Vietnamese English
523 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn

3/10/2016 11:04:00 AM

Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ 523,7 tỷ đồng cho 34 địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2015 - 2016.

34 địa phương được hỗ trợ gồm: Hà Giang 17,3 tỷ đồng; Tuyên Quang 12,8 tỷ đồng; Cao Bằng 4,8 tỷ đồng; Lạng Sơn 16,8 tỷ đồng; Yên Bái 17,7 tỷ đồng; Thái Nguyên 18,7 tỷ đồng; Bắc Kạn 16,1 tỷ đồng; Bắc Giang 15 tỷ đồng; Hòa Bình 16,2 tỷ đồng; Điện Biên 13,1 tỷ đồng; Quảng Ninh 12,5 tỷ đồng; Hải Dương 20,4 tỷ đồng; Hưng Yên 14,1 tỷ đồng; Vĩnh Phúc 9,7 tỷ đồng; Bắc Ninh 5,1 tỷ đồng; Hà Nam 20,7 tỷ đồng; Nam Định 21,2 tỷ đồng; Ninh Bình 20,8 tỷ đồng; Thái Bình 17,5 tỷ đồng; Quảng Bình 8,4 tỷ đồng; Quảng Trị 19,6 tỷ đồng; Quảng Nam 12,8 tỷ đồng; Bình Thuận 21,9 tỷ đồng; Kon Tum 17,6 tỷ đồng; Bình Phước 14,9 tỷ đồng; Bến Tre 14,2 tỷ đồng; Trà Vinh 13,3 tỷ đồng; Vĩnh Long 20,4 tỷ đồng; Sóc Trăng 10,8 tỷ đồng; An Giang 15,6 tỷ đồng; Đồng Tháp 18,2 tỷ đồng; Kiên Giang 16,5 tỷ đồng; Bạc Liêu 11,1 tỷ đồng; Cà Mau 17,9 tỷ đồng.


Khô hạn và mặn khiến cho tôm chết nhiều tại Kiên Lương (Kiên Giang)

Trước đó, tháng 2/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định hỗ trợ 85,1 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 cho 6 tỉnh: Quảng Trị, Đắk Lắk, Đắk Nông, Long An, An Giang, Đồng Tháp để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Hè Thu năm 2015. Theo dự báo, tháng 3 sẽ là cao điểm của khô hạn, xâm nhập mặn và tình trạng này sẽ kéo dài tới tháng 6/2016. Vì vậy, chúng ta phải tập trung cao độ, huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn với mục tiêu cuối cùng là giảm được tối đa thiệt hại do hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

65% rác thải có thể tái chế

Đó là nội dụng được thảo luận tại Hội nghị khoa học quốc tế về tuần hoàn vật chất và quản lý chất thải lần thứ III diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11/3 tại Hà Nội do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Tổng cục Môi trường) phối hợp với Hiệp hội Tuần hoàn vật chất và Quản lý chất thải Nhật Bản (Trung tâm Phát triển Liên hợp quốc tổ chức). Hiện nay, việc tái sử dụng chất thải được thực hiện thông qua thu thập và vận chuyển để đưa ra các làng nghề để tái sử dụng, lượng rác thải này chỉ được tái chế 10-20%, chủ yếu là giấy và nhựa và được xử lý qua công nghệ thủ công gây ô nhiễm môi trường – theo HQ Online.

Nếu áp dụng thành công công nghệ tái tạo từ rác thì có tới 60-65% chất thải ở Việt Nam có thể tái chế được, từ đó, rác thải không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn đóng góp phát triển kinh tế của đất nước. Hiện ở Việt Nam có nhiều công nghệ tái chế rác thải hiện đại, tuy nhiên, doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư vào ngành sản xuất này. Nguyên nhân doanh nghiệp chưa mặn mà với ngành sản xuất tái chế rác thải do việc đầu tư sản xuất vào ngành này không đem lại lợi nhuận cao. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào vốn và công nghệ vào việc tái chế rác thải nhưng chỉ được một thời gian do họ thấy việc này không đem lại lợi nhuận. Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành sản xuất này Nhà nước cần phải có chính sách đặc biệt như giảm thuế cho doanh nghiệp.

VNPT tham gia phát triển dịch vụ ngành tài nguyên môi trường

Ngày 8/3, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ TN&MT  Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi họp mặt với lãnh đạo Tập đoàn VNPT để triển khai thỏa thuận giữa 2 bên, trong khuôn khổ hợp tác chiến lược giai đoạn 2015-2020. Theo đó, VNPT cam kết cung cấp và hỗ trợ các giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT); xây dựng hạ tầng CNTT và truyền thông; phát triển các ứng dụng phục vụ công tác quản lý và xây dựng Chính phủ điện tử; bảo đảm an toàn an ninh thông tin và đào tạo nhân lực – theo Xã Hội Thông Tin.

Trong thời gian tới, tập đoàn sẽ cùng với Bộ TN&MT bàn bạc và có những định hướng cụ thể về việc lựa chọn các loại hình dịch vụ, phương thức định giá sản phẩm dữ liệu, đơn giá cụ thể… để cùng với Bộ tiến tới chuyên nghiệp hóa việc cung cấp các dịch vụ công, gia tăng giá trị cho các sản phẩm dữ liệu của ngành tài nguyên và môi trường. Trước mắt, Tập đoàn sẽ hợp tác ứng dụng CNTT tiếp tục xây dựng CSDL đất đai cho giai đoạn 2 của Dự án VLAP; tham gia xây dựng hệ thống CSDL đất đai quốc gia tập trung cho Bộ TN&MT và các CSDL chuyên ngành khác của Bộ; Hợp tác triển khai thử nghiệm “Hệ thống cảnh báo sớm những thay đổi bất thường của thời tiết”…

Cuba - quốc gia duy nhất đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững

Báo cáo mới công bố của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) kết luận Cuba hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững. Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, công trình được WWF tiến hành 2 năm/lần đánh giá mức độ phát triển bền vững dựa trên 2 yếu tố là chỉ số phát triển con người – theo thống kê chính thức của Liên hợp quốc (LHQ) và chỉ số “dấu chân sinh thái” – nói cách khác là mức độ tiêu thụ năng lượng và tài nguyên tính theo bình quân đầu người.

Ông Jonathan Loh, một trong những tác giả của báo cáo này, khẳng định chỉ có Cuba đồng thời đạt mức thỏa mãn tối thiểu ở cả hai chỉ số. Cuba đạt mức độ phát triển con người theo đánh giá của LHQ, với tỷ lệ biết đọc biết viết hay tuổi thọ trung bình đều ở mức cao, đồng thời không thuộc diện quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng hay tài nguyên thiên nhiên. Xét theo khu vực, Mỹ Latinh cũng ở gần chuẩn bền vững nhất, với Brazil và Mexico cũng rất gần mức đạt cả hai tiêu chuẩn tối thiểu. Trong khi đó, châu Phi là nơi có nhiều nước đạt chuẩn về “dấu chân sinh thái” (tiêu thụ tài nguyên thấp) nhưng lại không đạt chuẩn về phát triển con người, trong khi châu Âu gặp tình huống hoàn toàn đảo ngược. Ông Loh nhận xét kết quả báo cáo cho thấy Mỹ Latinh và Caribe là khu vực người dân hạnh phúc nhất - kết quả của sự phát triển cân bằng với môi trường tự nhiên.

Chế tạo súng laser bảo vệ Trái Đất trước thiên thạch

Các nhà khoa học Mỹ cho rằng có thể sử dụng súng laser đặt ngoài không gian để làm chệch hướng các tiểu hành tinh có xu hướng va chạm với Trái Đất như trong phim khoa học viễn tưởng Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars). Theo Telegraph, ý tưởng này được các nhà khoa học ở Đại học California, Mỹ phát triển. Họ cho biết hệ thống laser có tên gọi De-Star đã được thử nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm. Khi được phóng lên quỹ đạo Trái Đấtn và phát hiện một tiểu hành tinh nào đó có khả năng gây ra thảm họa, hệ thống không người lái De-Star sẽ nhắm bắn mục tiêu bằng một chùm laser năng lượng cao, làm cho một phần tiểu hành tinh bốc hơi – theo VnExpress.

Lượng khí được giải phóng trong quá trình bốc hơi này sẽ tạo lực đẩy đủ mạnh để thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh, giúp nó chệch khỏi Trái Đất. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm bắn phá một mảnh đá bazan, một loại đá lửa có thành phần tương tự tiểu hành tinh và thấy rằng nó mất khối lượng khi bị đốt nóng bằng laser. "Quá trình này gọi là thăng hoa hay bốc hơi, biến một chất rắn hoặc lỏng thành khí", Travis Brashears, một sinh viên làm việc trong nhóm cho biết. "Khí đó sẽ tạo ra một đám mây chùm và một phản lực đẩy về hướng ngược lại. Chúng tôi sẽ đo phản lực này". Theo tính toán, cần một chùm laser công suất 10 kW để làm chệch hướng một tiểu hành tinh đường kính 100 mét trong vòng 30 năm.

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2099