh đó, loại vật liệu này có độ bền, khả năng chịu mài mòn và chống chịu các tác nhân từ môi trường rất tốt. Lớp phủ lên vỉa hè chỉ có độ dày vài mm nhưng có thể chịu được áp lực cực lớn từ người đi bộ cũng như các phương tiện giao thông khác. Nhờ đó hiệu suất của các tấm pin mặt trời tích hợp bên trong Wattway sẽ không bị ảnh hưởng trong thời gian dài.
Quá trình lắp đặt Wattway lên vỉa hè cũng khá đơn giản và không cần quá nhiều nhân lực, máy móc phức tạp. Theo Colas, 20 m2 vỉa hè Wattway sẽ cung cấp điện năng cho một gia đình bình thường sinh hoạt (không bao gồm việc sưởi ấm), còn quãng đường dài 1 km có thể chiếu sáng khu vực công cộng với dân số lên tới 5.000 người. Trong tương lai gần, công nghệ này hứa hẹn sẽ thay thế cho những nguồn năng lượng truyền thống tốn kém và ảnh hưởng nhiều đến môi trường như hiện nay – theo Genk.
Theo Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)